Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện là hiếu kinh của Phật giáo, nội dung của nó dạy chúng ta hiếu thân tôn sư. Mà chư Phật Bồ Tát còn biểu diễn cho chúng ta thấy, thành tựu vô thượng bồ đề, chứng được quả Phật viên mãn, là như thế nào? Hiếu kính làm đến viên mãn sẽ thành Phật. Rất siêng năng rất nỗ lực thực hiện hiếu kính, chưa viên mãn, đây gọi là Bồ Tát. Chúng ta biết, Bồ Tát là một người con hiếu thuận, là một học sinh biết tôn sư trọng đạo, đây là Bồ Tát. Từ điểm này, chúng ta hiểu được Bồ Tát nghĩa là gì, ta đã minh bạch.
Sự tu học trong Phật pháp đại thừa, phải lấy “Địa Tạng” làm nền tảng, làm căn bản. Từ căn bản này tăng trưởng lên, phát triển rộng rãi, đây là pháp môn Quan Âm. “Quan Âm” trượng trưng đại từ đại bi. Đại từ đại bi, ngày nay người thế gian gọi là đại ái, bác ái. Hai chữ “bác ái” này xuất phát từ Kinh Vô Lượng Thọ, Kinh Vô Lượng Thọ phiên dịch từ 2000 năm trước, mở rộng hiếu kính chính là từ bi. Chúng ta biết hiếu thuận cha mẹ mình, tôn kính thầy mình. Mở rộng hiếu kính có thể hiếu kính tất cả chúng sanh, tôn kính tất cả chúng sanh, đây là pháp môn của Bồ Tát Quan Âm. Chúng ta niệm Bồ Tát Quan Âm, chúng ta chiêm lễ Bồ Tát Quan Âm, có thực tiễn pháp môn Bồ Tát Quan Âm chăng? Không có, vì thế dù đảnh lễ Bồ Tát Quan Âm như thế nào cũng không linh. Có người lễ bái Bồ Tát Quan Âm đạt được cảm ứng, quý vị nói nó linh chăng? Nếu linh thật, thì mỗi người lễ lạy đều linh mới đúng. Cầu Bồ Tát Quan Âm gia hộ ta thăng quan phát tài, ta mua vé số trúng thưởng. Mỗi người lễ bái Bồ Tát Quan Âm, mỗi người đều trúng thưởng, Bồ Tát Quan Âm linh. Còn có những người không trúng thưởng, Bồ Tát Quan Âm không linh. Trong quan niệm người thế gian đều nghĩ sai, đây gọi là mê tín. Hiểu sai ý nghĩa của Phật pháp, hiểu lệch lạc ý nghĩa của Phật pháp. Phật Bồ Tát không phải quỷ thần, không thể gia hộ người. Phật Bồ Tát là dạy người, dạy chúng ta, bản thân mình phải thực hành. Ta có thể kính yêu tất cả chúng sanh, tất cả chúng sanh sẽ kính yêu ta. Ta biết kính người, người luôn kính trọng. Ta dùng thành ý tôn kính người khác, đương nhiên người ta tôn kính ta. Ta chịu giúp người khác, người khác cũng chịu giúp ta. Đây là ý nghĩa thật sự của Bồ Tát Quan Âm đại từ đại bi, cứu khổ cứu nạn.
Chúng ta có tai nạn, hy vọng người khác đến cứu ta, Bồ Tát đến cứu chúng ta. Họ có tai nạn, ta ở đó nhìn thấy như như bất động, thấy cũng giống như không nhìn thấy, như vậy sao có thể được quả báo. Đây là hành vi của chúng ta, thái độ của chúng ta. Đến khi ta có nạn, lâm thời ôm chân Phật, cầu Bồ Tát Quan Âm gia hộ cho ta. Còn phát nguyện trước Bồ Tát Quan Âm, xin ngài gia hộ cho con, tương lai con sẽ báo đáp cho ngài như thế nào, ra điều kiện với Bồ Tát, làm việc hối lộ, coi Bồ Tát như hàng tham quan ô lại. Không biết thái độ này, đã gây ra tội nghiệp rất nặng.
Bồ Tát Quan Âm tượng trưng từ bi của tự tánh, là muốn ta đem từ bi này yêu thương tất cả chúng sanh khổ nạn. Ý nghĩa vốn có là như vậy, ta xem nó hoàn toàn ngược lại, đây là sai lầm.
Cho nên chúng ta hiếu thuận cha mẹ, tôn kính sư trưởng, kính trọng tưởng bối, sẽ được Bồ Tát Địa Tạng gia trì.
Ta có thể quan tâm xã hội, yêu thương đại chúng, tận tâm tận lực giúp người khác, đặc biệt là người có khổ nạn, sẽ được Bồ Tát Quan Thế Âm gia trì. Ta không cúng dường Bồ Tát Quan Thế Âm, không lạy Bồ Tát Quan Âm, Bồ Tát Quan Âm cũng gia trì ta. Vì sao vậy? Vì tâm nguyện, hành vi của ta giống như Bồ Tát. Trong nhà Phật, chư vị phải nhớ rằng, không trọng hình thức mà trọng thực chất. Hình thức chỉ vì tuyên truyền, thực chất mới có thể đạt được lợi ích chân thật, không thể không hiểu điều này.
(Trích: Kinh Địa Tạng Huyền Nghĩa, tập 5)