(Sau khi người ấy mạng chung, dù từ trước có tội nặng, thậm chí năm tội Vô Gián, cũng được thoát khỏi hẳn, thọ sanh nơi nào cũng thường nhớ biết việc đời trước)
Lợi ích này quá lớn, quá lớn! Chân chánh chẳng thể nghĩ bàn, rất nhiều người đọc kinh Ðịa Tạng, nói lợi ích lớn như vậy của kinh, tạo tội nghiệp cực nặng, hình như niệm một bộ kinh bèn có thể làm cho họ thoát khỏi tội nghiệp Ngũ Vô Gián, quá dễ nên chẳng có người tin. Bạn chẳng tin, lúc bạn đọc kinh này vẫn còn hoài nghi, vẫn còn vọng tưởng khởi lên, lại còn xen tạp cho nên chẳng được hiệu quả, càng tin tưởng kiến giải này của mình là chẳng sai. Ðều cho rằng công đức lợi ích nói trong kinh Phật quá khoa trương, hình như nhằm khuyên người ta đọc, trên thực tế chẳng đạt được lợi ích này. Ðây là tâm phàm phu, phàm phu vọng tưởng đo lường tri kiến của Phật, Bồ Tát nên sanh ra lỗi lầm rất lớn. Chúng ta phải biết tội, phước đều ở tại một niệm, một niệm bạn chuyển đổi trở lại thì từ địa ngục chuyển đến cảnh giới của Phật, pháp môn Tịnh Ðộ bình đẳng thành Phật chính là đạo lý này.
Chúng sanh ở địa ngục A Tỳ chỉ xưng một câu “Nam mô A Di Ðà Phật” đều có thể thành Phật, mấu chốt ở chỗ cái tâm ấy phải chuyển trở lại. Tâm cực ác chuyển thành tâm thanh tịnh cùng cực, nếu bạn hỏi có thể chuyển trở lại hay không? Có thể. Trên lý luận là nhất định có thể, tại sao? Vọng niệm là giả, vọng tưởng là giả. Mã Minh Bồ Tát nói rất hay: “Chẳng giác vốn không, Bổn giác vốn có”, vậy thì làm sao chuyển trở lại không được? Chẳng giác tức là vọng niệm, A Tỳ địa ngục là chẳng giác, chẳng giác vốn không, chỉ cần bạn thực sự giác ngộ triệt để, “vốn là không” phút chốc bèn xả bỏ sạch sẽ, phút chốc bèn đoạn dứt hết, cái “vốn có” lập tức liền khôi phục. Cho nên từ A Tỳ địa ngục siêu sanh đến Phật quả viên mãn, đều ở trong một niệm, vấn đề là bạn có thể trong một niệm chuyển trở lại hay không? Việc này có lý luận căn cứ, chẳng phải là tùy tiện nói. Đọc bộ kinh này chân chánh làm được không hoài nghi, không xen tạp, không gián đoạn, một hơi niệm cho hết, trong một niệm này bèn chuyển thành Phật đạo. Do đó trong một niệm ấy có giới, định, huệ viên mãn, dùng công đức này để siêu độ người nghiệp chướng sâu nặng thì họ có được lợi ích thực sự.
(Lược Trích Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh Giảng Ký
– Chủ giảng: Hòa thượng Tịnh Không. Quyển Thượng. PHẨM THỨ SÁU: NHƯ LAI TÁN THÁN: – Tập 22-Tr – -533-534)