Từ bi từ chỗ nào biểu hiện? Từ phía sau “khéo giữ khẩu nghiệp” đến “thanh tịnh vô nhiễm”, sáu câu này biểu hiện ra là đại từ đại bi. Cần phải thanh tịnh mới có từ bi, tâm không thanh tịnh lấy đâu ra từ bi? Do đây có thể biết, bốn câu phía trước này quan trọng, nhất là hai câu “quán pháp” này quan trọng hơn bất cứ thứ gì. Người có thể quán như vậy thì sẽ không tạo nghiệp, tâm thanh tịnh, biết được tất cả hiện tướng này, họ thị hiện thiện, mặt này tốt, chúng ta phải nên bắt chước; họ thị hiện ác, mặt đó cũng tốt, nhắc nhở chúng ta không nên phạm cái lỗi lầm đó. Cho nên, tất cả thị hiện đều là thầy của ta, đều là thiện hữu của ta, đều là giúp chúng ta tinh tấn, đều là đang thành tựu đạo nghiệp của chúng ta. Bạn xem, tâm hạnh của Bồ Tát cùng phàm phu chúng ta đích thực không giống nhau.
Sáu câu này đều là thuộc về giới hạnh. Giáo học của Phật, tổng cương lĩnh chỉ có ba cái là giới-định-huệ tam học. Sáu câu này là thuộc về giới học. “Nhân giới được định, nhân định khai huệ”, thế nhưng giới-định-huệ tam học là tương bổ tương thành, giới có thể giúp đỡ định huệ, định có thể giúp đỡ giới huệ, huệ có thể giúp giới định, nó là tương bổ tương thành. Người sơ học chúng ta cần phải từ “trì giới” mà bắt tay vào.
Trì giới chính là tuân thủ giáo giới của Phật, tuân thủ Phật chế định qui củ, thành thật lão thật y giáo phụng hành, tâm của chúng ta mới có thể thanh tịnh, mới có thể được định. Cho nên đoạn Kinh văn này vô cùng quan trọng, ngàn vạn lần phải ghi nhớ.
Khẩu nghiệp rất nhiều, nghiêm trọng nhất là nói lỗi lầm của người khác. Nói lỗi lầm của người khác là chính mình lỗi lầm nghiêm trọng nhất. Việc này phải nên hiểu. Làm sao đem lỗi lầm của người khác từ trong nội tâm của chúng ta tiêu trừ, đây mới là biện pháp căn bản.
Gần đây, chúng ta sáng sớm mỗi ngày đọc “Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh”. “Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh”, Kinh văn vừa mở đầu, Phật nói cho chúng ta nghe một đoạn giáo huấn vô cùng quan trọng, tương ưng với sáu câu này. Ngài dạy Bồ Tát, Ngài nói: “Bồ Tát có một pháp (có một phương pháp) có thể đoạn tất cả khổ thế gian”. Cái này rất cừ khôi, tất cả thế gian bao gồm mười pháp giới, không chỉ là khổ của cõi người chúng ta, mà mười pháp giới tất cả khổ đều có thể đoạn hết. Cái pháp đó quá quan trọng, chúng ta muốn học hay không? Cái pháp này là pháp gì? Phật nói ra rồi, “ngày đêm thường niệm thiện pháp, tư duy thiện pháp, quán sát thiện pháp, không để chút nào bất thiện xen tạp”, chính là cái pháp này.
“Ngày đêm” là không gián đoạn, “thường niệm thiện pháp” là tâm thiện, “tư duy thiện pháp” là ý niệm thiện, “quán sát thiện pháp” là hành vi thiện. Bạn xem chỗ này nói khéo giữ khẩu nghiệp, khéo giữ thân nghiệp, khéo giữ ý nghiệp (thường niệm tư duy là khéo giữ ý nghiệp), cùng sáu câu này trên “Kinh Vô Lượng Thọ” nói hoàn toàn tương ưng. Chúng ta có thể chân thật giữ gìn thân-khẩu-ý thuần thiện vô ác, bạn liền có thể đoạn tất cả khổ thế gian. Do đây có thể biết, tất cả thế gian khổ này từ do đâu mà ra? Là do tâm hạnh bất thiện của chúng ta mà ra.
Tâm hạnh vì sao bất thiện? Không hiểu rõ chân tướng sự thật, tùy thuận vọng tưởng, phân biệt, chấp trước của chính mình thì đang tạo nghiệp. Trong ác nghiệp, căn bản chính là trên “Kinh Kim Cang” nói “ngã tướng ngã kiến”, đây là đại căn đại bổn của tất cả ác nghiệp. Nếu dùng lời hiện tại mà nói, chính là tự tư tự lợi. Các vị thử nghĩ xem, có người nào không tự tư tự lợi? Không có tự tư tự lợi thì không phải là người, chân thật không phải là người, họ là Phật, họ là Bồ Tát, họ không phải là người. Có tự tư tự lợi chính là người trong sáu cõi. Không có tự tư tự lợi, họ chính là Bồ Tát.
Chúng ta muốn chuyển phàm thành Thánh chính là ý niệm tự tư tự lợi chuyển đổi lại, niệm niệm lợi ích tất cả chúng sanh, không nên nghĩ lợi ích chính mình. Mỗi niệm lợi ích tất cả chúng sanh, bạn liền chuyển phàm thành Thánh. Phàm Thánh thực tế mà nói là khác biệt ở một niệm. Phàm phu xem thấy người khác đều không tốt, chỉ có chính mình tốt. Bồ Tát xem thấy tất cả chúng sanh mỗi mỗi đều tốt, không có người nào không tốt, xem thấy ác quỷ cũng tốt, xem thấy độc xà mãnh thú cũng tốt, xem thấy chúng sanh địa ngục cũng tốt, họ thảy đều là tốt, đó là Bồ Tát. Chúng ta xem thấy cái này không vừa mắt, thấy cái kia không vừa ý, đây là phàm phu, không phải là Bồ Tát.
Bồ Tát xem thấy tất cả chúng sanh đều tốt, tại vì sao đều tốt? Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh. Phàm phu chúng ta không biết Phật tánh, phàm phu chỉ chú trọng bên ngoài, đó là “tướng”. Cái tướng kia tốt, tướng này không tốt, họ dính tướng, họ khởi phân biệt chấp trước. Phật Bồ Tát không dính tướng, xem thấy Phật tánh của bạn, Phật tánh là bình đẳng, Phật tánh là viên mãn, Phật tánh của tất cả chúng sanh cùng Phật tánh của chư Phật Như Lai là không hề khác biệt, cho nên tâm của Phật bình đẳng, tâm của chúng sanh không bình. Không bình là bởi vì dính tướng mới không bình, thấy tánh thì bình đẳng rồi.
(Trích: Kinh Vô Lượng Thọ giảng lần thứ 10, tập 212)