Phật tại trong Kinh đã nói rõ với chúng ta, quan hệ cha con, anh em, vợ chồng, bạn bè, quyến thuộc, cho đến quan hệ giữa người và tất cả người đều không ngoài 4 nguyên do:
1. Đòi nợ.
2. Trả nợ.
3. Báo ân.
4. Báo oán.
Nếu như không nằm trong 4 loại duyên phận này, thì dù có gặp nhau cũng không quen biết, cái gọi là người xa lạ. Cho nên, trong đời này nếu bất cứ người nào dù là thân hay sơ mà có quan hệ với bạn, thì trong đời quá khứ nhất định có 4 loại nghiệp duyên nói trên. Chúng ta phải biết rằng, trong 4 mối nghiệp duyên này có lành, có ác.
Vậy cái gì thuộc về nghiệp duyên lành? Là báo ân và trả nợ. Hai thứ này rất tốt, bất kể là ai như: ông bà, cha mẹ, anh em, vợ chồng, con cái, quyến thuộc, bạn bè…nếu có quan hệ nghiệp duyên này lành này với bạn, thì khi đến với bạn họ đều chỉ mang lại cho bạn những điều vui vẻ, bình an, hạnh phúc, danh dự và cả tiền tài vật chất.
Còn cái gì thuộc về nghiệp duyên ác? Là báo oán và đòi nợ. Hai thứ này thì rất tệ hại. Bất cứ người nào có quan hệ nghiệp duyên này với bạn, thì khi đến với bạn họ chỉ đem đến nổi bất an, sợ hãi, lo lắng, buồn phiền, hao tổn, tai tiếng…đến cho bạn. Nếu nặng hơn, họ thậm chí có thể khiến cho bạn tan nhà nát cửa, gia tài sự nghiệp đều tiêu tan.
Sau khi chúng ta hiểu rõ về 4 loại duyên phận này rồi, thì cần nên đoạn ác tu thiện. Nếu thiếu nợ người ta thì nhất định phải trả. Còn người ta thiếu mình thì nếu có thể bỏ qua được thì nên bỏ qua, không hỏi han đến nữa. Vậy còn nếu người ta hà hiếp ta, cướp đoạt của ta, xâm phạm của ta thì sao? Cần xem đó như là 1 sự trả nợ, nay nợ đã trả rồi thì xem như xong. Được như thế thì lòng bạn sẽ thanh thản biết bao! Sẽ tự tại cỡ nào!
Tôi dám chắc rằng, có rất nhiều người khi đọc đến đây đều sẽ không chấp nhận:
– ” Tại sao họ hà hiếp tôi, họ cưỡng đoạt của tôi, mà tôi không thể phản kháng, lại còn xem đó như là một sự trả nợ?”.
Thế bạn đã từng nghĩ qua chưa, tại sao họ không hà hiếp kẻ khác, không đi cưỡng đoạt của kẻ khác, mà chỉ làm thế với bạn? Đó là vì kẻ khác đối với họ chẳng có cái quan hệ nghiệp duyên này trong đời trước. Nói cách khác chính là trong đời trước bạn đã từng hà hiếp họ, đã từng ăn cắp, đã từng cưỡng đoạt của họ. Hôm nay gặp gỡ, nhân duyên gặp nhau đều đã đầy đủ, họ vẫn là dùng phương cách mà khi xưa bạn đã dùng với họ để đòi về. Đây cũng chính là lúc chính bạn cần phải trả nợ, trả nần, cần phải kết toán cho xong cái đoạn oán nợ này.
Vậy nếu không trả thì sao? Thì oán nợ vẫn còn đó, sau này bạn vẫn phải trả. Nhân – Quả là thông 3 đời, bạn làm sao có thể không trả chứ! Cũng giống như khi bạn đi vay tiền ngân hàng vậy, để càng lâu thì tiền lãi càng cao, mối oán nợ này nếu để càng lâu thì càng khốc liệt hơn, càng thê thảm hơn, đến cuối cùng vẫn cũng chỉ mình bạn là người chịu thiệt mà thôi.
Từ đây mà biết được, trong cuộc sống hằng ngày chúng ta cần nên kết thiện duyên với tất cả chúng sanh, không nên kết ác duyên. Còn nếu gặp phải ác duyên thì sao? Quyết định không để những ác duyên nào trong lòng. Người xưa thường nói:
– ” Con người nhân từ, có tấm lòng từ bi, tấm lòng yêu thương, suốt đời họ không có oan gia đối đầu”.
Câu nói này có ý nghĩa như thế nào? Đương nhiên là họ vẫn có oan gia đối đầu, nhưng trong lòng của họ thật sự không có, họ không xem những người đem đến oan trái cho họ là oan gia, tâm địa của họ là thanh tịnh, là từ bi. Nên tuy họ có oan gia đối đầu, họ vẫn một mực chân thành ái mộ mà đối đãi. Thấy người trong lúc khó khăn, họ vẫn nhiệt tâm mà giúp đỡ, không bao giờ chê bai hay phỉ báng. Làm người như vậy quả thật hậu phước lớn lao.
Tuy đời trước chúng ta không tu phước, nên đời này phước báo mỏng manh, lại thường hay gặp oan gia đối đầu, nhưng nếu chúng ta chịu tin tưởng vào đạo lý của Nhân – Quả, tin tưởng làm lành được phước mà y giáo phụng hành, chân thật đoạn ác tu thiện, thì ngay trong đời này phước báo nhất định sẽ hiện tiền, càng hiện càng thù thắng, mà chẳng cần phải đợi đến đời sau.
(Tài liệu tham khảo: Pháp ngữ của Pháp Sư Tịnh Không)