Xin xem tiếp kinh văn: Thị quốc vương đẳng, hoặc tự doanh biện, hoặc khuyến tha nhân, nãi chí bách thiên nhân đẳng bố thí kết duyên.
(Các Quốc Vương đó, hoặc tự mình lo liệu sửa sang, hoặc khuyến hóa người khác, thậm chí cả trăm ngàn người cùng bố thí để kết [Pháp] duyên.)
Đây là nói về những đạo tràng chùa chiền cũ, hình tượng Phật, Bồ Tát cũ, kinh điển cũ, sau khi bạn gặp liền phát tâm tu bổ. Tự mình bạn có khả năng làm thì rất tốt! Công đức của bạn viên mãn; nếu một mình không có khả năng thì khuyên bạn bè mọi người cùng nhau làm, cho đến khuyên một trăm người, ngàn người, tập hợp sức mạnh của quần chúng, bạn đề xướng nói rõ chân tướng sự thật, lợi ích này cho mọi người. Nhưng tu bổ đạo tràng cũ thì nhất định phải lễ thỉnh pháp sư tới chủ trì, nếu ở đó đã có pháp sư thì phải mời pháp sư hoằng pháp lợi sanh. Việc này lúc trước ở đây tôi thường khuyến khích thính chúng, thính chúng thường nói chẳng có pháp sư đến đây giảng kinh thuyết pháp, Phật pháp khó nghe. Tôi nói với mọi người: Không phải là không có pháp sư đến giảng kinh thuyết pháp, mà là vì quý vị không thích nghe Phật pháp. Họ nghe xong cũng không hiểu. Mọi người đều không hiểu. Tôi ở đây giảng kinh thuyết pháp, người nghe nhiều như vậy, tại sao lại nói người nghe không thích nghe Phật pháp? Tôi giải thích: Quý vị nghe tôi giảng, tôi đã giảng hết bao nhiêu năm rồi? Giảng Phật pháp, trên giảng đài trui luyện bao lâu mới có thành tựu như ngày nay, quý vị đến hưởng thụ quả báo, quý vị đến hưởng thụ thành tựu. Lúc tôi mới tập giảng cũng vấp lên vấp xuống, quý vị chịu nghe không? Bạn không thích nghe, thì pháp sư giảng kinh sẽ nản chí, sẽ không tiếp tục giảng nữa.
Bạn phải biết đào tạo pháp sư giống như trồng cây vậy, bạn phải chịu trồng cây thì tương lai mới có trái cây, mới có gặt hái được. Việc này đã được nói qua rất nhiều lần nên ở đây các vị đồng tu dần dần đều hiểu được. Người mới bắt đầu học thì làm sao có thể giảng cho hay được? Giảng không hay thì [chúng ta] cũng phải mỗi ngày đi nghe, giảng hay rồi thì không nghe cũng không sao. Người mới bắt đầu học giảng kinh cần có người đến ủng hộ, cần người khuyến khích, nếu mọi người đều không chịu nghe thì lòng tin của họ sẽ hoàn toàn mất hết. Cho nên tôi nói ưa thích nghe kinh nghĩa là sao? Là ưa thích nghe những người mới học giảng kinh, tuyệt đối không vắng mặt, làm cho những vị pháp sư mới học giảng kinh này có được lòng tin “đại khái chắc mình giảng cũng không tệ, người đến nghe không ít”, đồng thời các vị thính chúng [vô hình trung] tạo áp lực cho họ phải giảng mỗi ngày, họ mới có thể học được, họ mới gắng sức, nỗ lực tu học. Tại sao vậy? Nếu họ không gắng sức thì họ không còn thể diện, nhất định phải chuẩn bị cho thật chu đáo, cho dù giảng không hay nhưng cũng giảng được hết buổi. Cho nên thính chúng là người giám học, là thầy giáo, đốc thúc họ, cứ như vậy trải qua ba năm, năm năm, trên giảng đài họ mới có thể giảng được, mới giảng được đúng như pháp. Thực sự giảng cho hay thì tối thiểu phải có mười năm kinh nghiệm, mười năm liên tục không gián đoạn. Cho dù không thể giảng mỗi ngày, mỗi tuần không thể ít hơn ba lần, phải duy trì như vậy suốt mười năm liên tục thì bạn mới có kinh nghiệm trên giảng đài, đúng như câu nói “Vừa mở cuốn kinh thì tâm nghĩ gì, tay liền làm ngay được, trái phải gì cũng hợp với cội nguồn”. Nếu không có nơi chốn để tập luyện, cho dù bạn học biết [cách giảng] rồi cũng không dùng được, ba tháng, nửa năm không giảng thì sẽ quên mất.
Do đó đặc điểm của lớp đào tạo giảng sư của chúng ta, học sinh mỗi tuần tối thiểu phải lên giảng đài một lần, đây là các người sơ học. Sau khi bạn giảng một lần, giảng đến lần thứ hai thì hy vọng mỗi tuần có thể giảng hai buổi, vì khi bạn giảng qua một lần, có cơ sở xong phải nỗ lực mỗi tuần giảng hai buổi; đến lần thứ ba thì hy vọng bạn mỗi tuần có thể giảng ba buổi; nói một cách khác, đến lúc giảng lần thứ tư thì mỗi tuần bạn có thể giảng được bốn buổi, được vậy thì bạn mới có thể học thành công, nếu không thì bạn không thể thành tựu. Do đó chúng ta xây đạo tràng mới cũng tốt, tu bổ đạo tràng cũ cũng tốt, nhất định phải thỉnh pháp sư giảng kinh, đương nhiên nếu vị pháp sư đó giảng không hay, giảng không hay mình cũng tới nghe, mỗi ngày mình đều tới nghe, mình còn mời một số người khác đến nghe; làm cho pháp sư không giảng thì không được, buộc pháp sư phải gắng sức, buộc pháp sư phải tu học, không những buộc pháp sư phải nghiên cứu giáo lý, vả lại còn buộc pháp sư phải làm gương mẫu cho chúng ta, ép cho pháp sư phải tu hành, vậy thì công đức của bạn sẽ rất lớn. Tương lai những vị pháp sư này thành tựu, ở khắp mọi nơi trên thế giới giảng kinh thuyết pháp phổ độ chúng sanh, đó đều là công đức của bạn. Họ làm sao thành tựu được? Là do bạn giúp họ thành tựu.
