Hy vọng chúng ta cùng nhau cố gắng, mở rộng tâm lượng, thật sự làm được “đôn luân tận phận, ngăn dứt lòng tà, giữ gìn lòng thành, thật thà niệm Phật, cầu sanh Tịnh Độ”, đây là lời Ấn Tổ dạy chúng ta. Đồng thời chúng ta phải phát nguyện: “Tận hình thọ [suốt đời], phục vụ cho chúng sanh trên toàn thế giới, phục vụ cho tất cả chúng sanh khổ nạn”.
Đặc biệt là lúc tu hành, ví dụ như hằng ngày chúng ta tụng kinh, hằng ngày chúng ta nghiên cứu kinh giáo, hằng ngày chúng ta niệm Phật, hãy ghi nhớ quý vị dùng tâm gì để làm. Hôm nay tôi nghiên cứu kinh giáo là vì chính mình, phước này rất nhỏ; hôm nay tôi niệm Phật vì chính mình, công đức này chỉ một chút ít. Nên dùng tâm gì? Hôm nay tôi niệm câu Phật hiệu này, từng tiếng Phật hiệu đều niệm vì chúng sanh trên toàn thế giới, niệm vì chúng sanh khổ nạn trên toàn thế giới, không vì chính mình.
Tôi niệm thêm một tiếng Phật hiệu thì tai nạn của chúng sanh trên toàn thế giới liền tiêu bớt một phần; tôi niệm ít đi một tiếng, khổ nạn của họ sẽ chịu nhiều thêm một phần. Chúng ta dùng tâm tình này, xả mình vì người, hy sinh bản thân. Chúng sanh không biết niệm, không hiểu được, tôi đại diện họ niệm, niệm thay họ. Chúng ta dùng tâm này, không vì chính mình, mà vì chúng sanh trên toàn thế giới, mong họ có thể tiêu nghiệp chướng, mong họ có thể khai trí tuệ, mong họ có thể tự giác, mong họ có thể quay đầu, mong họ tiêu tai miễn nạn.
Dùng tâm này có vô lượng vô biên công đức, như vậy mới thật sự thúc đẩy chính mình: “Tôi chẳng thể không niệm”. Vì mình thì lười biếng cũng không sao, nhưng vì tất cả chúng sanh, trọng trách này rất nặng. Tôi thật làm, họ được phước; tôi không thật làm, họ chịu tội, vậy thì quý vị chẳng thể không làm rồi.
Trích từ bài giảng “Đôn luân tận phận, ngăn dứt lòng tà, giữ gìn lòng thành, thật thà niệm Phật, cầu sanh Tịnh Độ”
Chủ giảng: #Hòa_thượng_Tịnh_Không