“Thay chúng sanh chịu khổ”, mỗi người có nghiệp báo của riêng mình, làm sao thay thế được? Phật cũng không có cách nào chịu khổ thay chúng ta. Tuy không thể thay thế, nhưng có đẳng lưu (đồng đẳng chi nhân sở lưu xuất chi quả), đẳng lưu nghĩa là tương tự. tôi vừa nói rồi, lấy các vị đồng tu tại gia làm ví dụ là dễ hiểu nhất. Các vị đồng tu tại gia kiếp trước tu rất giỏi, phước huệ song tu, cho nên đời này đã thông minh lại có phước báo, tiền thế có tu. Quý vị thật sự hiểu được đạo lý nhà Phật, Phật giảng rằng chúng ta giảm bớt cuộc sống vật chất của mình xuống một chút, đem tiền tài tiết kiệm lại một chút, lấy đó để giúp đỡ chúng sanh khổ nạn, đấy chính là thay chúng sanh chịu khổ. Tôi có thể ở nhà trị giá 200 vạn, tôi nay chỉ cần ở nhà trị giá 100 vạn thôi, còn một trăm vạn kia đem giúp đỡ tất cả chúng sanh khổ nạn, giảm đi sự hưởng thụ của bản thân đó chính là
thay chúng sanh chịu khổ.
Trong giới xuất gia, tiếp thọ tín chúng cúng dường; tín chúng có lòng cúng dường sư phụ, là giúp sư phụ cải thiện chất lượng cuộc sống mà cúng, sư phụ vẫn sống những này khổ cực không cải thiện, lấy tiền của quý vị cúng dường tu bố thí, đó cũng là thay chúng sanh chịu khổ; nói cách khác, có thể tiết kiệm được thì tiết kiệm, đem tài vật ấy dùng vào việc hoằng pháp lợi sanh, hoằng pháp lợi sanh không tách rời tài bố thí. Chúng ta ngày nay in kinh sách cần dùng đến tiền tài, chúng ta sắm thiết bị cho giảng đường là vì chúng sanh, cái máy ghi hình này là mới nhất, tốt nhất, giá cũng cao nhất, tại sao vậy? Hi vọng chất lượng hình ảnh tốt nhất, để cho các vị không có cơ hội đến nơi của chúng tôi tương lai có thể nghe được, nhìn thấy được sinh tâm hoan hỷ. Đấy đều là lợi ích chúng sanh. Chúng ta tiết kiệm chi dùng là để chịu khổ thay cho chúng sanh. (Dẫn từ “Kim Cang Bát Nhã Nghiên Tập Gian Khổ”)
Đầu tiên bản thân mình phải có được sự bình an, bản thân không thể an thì làm sao có thể giúp người khác an được? An từ đâu mà đến? Người Trung Quốc thường nói bình an, tâm bình thì bạn liền được an. Tâm không bình, bất kì hoàn cảnh nào bạn cũng không thể an được, bình an. Làm sao mới được bình? Công thì bình, tư thì bất bình; niệm niệm đều vì chúng sanh thì tâm bình, niệm niệm vì bản thân mình thì bất bình. Bồ-tát sống ở thế gian này chính là vì bạt nhất thiết chúng sanh khổ, bản thân khổ một chút cũng không sao, nhìn thấy chúng sanh khổ, khổ từ đâu đến? Khổ từ mê hoặc điên đảo. Bởi vì mê hoặc điên đảo, anh ta mới nhìn sai vấn đề, nghĩ sai rồi, thế là làm sai. Điều đó mới mang đến khổ báo. Bạt khổ hưng lạc là nói từ quả, Phật Thích-ca-mâu-ni dùng phương pháp gì giúp chúng sanh ly khổ đắc lạc? Ngài giảng kinh dạy học, đem chân tướng vũ trụ nhân sinh giảng cho rõ, cho minh bạch để mọi người hiểu rõ, hiểu rồi đều biết đoạn ác tu thiện, đều biết cải tà quy chánh, vấn đề liền được giải quyết!