Lúc tôi còn trẻ, năm hai mươi sáu tuổi tôi học Phật, trong thời gian này tôi theo học với lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam mười năm. Trên giảng đài tôi chưa từng gián đoạn giữa chừng, hầu như mỗi ngày đều có giảng, cơ hội này là do cư sĩ Hàn Anh giúp tôi tạo thành, bà hiểu được, biết được đây là một việc tốt. Bà chẳng có tài lực, chẳng thể xây cho tôi một đạo tràng. Lúc đó vì phát tâm giảng kinh, đáng tiếc là chẳng có nơi cư trú, đến quải đơn ở chùa thì phải đi làm việc kinh sám Phật sự, đạo tràng nào cũng hoan nghinh bạn, còn nếu bạn đến đạo tràng để giảng kinh thì chẳng có đạo tràng nào hoan nghinh bạn, tôi chẳng có lối thoát. Bà giúp tôi, cho tôi cư trú ở nhà của bà, tôi ở nhà bà hết mười bảy năm, bà dành cho tôi một phòng trên lầu. Đi đâu giảng kinh? [Còn phải lo việc] mướn phòng, mượn chỗ. Bạn bè của bà rất nhiều, bà mượn văn phòng của bạn bè, buổi tối người làm việc đều về nhà nên mượn văn phòng của họ để giảng, do đó nơi chốn giảng kinh phải thường thay đổi, đại khái mỗi nơi giảng được hai ba tháng rồi phải đổi chỗ khác. Thính chúng có khoảng năm, sáu chục người, lúc nhiều nhất có tới hơn một trăm người, cứ như vậy tiếp tục chẳng gián đoạn trong vòng mấy chục năm. Trong đó có một thời gian chừng ba bốn năm, một ngày giảng ba lần, sáng chiều tối đều giảng. Lúc đó tôi còn nhớ, mỗi tuần giảng hơn ba mươi mấy giờ, tôi chịu khó, thích giảng, vui vẻ giảng, tôi có cơ hội luyện tập. Dần dần thính chúng nhiều hơn, tập hợp sức mạnh của đại chúng lại để mua một tầng lầu ở Đài Bắc, mua một căn chung cư, đó chính là thư viện Hoa Tạng Cảnh Mỹ ở Đài Bắc.
Lúc mới mua, căn nhà này rất nhỏ, người ở Đài Loan tính bằng “bình”, căn này rộng năm mươi bình, ở đây thì tính bằng mét vuông, một ngàn năm trăm mét vuông, một đạo tràng nhỏ như vậy, đại khái lớn hơn phòng này khoảng một phần ba, chỉ có một chỗ nhỏ xíu như vậy. Sau đó từ từ mở rộng ra, mua căn kế bên, ngày nay đạo tràng này mở rộng gần ba trăm bình, gần một vạn thước, hiện nay có quy mô như vậy cũng chỉ là một đạo tràng trong chung cư, mấy chục năm nay cũng vẫn như vậy. Sự giảng kinh ở nước ngoài cũng do bà lo liệu, giúp cho tôi đi giảng khắp nơi trên thế giới, bà đi kết duyên, đi tìm thính chúng, tìm nơi làm giảng đường, cho nên ngày nay chúng ta có được thành tựu như vậy thì công đức của Hàn Quán Trưởng suốt ba mươi năm hộ trì không thể không nhắc đến. Ngày nay trong giảng đường chúng ta, ở đối diện giảng đài tại sao phải treo tấm hình của bà? Là để cảm ân, thờ lúc bà mất cũng như bà còn sống, giống như bà đang ở tại hiện trường nghe kinh vậy, bà nhìn thấy cũng hoan hỷ. Chúng ta dùng tâm báo ân để thuyết pháp, dùng tâm báo ân để dạy học, nếu chúng ta không nỗ lực, không gắng sức, không tu trì cho tốt, không hoằng pháp lợi sanh cho hoàn hảo thì có lỗi đối với họ; cho nên chúng ta ở trong đạo tràng, trong giảng đường, Niệm Phật Đường, nếu là đạo tràng của tôi thì sẽ treo hình của thầy tôi, hình của các vị hộ pháp. Đạo tràng Cư Sĩ Lâm không phải là đạo tràng của tôi cho nên mỗi lần chúng tôi giảng kinh, tôi đều hồi hướng cho bà, quý vị niệm kệ hồi hướng của quý vị, tôi niệm kệ hồi hướng của tôi, [kệ của tôi] khác với quý vị, tôi hồi hướng cho thầy tôi, hồi hướng cho hộ pháp, đức Phật dạy chúng ta “Tri ân Báo ân”.
– HT. Tịnh Không, Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh Giảng Ký, Tập 36.