Chuyện ăn thịt là chuyện kỳ quái nhất, nhưng do quen làm đã lâu, chẳng biết là sai, ngược ngạo coi đó là lễ. Vì thế, tế trời đất, cúng giỗ tổ tông, phụng dưỡng cha mẹ, đãi đằng khách khứa đều dùng thịt làm vật biểu thị tấm lòng cung kính. Thánh nhân thế gian chẳng nói đến sự lý nhân quả ba đời, luân hồi lục đạo, cũng tùy thuận tâm tình của thế tục mà làm theo, nhưng vẫn ra rả về đạo “thương dân, yêu vật”. Suy từ lòng nhân yêu thương loài vật của thánh nhân, đủ biết sự vô nghĩa của việc dùng thịt nhằm biểu lộ lòng thành, lòng hiếu thảo, hay lòng cung kính! Để biểu thị tấm lòng thành, hiếu thảo, cung kính của ta, hãy nên dùng những món hết sức nhân từ, tươi tắn, thanh tịnh thì mới nên, sao lại dùng những con vật hết sức ô uế như heo, dê, gà, vịt, cá, tôm v.v… Chúng đang sống sởn sơ lại đem giết chết. Lúc những con vật ấy chết, nỗi đau đớn thảm khốc, lòng oán hận khó thể tuyên nói được. Người có lòng nhân sao nỡ giết những con vật ấy để biểu thị tấm lòng của chính mình ư? Hãy thử suy nghĩ xem lòng thành kính ấy có phải là lòng thành kính thuận lý hay không? Hay là lòng thành kính trái đức vậy? Người nhân cúng giỗ tổ tiên còn tìm thóc từ nơi người có lòng nhân. Nay cầu món thịt bị giết, bị chặt mà là thành kính hay sao?
Do vậy, nói: Sát sanh để tế trời đất chính là trái nghịch đức hiếu sanh của trời đất, thiên thần địa kỳ há coi những con vật ô uế ấy là thơm sạch mà hâm hưởng hay sao? Phàm những kẻ cúng tế chỉ là muốn mượn cớ đó để ăn những thứ đồ cúng đấy thôi! Đối với chuyện cúng tế tổ tiên, phụng dưỡng cha mẹ, đãi đằng khách khứa, hãy nên nghĩ cách có ích cho tổ tông, cha mẹ, khách khứa thì mới hợp lý. Nay dùng sát nghiệp cực thảm khốc để biểu thị tấm lòng hết sức thành kính của ta, khiến cho tổ tông, cha mẹ, khách khứa đều phải mang lấy cái họa do sự giết chóc thì tấm lòng thành kính ấy chính là họa hại, chứ chẳng phải là thành kính! Huống chi hết thảy chúng sanh đều là cha mẹ quá khứ, là chư Phật vị lai, chẳng càng ra sức cứu vớt, lại ngược ngạo biểu thị lòng thành kính của ta bằng cách ra tay sát hại ư?
Kinh Phạm Võng dạy: “Nếu là Phật tử thì do lòng Từ nên thực hiện chuyện phóng sanh. Hết thảy người nam là cha ta, hết thảy người nữ là mẹ ta. Ta đời đời không lúc nào chẳng được họ sanh ra. Vì thế, chúng sanh trong lục đạo đều là cha mẹ ta, giết để ăn thịt tức là giết cha mẹ ta vậy”. Kinh Lăng Nghiêm nói: “Do con người ăn dê, dê chết thành người, người chết thành dê, chết chết, sống sống, ăn nuốt lẫn nhau, do ác nghiệp cùng sanh đến hết đời vị lai. Ngươi thiếu mạng ta, ta trả nợ ngươi. Do nhân duyên ấy, trải trăm ngàn kiếp thường ở trong sanh tử!” Phẩm Đoạn Thực Nhục (bỏ ăn thịt) của kinh Nhập Lăng Già dạy: “Hết thảy chúng sanh từ vô thủy đến nay luân hồi chẳng ngơi trong sanh tử, không ai chẳng từng là cha mẹ, anh em, con cái, quyến thuộc cho đến bạn bè, người thân ái, tôi tớ, đổi sang kiếp khác lại mang những thân cầm thú v.v… Sao lại giết chúng để ăn thịt?”
Người đời chỉ biết đời hiện tại, chẳng biết đến quá khứ, vị lai. Vì thế, giết thân chúng nó để no ứ bụng ta, coi đó là lẽ đương nhiên. Nếu biết đời đời kiếp kiếp phải đền trả lẫn nhau, cũng như ta và những con vật ấy là cha mẹ, anh em, quyến thuộc của nhau, sanh ra nhau, là oán gia đối đầu của nhau, giết lẫn nhau, đừng nói chẳng dám tự ăn, dù tế lễ trời đất, tổ tông, phụng dưỡng cha mẹ, đãi đằng khách khứa cũng chẳng dám dùng thịt! Bởi lẽ, thịt là vật do tinh huyết tạo thành, nói trời đất thần thánh hưởng những thứ ấy, khác gì vu báng các ngài ăn thịt người! Cúng giỗ tổ tiên, phụng dưỡng cha mẹ, đãi đằng khách khứa, nào khác giết tổ tông, cha mẹ, khách khứa trong quá khứ để cung phụng tổ tông, cha mẹ, khách khứa trong hiện tại, lại còn khiến cho tổ tông, cha mẹ, khách khứa [trong hiện tại] bao kiếp phải thường chịu quả báo giết hại ư?
Chớ nói con người luân hồi thành súc vật là chuyện mờ mịt khó thể tra cứu, sử sách đã ghi chép nhiều không thể kể xiết! Ngay cả những chuyện thấy nghe gần đây cũng chẳng ít gì! Vì thế, đương nhiên phải tin tưởng sâu xa, đừng tạo sát nghiệp, do đã tạo sát nghiệp ắt sẽ phải chịu sát báo! Kinh dạy: “Bồ Tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả”. Sợ nhân thì chẳng gây nhân giết chóc, sẽ tự chẳng có sát báo. Sợ quả chỉ là uổng công kinh sợ, trọn chẳng có ích gì! Ông Châu Thiện Xương ở Dư Diêu từ sau khi quy y chẳng ăn đồ mặn, do năm sau nhằm đúng dịp ông phải lo liệu cỗ bàn cúng giỗ vị tổ đời thứ hai mươi chín là Liễu Am Công. Những vật phẩm để cúng từ trước đến giờ đều có lệ nhất định rồi, chẳng được thay đổi. Ông ta đã bàn bạc sẵn biện pháp với tộc thúc tổ (ông chú trong họ) là cụ Sở Thường. Cụ Thường là người thông suốt, hiểu lý, hết sức tán thành. Bèn vào ngày Đông Chí, tập hợp cả họ bàn bạc, kể từ năm sau trở đi, từ rày giỗ tổ nhất loạt dùng đồ chay, chẳng dùng cỗ mặn. Mọi người đều cùng chấp thuận, vĩnh viễn lấy đó làm lệ nhất định, cậy tôi viết lời tựa để con cháu đời sau và những người thấy nghe ai nấy đều hành lòng hiếu chân chánh. Do vậy, bèn nói đại lược nguyên do như thế đó.
* năm Dân Quốc 25 – 1936
(Trích: Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên, quyển Hạ, Lời tựa [giãi bày ý nghĩa việc] Cúng Tế Tổ Tiên Bằng Cỗ Chay.)