Vấn đề xã hội ngày nay rất phức tạp, chúng sanh khổ nạn so với quá khứ vượt hơn cả chục lần, trăm lần, thật sự khổ! Cùng phương pháp gì để giúp đỡ họ? Vẫn là giảng kinh dạy học. Chúng ta thử nghĩ, giảng kinh dạy học phương pháp này không chỉ là Phật Thích-ca Mâu-ni một mình làm, thập phương tam thế từ cổ đến nay nhất thiết chư Phật Bồ-tát đều làm việc này, việc này nếu không có đạo lý, chư Phật Bồ-tát tại sao không tìm phương pháp khác? Phương pháp này nhất định là phương pháp vi diệu vô thượng.(dẫn từ tuyên giảng “Tịnh Độ Đại Kinh Khoa Chú”)
Chúng ta không chịu khổ làm sao được? Chúng ta không chịu khổ, thì chúng sanh khổ, hi vọng chúng ta chịu khổ nhiều một chút để chúng sanh bớt một chút khổ. Cũng chính là thế tôi dạy chúng ta hai câu sau cùng, “Dĩ giới vi sư, dĩ khổ vi sư”, đấy là kì vọng của Phật Thích-ca-mâu-ni đối với học trò hậu thế. Chúng ta không nên phụ lòng thầy, hai câu này nhất định làm được, không thể sợ khổ. Nhất định làm nên giới luật, chúng ta chỉ cần làm được sa di luật nghi thập giới nhị thập tứ môn uy nghi là được, xem đó là tư lương niệm Phật tam muội, tư lương cầu sinh Tịnh Độ, quyết định vãng sanh. Buông bỏ sạch mọi tự tư tự lợi, danh văn lợi dưỡng, thất tình lục dục, tham sân si mạn của thế giới này. (Dẫn từ “Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa”)
Chúng ta xem Phật Thích-ca-mâu-ni năm đó còn tại thế, tam y nhất bát, nhật trung nhất thực, thọ hạ nhất túc, Ngài không phải chỉ thực hiện trong một thời gian ngắn mà sống cả đời đều như vậy. Khi đi ở chốn dã ngoại, không có nhà, đi trong rừng. Đó gọi là gì? Đó gọi là uy nghi hữu tắc, đó gọi là thay chúng sanh chịu khổ, chúng ta nhìn thấy Ngài thay chúng sanh chịu khổ, bản thân Ngài thì sao? Bản thân Ngài căn bản là không có khổ lạc. Thân không có khổ lạc, tâm không có ưu hỷ, bản lãnh Ngài thật cao! Đó là đại định, đại trí tuệ, Ngài đều buông hết khổ lạc ưu hỷ. Chúng ta nhìn thấy Ngài ở trong thế gian này của chúng ta, nhưng thực tế Ngài ở trong thường tịch quang, thường tịch quang lấy ứng thân thị hiện, làm gương cho chúng ta, thị phạm cho chúng ta, điều này thật từ bi. Người biết không ai không cảm ơn Ngài, không ai không tôn kính Ngài. Người hơn nữa thì học theo Ngài, Ngài có thể giải thoát, tôi cũng có thể giải thoát. (dẫn từ tuyên giảng “Tịnh Độ Đại Kinh Khoa Chú”)
“Cúng dường thay chúng sanh chịu khổ”, “Chúng sanh khổ” chúng ta có thể thay được sao? Có thể thay được. Làm sao có thể thay thế? Thí như tôi vừa giảng việc in kinh sách, chúng tôi vốn có thể dùng tiền nhiều một chút, sống giàu có một chút, nay tôi sống tiết kiệm một chút, thà ăn cực khổ một chút, đem tiền này cúng dường chúng sanh, đấy là tôi thay chúng sanh chịu khổ. Tôi vốn có thể sống thoải mái, tôi lại tiếp tục sống cực khổ để đem tiền sinh hoạt ấy dùng vào việc giúp đỡ chúng sanh, cho nên hành động này đều bao gồm trong đó. Tôi chịu khổ có giá trị, có ý nghĩa, bản thân tôi khổ một chút, bao nhiêu người được phước, bao nhiêu người được lợi ích. (dẫn từ “Phổ Hiền Hạnh Nguyện Phẩm Đại Ý”)
– Trích: sách Ngọc Bảo Thế Gian (Nhận Thức Lão Pháp Sư Tịnh Không 淨 空 法 師)