* Thánh nữ hựu vấn: “Thử thủy hà duyên nhi nãi dũng phí, đa chư tội nhân cập dĩ ác thú?” (Thánh nữ lại hỏi: “Do duyên gì mà nước biển sôi sùng sục, lại có nhiều tội nhân và thú dữ như vậy?”)
Cô hỏi Vô Độc tại sao nước ấy lại sôi sục như vậy? “Dũng phí” giống như nước đun sôi vậy, nước này rất nóng, không phải là nước mát, giống như nước sôi, tình trạng trong biển lớn là như vậy. Nhiều tội nhân và thú dữ trôi nổi ở trong nước, đây là duyên cớ gì? Trong “kinh Lăng Nghiêm” nói về tình hình này vô cùng tường tận, nói rõ hiện tượng và đạo lý cho chúng ta, đó gọi là “tạo Thập Tập Nhân, thọ Lục Giao Báo”, “tập” chính là tập khí, bạn tạo mười thứ tập khí bất thiện, chính là tập khí của mười ác nghiệp, tạo thượng phẩm thập ác thì bạn sẽ cảm thọ lục giao báo trong địa ngục.
* Vô Độc đáp viết: “Thử thị Diêm Phù Đề tạo ác chúng sanh tân tử chi giả”. (Vô Ðộc trả lời: “Ðó là những chúng sanh tạo ác trong Diêm Phù Ðề vừa chết”)
Đây là tình huống mà Thánh nữ nhìn thấy, “Diêm Phù Đề” chính là địa cầu này của chúng ta, không phải là chỗ khác, là bổn địa của chúng ta. Những người này mới chết.
* Kinh tứ thập cửu nhật hậu, vô nhân kế tự vi tác công đức cứu bạt khổ nạn, sanh thời hựu vô thiện nhân đương cứ bổn nghiệp sở cảm địa ngục, tự nhiên tiên độ thử hải. (Quá bốn mươi chín ngày không có người kế tự làm công đức để cứu vớt khổ nạn, lúc sanh tiền lại chẳng làm việc thiện, nên cứ theo bổn nghiệp mà chiêu cảm quả địa ngục, tự nhiên phải đến biển này trước.)
Chúng ta đã đọc câu “tạo ác chúng sanh”, đọc đến những kinh văn này thì lông tóc dựng đứng, đây không phải nói người khác mà nói chính chúng ta. Chúng ta khởi tâm động niệm, ngôn ngữ tạo tác, giống như trong “kinh Địa Tạng” nói: “không có gì không phải là tội”. Hiện nay mỗi ngày đều tạo, mỗi ý niệm đều tạo, tạo không ngừng, một khi hơi thở không còn thì làm sao đây? Đúng như trong Phật pháp có nói: “Chúng sanh sợ quả, Bồ Tát sợ nhân”, Bồ Tát có tâm cảnh giác, chúng sanh ngu si, ngu muội, lúc quả báo chưa hiện tiền thì không màng đến, không tin tưởng, đến lúc quả báo xảy ra thì hối hận không kịp, thế nên [đức Phật] mới dạy chúng ta đoạn ác, tu thiện.
Cái gì là thiện? Phật dạy cho chúng ta pháp căn bản, ba tịnh nghiệp được nói trong “Quán Kinh”, là Tam Phước. Phật dạy rõ ràng như vậy, sáng tỏ như vậy, ba điều này là “chánh nhân Tịnh nghiệp của ba đời chư Phật”, đây chính là Thiện. Trái với Thiện chính là Ác, ác là mặt trái của thiện. Chúng ta trong một đời này những gì mình làm là tương ứng với Thiện hay là tương phản với Thiện, tương phản chính là tạo ác; nếu tương ứng với Thiện thì là phước báo nhân thiên, nếu tương ứng với Ác thì là quả báo ở tam đồ, trong địa ngục.
Tịnh Nghiệp Tam Phước, điều thứ nhất là phước nhân thiên, bạn có thể làm được thì đời sau sẽ sanh đến cõi người, cõi trời hưởng phước; nếu làm không được, vậy thì phải xem tội nghiệp của bạn nặng hay nhẹ mà đi thọ báo trong ba đường ác. Ba đường ác là: “Ngạ quỷ, súc sanh, địa ngục”, xem bạn tạo ác nhẹ hay nặng. Điều thứ hai là phước Tiểu Thừa, nếu như bạn làm được tương ứng, y giáo phụng hành, quả báo nhất định sẽ ở cõi trời, hưởng phước trời. Nếu tu hành có công phu, chứng đến Sơ Quả, Nhị Quả, Tam Quả thì sẽ đến Ngũ Bất Hoàn thiên, cõi trời Tịnh Cư để hưởng phước. Nếu như là trái ngược thì nhất định sẽ ở địa ngục, ngạ quỷ thọ báo, không có súc sanh.
