Cụ Niệm Tổ nói: “Dĩ quả vi nhân, nhân quả đồng thời. Tùng quả khởi tu, tức tu, tức quả. Tâm tác, tâm thị, bất khả tư nghị” (Lấy quả làm nhân, nhân quả đồng thời. Từ quả khởi tu, tu chính là quả, quả chính là tu, tâm này làm Phật, tâm này là Phật, chẳng thể nghĩ bàn)
Tâm này làm Phật, tâm này là Phật, tức là nói pháp môn này khác với tám vạn bốn ngàn pháp môn ở chỗ nào, nói rõ ra. Quý vị gặp pháp môn này há dễ dàng ư?
Nhiều kẻ Tiểu Thừa hay Bồ Tát gặp được, nhưng chẳng tin, nên gọi là “pháp khó tin”. Nhị Thừa, Bồ Tát không tin, mà lũ phàm phu chúng ta tin tưởng, kỳ quái thay!
So ra, chúng ta cao minh hơn hàng Nhị Thừa và Bồ Tát. Do duyên cớ nào? Thiện căn và phước đức khác nhau. Trong một đời này, gặp được pháp môn này, có thể tin, có thể hiểu, lại còn chịu thật sự hành, đây chẳng phải là chuyện trong một đời này, mà là đời đời kiếp kiếp trong quá khứ, từ vô lượng kiếp đến nay, quý vị đã gieo thiện căn, trong A Lại Da có thiện căn.
Quý vị chẳng có thiện căn, chẳng thể vừa gặp bèn tin tưởng! Nếu thiện căn, phước đức và nhân duyên đều đầy đủ, có đủ những điều kiện ấy, chắc chắn vãng sanh trong một đời này.
Vẫn chưa đủ thì sao? Chưa đủ, còn kém một chút; kém một chút bèn có cách: Trong một đời này, nếu quý vị thật sự tin tưởng, thật sự có thể lý giải, hãy dũng mãnh, tinh tấn nhằm bù đắp cho thiện căn và phước đức chưa đủ. Trong đời này, chúng ta có thể làm được, khi thật sự muốn bù đắp sẽ rất nhanh.
Nếu như giải đãi, biếng nhác, tán loạn, sẽ chẳng có cách nào hết! Trong một đời này, chẳng có cách nào bù đắp thì sao? Vẫn luân hồi trong lục đạo. Lần sau gặp gỡ, sẽ tiếp tục tu.
Đời đời kiếp kiếp trong quá khứ, không biết chúng ta cũng đã làm chuyện như vậy bao nhiêu lần! Đây là sự thật. Từ vô lượng kiếp trong quá khứ đến nay, không biết chúng ta đã làm bao nhiêu lần; đời này lại gặp gỡ là do thiện căn và phước đức trong đời quá khứ hiện hành.
Lần này hiểu rõ rồi, quyết định hạ quyết tâm “ta phải thành tựu trong một đời này”, phải hạ quyết tâm này! Hết thảy các pháp sanh từ tâm tưởng, quý vị thật sự có quyết tâm này, lẽ nào chẳng thành tựu?
Có quyết tâm như vậy, nhất định quý vị phải giác ngộ. Quý vị buông thế duyên trong thế gian này xuống, phải thật sự hiểu rõ: “Phàm những gì có hình tướng đều là hư vọng”.
Ý nghĩa chân thật của câu này là gì? Đừng nói là một đời này trong nhân gian, mà ngay cả lục đạo lẫn mười pháp giới cũng chẳng thật, đều là giả, đều chẳng đáng bận lòng, hãy nên buông xuống, chẳng lưu luyến mảy may, quý vị sẽ chẳng còn có chướng ngại nữa.
Nếu có mảy may nào chẳng buông xuống được, còn vướng mắc, đối với phàm phu mà nói, nặng nhất là tình chấp, đây là mê hoặc.
Buông được những thứ này, những thứ khác sẽ buông dễ dàng! Nhất định phải biết: Những thứ như tiếng tăm, lợi dưỡng, ngũ dục, lục trần là họa hại, tình chấp chẳng phải là chuyện tốt.
Sau khi quý vị thấy thấu suốt, tình chấp là nghiệt duyên (孽緣). Nó chướng ngại quý vị chứng quả, chướng ngại quý vị khai ngộ, chướng ngại quý vị niệm Phật vãng sanh. Trong thế gian này, chẳng lẽ cha mẹ, thân thuộc chúng ta đều từ bỏ? Điều này dường như đã trái phạm luân thường! Thật vậy!
Làm thế nào để có thể làm trọn vẹn đôi bề? Quý vị có thể chuyển biến tình duyên thành pháp duyên, chuyển biến người nhà, quyến thuộc thành pháp lữ, thành đồng tham đạo hữu, cùng sanh về cõi Cực Lạc, tốt hơn nhiều! Trong một đời này, dẫu tình duyên sâu đậm đến đâu đi nữa, chết rồi là phải chia tay, còn có thể ở chung với nhau nữa hay chăng? Chẳng thể nào!
Nhưng sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, sẽ thật sự vĩnh viễn ở cùng một chỗ. Bất luận quý vị ứng hóa trong đường nào, đều có thể thấy rõ ràng, họ cần giúp đỡ, quý vị bèn sanh trong cùng một đường với họ, giúp họ một tay.
Thuở ấy, Thích Ca Mâu Ni Phật thành Phật trong thế gian này, quý vị thấy các vị đệ tử gồm một ngàn hai trăm năm mươi lăm vị, đều là đồng tham đạo hữu trong đời quá khứ, còn có hàng tại gia: Quốc vương, đại thần, cư sĩ hộ pháp, toàn là pháp quyến trong quá khứ. Do vì giúp đỡ chúng sanh, nên giáo hóa chúng sanh mới được thuận lợi như vậy, phải hiểu đạo lý này, chúng ta sẽ chuyển biến thành công.
Trích: Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa
Tập 4-Giảng Kinh Vô Lượng Lần Thứ XI
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Hoan nghênh sao chép, chia sẻ! Công đức Vô Lượng