Người niệm Phật được thoát vòng sinh tử, được đi về tây phương là nhờ đại nguyện của Đức A Di Đà. Mình nương theo đại nguyện của Ngài, cầu Ngài đến tiếp dẫn, hoàn toàn khác với cách tu của các vị tự lực tu chứng. Các vị đó có một ý niệm rất rõ rệt là: “phùng Phật sát Phật, phùng ma sát ma”
Có nghĩa là khi thấy Phật hiện ra họ cũng “Sát” luôn, không chấp nhận. Thấy Ma hiện ra cũng sát luôn. Cho nên, pháp tu đó là pháp tự lực, tự lăn xả vào rừng nghiệp quyết đoạn cho hết “Nghiệp Hoặc”, gọi là “Sát Tặc”, để chứng chân thường.
Vì hai pháp môn khác nhau, đường tu khác nhau, nên khi tu hành ta cần phải biết “Trạch Pháp”. Đối với người niệm Phật, điều quan trọng nhất là chúng ta phải có tâm CHÂN THÀNH, CHÍ THÀNH, CHÍ KÍNH để cảm ứng được với đại nguyện của đức A-Di-Đà Phật. Nhờ sự cảm ứng này mà ta được Ngài tiếp độ về Tây Phương.
Có một số người thường đưa ra vấn đề: “Thiền Tịnh song tu”, “Mật Tịnh song tu”. Ngài Tịnh Không cũng cứng rắn khuyên rằng, đi đường nào phải đi một đường, đừng nên đi hai đường, tại vì đi hai đường sau cùng cũng dễ bị trở ngại! Tại vì sao như vậy? Tại vì Thiền thuộc về tự lực, Tịnh thuộc về nhị lực. Nếu chúng ta đi chuyên về Tịnh-độ thì cần chuyên lòng niệm Phật cầu Phật gia trì tiếp độ vãng sanh. Nếu chúng ta đi về tự lực, tức là tự mình lăn xả vào vòng vây của địch để “Sát Tặc”, tức là sát nghiệp, đoạn cho hết nghiệp hoặc để tự mình chứng đắc, không cần nhờ vào Phật lực gia trì. Như vậy hai điều này có chỗ hơi loạng choạng, là đến lúc lâm chung, ta không biết chọn lựa cách nào để đi? Một là đi về Tịnh-độ thì cầu A-Di-Đà Phật, hai là đi về tự lực là tự mình chứng đắc… Lúc đó tự nhiên dễ xảy ra sự phân đo, làm cho những người song tu Thiền-Tịnh bị khó khăn!
Ngài Tịnh Không nói, hễ…
Tu Thiền thì một đường Thiền mà đi. Tu Mật thì một đường Mật mà đi. Tu Tịnh một đường Tịnh mà đi.
Cái nào một cái thì sau cùng chúng ta sẽ dễ dàng giải quyết vấn đề trước những giây phút lâm chung.
Ở đây chúng ta đang nói về hộ niệm, tức là nói đến những giây phút lâm chung… Diệu Âm xin kể ra một câu chuyện có thật đã xảy ra như thế này, và tự mình thấy rằng, cứ một lần nghe một câu chuyện như vậy, thì tự nhiên có một chút ngộ…
Có một lần đi đến một tự viện kia, tự viện đó đang tu “THIỀN TỊNH SONG TU”, tức là Thiền và Tịnh đều tu song song với nhau. Đến khi vị Sư Phụ bị bệnh, đưa Sư Phụ vào bệnh viện và Ngài bị mê man bất tỉnh. Từ đó mới xảy ra một chuyện như thế này: Những vị thích về Tịnh-độ thì muốn hộ niệm cho Sư Phụ, những người tu Thiền thì không chấp nhận sự hộ niệm đó, mới đưa đến một cuộc bàn cãi… Một vị nói, “Bây giờ Sư Phụ đã bịnh nặng lắm rồi, nên đem về tự viện để lo hộ niệm cho Ngài vãng sanh”. Thì liền có một vị khác nói: “Thầy muốn niệm Phật cho Sư Phụ chết để Thầy giành cái chùa phải không? Thầy muốn lấy cái chùa phải không?!”.
Đây là một sự việc có thật đã xảy ra. Đứng trong tình cảnh đó thì chúng ta sẽ làm như thế nào đây? Rõ ràng không cách nào có thể hộ niệm được! Vô tình một vị Sư Phụ ở trong bệnh viện… đã bị bỏ rơi trong một tình trạng hết sức khó khăn! Khi nghe được câu chuyện này, làm cho Diệu Âm giật mình tỉnh ngộ. Thôi đúng rồi! Ngài Tịnh Không nói rõ ràng đúng: “Đường nào phải đi một đường”.
Nếu biết mình là người phàm phu tục tử, tội chướng thâm trọng, thì hãy cố gắng kết hợp những người biết niệm Phật, chuyên tu, tha thiết một đường vãng sanh, để khi mình nằm xuống thì bên cạnh mình có những người biết niệm Phật, quyết lòng vãng sanh, quyết cầu vãng sanh ở sát bên mình để khuyên răn mình, để dỗ dành mình, để nâng đỡ mình thì mình mới có khả năng niệm được câu A-Di-Đà Phật mà ra đi.
Chính vì vậy, xin thưa chư vị: HỘ NIỆM TỐI QUAN TRỌNG!
Dù chúng ta tu hành tốt tới đâu đi nữa, nếu không có sự hộ niệm, không có người giúp đỡ đường vãng sanh ở trước những giờ phút ra đi, chắc chắn chúng ta bị khổ nạn! Vì vậy mà chúng ta phải quyết lòng củng cố phương pháp hộ niệm để cứu nhau, để mỗi người đều được vãng sanh về Tây Phương Cực lạc.
Nam mô A-Di-Đà Phật.
Trích: Hộ Niệm Là Một Pháp Tu ( toạ đàm 21)
Lão Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị