Kinh Hoa Nghiêm nói: “Trong cõi Diêm-phù-đề, chúng sanh ngũ trược chẳng tu mười điều thiện, chuyên tạo nghiệp ác, giết, trộm, tà dâm, nói dối, nói thêu dệt, ác khẩu, nói đôi chiều, tham, sân, tà kiến, bất hiếu với cha mẹ, chẳng kính trọng Tam Bảo”. Phần trước đã giảng đến đây. Cái ý nghĩa này thật sâu vô cùng; sự tướng cũng rộng vô cùng, rộng đến hư không pháp giới.
Nói đến “bất hiếu phụ mẫu”. Chữ “Hiếu” có nghĩa là gì, có mấy người hiểu được? Chúng tôi ở trong các buổi giảng đã giải thích về chữ này rất nhiều lần. Thế nhưng người không có cơ hội nghe kinh thì cũng đành hết cách. Ý nghĩa của chữ này, không nói là phàm phu chúng ta, mà hết thảy chư Phật Như Lai đến giảng giải cho chúng ta, giảng vô lượng kiếp, thì ý nghĩa của chữ này cũng không giảng hết. Ý nghĩa của chữ này bao quát cả hư không pháp giới. Chân lý căn bản, vô lượng vô biên sự tướng đều ở trong đó, làm sao có thể nói hết cho được?
Ai có thể làm được chữ “hiếu” viên mãn? Chỉ có quả địa Như Lai thì mới làm được viên mãn chữ hiếu này. Tôi đã nói rất nhiều lần, Bồ Tát Đẳng Giác vẫn còn một phẩm sanh tướng vô minh chưa đoạn tận, nên đạo hiếu chưa viên mãn. Cho nên Phật pháp là gì vậy? Phật pháp là hiếu đạo mà thôi. Thành Phật là gì? Thành Phật chính là thành tựu viên mãn đạo hiếu. Phật pháp xây dựng trên nền tảng của đạo hiếu, từ đầu đến cuối chính là hành hiếu, tận hiếu mà thôi.
Hiện nay chúng sanh không có người dạy thì làm sao hiểu được, khởi tâm động niệm, hành vi tạo tác bất hiếu với cha mẹ. “Bất kính Tam Bảo”. Tam Bảo chính là sư trưởng của chúng ta. Phật còn ở đời thì Phật là thầy của chúng ta; Phật không còn ở đời thì pháp là thầy của chúng ta, nhưng mà pháp cần có người truyền, cần có người hoằng. Người truyền pháp, hoằng pháp là Tăng Bảo.
Tăng vì sao có thể xưng là Bảo vậy? Tăng truyền pháp, hoằng pháp. Truyền pháp là khiến pháp của Như Lai từng đời, từng đời được tiếp tục lưu truyền, không để cho gián đoạn, đây chính là chúng ta ngày nay gọi là dạy học. Bồi dưỡng nhân tài kế thừa hoằng pháp, đây là truyền. Hoằng là giới thiệu phổ biến Phật pháp đến quảng đại chúng sanh, đến tất cả quần chúng, để tất cả chúng sanh đều có thể nhận được giáo huấn của Phật pháp, đều có thể có được lợi ích thật sự của Phật pháp.
Người làm công tác hoằng truyền Phật pháp thì được gọi là Tăng Bảo. Họ mới được xưng là “Bảo”. Chánh nghiệp của người xuất gia chính là việc này. Người xuất gia không cần phải làm sự nghiệp từ thiện phúc lợi xã hội. Đây không phải việc của người xuất gia. Người xuất gia là dạy học, là hoằng pháp. Người xuất gia chẳng có gì cả, lấy gì để làm sự nghiệp phúc lợi xã hội chứ? Sự nghiệp phúc lợi xã hội là để cho hai chúng tại gia làm.
Các bạn thử nghĩ xem, Phật Thích-ca Mâu-ni năm xưa còn tại thế, du hóa khắp nơi, ba y, một bát, ngày ăn một bữa, tối ngủ gốc cây. Nếu Ngài làm sự nghiệp từ thiện xã hội thì lấy cái gì để làm? Trên người một xu cũng không có. Cho nên bổn phận của người xuất gia là truyền đạo, là hoằng đạo. Xây dựng chùa chiền cũng không phải là bổn phận của người xuất gia.
Tại sao Phật Thích-ca Mâu-ni không có xây chùa? Vườn Kỳ Thọ Cấp Cô Độc, Trúc Lâm Tinh Xá là do cư sĩ tại gia cúng dường, quyền làm chủ tài sản là của người tại gia, không phải của người xuất gia. Họ phát tâm thỉnh Phật, thỉnh những đệ tử của Phật đến nơi đó để an cư, đến để giảng kinh thuyết pháp. Từ đó cho thấy, chư Phật Bồ Tát, các đời Tổ sư chỉ là mượn đạo tràng để trú, đạo tràng không phải là của mình, bản thân không xây dựng đạo tràng. Những đạo lý này Phật làm nên tấm gương cho chúng ta thấy. Hình mẫu rõ ràng như vậy, chúng ta còn không nhìn ra được, ngu si đến như vậy, vậy thì còn bàn gì đến thành tựu! Người xuất gia tự mình xây đạo tràng là cất chòi tranh, việc này có trong kinh Phật, có trong Giới kinh.
Những đệ tử hậu thế có sức khỏe không bằng Phật Đà thời đó. Đức Phật thời đó có thể ngủ ngoài trời, dưới gốc cây. Chúng ta ngày nay không làm được. Chúng ta không có sức khỏe này, cho nên cần phải có một mái che. Mái che làm như thế nào? Tự mình lên núi chặt cây nhỏ, cất chòi tranh, đây là đạo tràng của người xuất gia. Tổ sư đại đức xưa nay đều làm theo cách thức này. Chúng ta phải nhớ kỹ những chuẩn mực tốt nhất này; phải nghiêm túc học tập; phải đoạn tham sân si, thành tựu giới định huệ
Trích: Thái Thượng Cảm Ứng Thiên,Tập 7
Chủ giảng: Hoà Thượng Tịnh Không.
Biên tập Tịnh Không Pháp Ngữ, lần 2,T8/2020
Hoan nghênh copy chia sẻ. Công đức Vô Lượng. A Di Đà Phật
P/s: Chiết tự chữ Hán và ý nghĩa
Chữ Hiếu ( 孝) gồm chữ Lão (老- già)và chữ Tử ( 子- con). Có nghĩa con cái ở bên cha mẹ mãi không rời dù Cha Mẹ già yếu. Trí tuệ của Cổ nhân thể hiện trên mặt chữ quả thật không thể nghĩ bàn