Trong cõi người có súc sanh, quả báo của súc sanh thì nhẹ, còn địa ngục, ngạ quỷ thì quả báo nặng, tại sao vậy? Phước của điều thứ hai lớn hơn phước của điều thứ nhất, cho nên nếu bạn tu được thì phước lớn, nếu trái ngược thì đọa lạc cũng khổ, cùng một đạo lý. Điều thứ ba là phước báo Đại Thừa, nếu bạn y giáo phụng hành thì bạn sẽ làm Bồ Tát, siêu phàm nhập thánh; nếu trái ngược thì nhất định sẽ đọa địa ngục, không đọa ngạ quỷ, súc sanh, nhất định đọa địa ngục.
Chúng ta phải hiểu thật rõ ràng, thật sáng tỏ, hiểu cả Lý lẫn Sự, rồi sau đó chúng ta mới tin sâu không nghi. Công phu thường ngày phải tu ở chỗ nào? Tu ở chỗ khởi tâm động niệm, niệm niệm đều tương ứng với Phật, niệm niệm đều tương ứng với Đạo, Đạo là gì? Đạo là Chân Như Tự Tánh, tương ứng với tánh đức, đời này chúng ta hy vọng vãng sanh mới có thể đạt được, làm sao có thể làm ác hoài được?
Đời người ngắn ngủi, đau khổ, nhất là thời đại ngày nay, cả thế giới động loạn, tai nạn, thay đổi vô thường,nhất định phải giác ngộ, hết thảy sự việc trên thế gian đều như mộng, như huyễn, một thứ gì cũng không có được, đây là sự thật. Gần đây chúng ta xem thấy kinh tế Đông Nam Á suy thoái, bao nhiêu người có tiền có của, bình thường đều là những người hiển hách ghê gớm, [một thời gian sau thì] nghe người ta nói họ tự sát rồi. Tại sao lại tự sát? Bị phá sản!
Trong kinh Phật dạy: “Tài là của chung năm nhà” chúng ta hiểu rồi, một chút cũng không dính nhiễm, một lòng hướng về đạo, vậy chúng ta mới được cứu. Trong kinh Phật nói: “Tài, sắc, danh, thực, thùy” là ngũ dục, là năm gốc rễ của địa ngục; nếu bạn tham luyến không muốn xả, thì cảnh giới địa ngục nói trong “kinh Địa Tạng”, bạn sẽ có phần. Những cảnh giới mà cô Bà La Môn thấy đó là những chúng sanh tạo ác nghiệp trên địa cầu của chúng ta, bạn hãy xem chúng sanh tạo ác nghiệp nhiều hay ít?Ở đây chẳng nói người tin Phật mới đọa địa ngục, người không tin Phật thì sẽ không đọa địa ngục, không có việc này. Nếu như nói người không tin Phật sẽ không đọa địa ngục, vậy thì chúng ta đừng tin Phật nữa; người không tin Phật vẫn đọa địa ngục như thường, bất luận bạn tin hay không tin. Bạn tu thiện nhất định sẽ sanh thiên, Bạn tạo ác nhất định sẽ đọa lạc, là đạo lý nhất định, bất luận bạn tin hay không tin.
“Những người mới chết, trải qua bốn mươi chín ngày” không có con cháu vun bồi phước cho họ. Đạo lý và phương pháp cúng thất cho người mất đều phát xuất từ “kinh Địa Tạng”. Trong kinh Phật có nói sau khi người ta chết rồi vẫn chưa có đi đầu thai ngay, đây là thân Trung Ấm. Thân Trung Ấm cứ bảy ngày có một lần “biến dịch sanh tử”, họ rất khổ, cho nên cứ bảy ngày làm cho họ một lần Phật sự siêu độ, nhằm giảm bớt nỗi đau khổ của họ, tu phước cho họ. “Lúc sanh tiền lại chưa làm được chút phước lành”,
Không làm được việc tốt nào cả.
* Đương cứ bổn nghiệp, sở cảm địa ngục, tự nhiên tiên độ thử hải. (Nên cứ theo bổn nghiệp mà chiêu cảm quả địa ngục, tự nhiên phải đến biển này trước)
“Tự nhiên” nghĩa là không có bất cứ ai bức ép họ. Địa ngục không phải do người ta tạo dựng, cũng không phải do Diêm La vương thiết lập, tự nhiên khi nghiệp lực hiện tiền thì mới có hiện tượng này.
(Trích: Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh Giảng Ký, tập 07)