“Kiên cố nguyện giả, duyên bất năng hoại”. Duyên này chúng ta thường nói thuận cảnh nghịch cảnh, thuận duyên ác duyên. Thiện duyên ác duyên là hoàn cảnh thuận hay nghịch của người và việc. Hoàn cảnh không thể nhiễu loạn chúng ta, người và việc cũng không thể làm ta dao động. Đây gọi là kiên cố. Nói cụ thể thì trong hoàn cảnh không tham, không sân, không si. Trong người và việc cũng là không tham, không sân, không si. Không vì cảnh giới mà giao động.
Người niệm Phật trong tâm chỉ có một câu Phật hiệu, một lòng muốn hướng về thế giới tây phương Cực Lạc, ngoài ra không để bất cứ điều gì trong tâm. Tất cả tuỳ duyên, A Di Đà Phật, không có gì chẳng tốt. Người khác hỏi tôi trả lời một câu A Di Đà Phật. Hỏi điều gì tôi đều trả lời một câu A Di Đà Phật. Quý vị nghe hiểu thì thật hay. Nghe không hiểu thì cũng đã trồng chủng tử câu A Di Đà Phật vào trong A lại da thức, cũng là việc tốt. Từ sáng đến tối trong suốt hai mươi bốn giờ, ngoài câu A Di Đà Phật ra không còn điều gì nữa. Người này tức thân thành Phật. Trong bất cứ hoàn cảnh nào đều là một câu A Di Đà Phật, đối với họ hoàn cảnh không chướng ngại được.
Có một tấm gương tốt, Đàm Hư pháp sư nói, đầu năm dân quốc Tu Vô pháp sư Chùa Cực Lạc ở Hắc Long Giang thành phố Cáp Nhĩ Tân. Nhiều người rất coi thường vị pháp sư này. Thầy không biết chữ, khi chưa xuất gia làm thợ hồ. Sau khi xuất gia, ở trong tự viện làm khổ công, khổ hạnh. Việc người khác không làm thầy làm hết. Từ sáng đến tối đều một câu A Di Đà Phật. Khi vãng sanh rất tự tại, rất tiêu sái, thầy đã thành công. Đế Nhàn pháp sư khen ngợi thầy là tấm gương tu hành tốt nhất danh bất hư truyền. Thầy có bản lĩnh gì? Bản lĩnh của ngài rất lớn. Trong tâm ngoài Phật A Di Đà ra thì không có gì nữa. Đây chính là bản lĩnh của thầy. Bất cứ hoàn cảnh nào cũng không chướng ngại được. Niệm rốt ráo một câu Phật hiệu, đây gọi là người niệm Phật chân chánh.
Xã hội ngày nay quá loạn, loạn chẳng thành ra sao cả. Đặc biệt là internet, tin tức trên mạng quá chấn động, quá nhiều. Có tốt, có không tốt. Đại khái không tốt nhiều còn tốt thì ít. Nên cần phải có trí huệ để phân biệt. Không có trí huệ tốt nhất đừng đụng đến nó, chỉ có thật thà niệm Phật mới là hay. Mặc dù là tốt, đưa tin rất chính xác nhưng biết càng nhiều, đối với chúng ta chướng ngại càng lớn, chẳng như không biết thiên hạ thì vô sự. Nhiều năm nay tôi nói với mọi người tôi không xem ti vi, tôi cũng không biết dùng vi tính. Tôi không có tin tức, chỉ là những người bạn đồng học bên cạnh, lên mạng tải những tin tức quan trọng cho tôi xem.
Biết chuyện ít thì phiền não ít, quen biết rộng thì thị phi nhiều. Các bậc tổ đức nói rõ ràng như vậy, chúng ta phải hiểu để tránh. Đặc biệt là lúc mới học, định lực và trí huệ chưa có. Biết càng nhiều, trong tâm hoảng hốt không an định, đặc biệt biểu lộ tính nông nổi. Ngày nay thiên tai nhiều như vậy, làm thế nào để đối phó? Thật ra tôi cũng tiếp nhận không ít thông tin như vậy. Mỗi thông tin sau cùng đều khuyên thật tâm niệm Phật, không phải như vậy là được rồi sao? Tôi chỉ cần câu Phật hiệu này là được. Cho dù là đại thiên tai, niệm Phật cũng có thể hoá giải nên tôi không cần biết gì thêm nữa, niệm Phật là được rồi. Tôi niệm Phật là giải quyết tất cả. Thời gian biết càng nhiều thì luôn muốn tìm một phương pháp để đối phó. Phương pháp đó đã có, dù phương pháp có nhiều đều có thể không cần quan tâm đến. Tại sao? Sợ làm phiền nhiễu câu niệm Phật này, chi bằng chân thật niệm Phật.
Thiên tai đến đây, đến trước mặt tôi liền bị hoá giải. Nếu có cộng nghiệp này thì không thể hoá giải, như vậy thì đến thế giới Cực Lạc. Thiên tai hiện tiền, nhất định thấy Phật A Di Đà đến tiếp dẫn. Đối với thế giới này không có gì hoài niệm, triệt để buông bỏ. Tôi thường nói nên quán xét như vậy. Ngày nay là ngày cuối cùng tôi ở trên địa cầu này, ngày cuối cùng tôi nên làm gì? Điều này phải rõ ràng. Thế giới này thuộc về tôi sao? Thân thể này cũng không phải, thân thể cũng phải vứt bỏ huống gì là vật ngoài thân. Buông bỏ triệt để, thân tâm thế giới không nhiễm một chút trần, chỉ một câu A Di Đà Phật. Thật sự làm được tâm tôi chính là Phật A Di Đà, Phật A Di Đà chính là tâm tôi.
(Trích: Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa, tập 363)