Hòa Thượng Tịnh Không, Lời dạy của đức phật

Nhất định phải hiểu được biểu pháp cúng dường

Pháp tu như thế nào để được công đức lớn nhất
Hương tượng trưng cho giới định. Ngửi đến hương, nhìn thấy hương, liền nghĩ đến giới, định, huệ. Nhờ giới đắc định, nhờ định khai huệ. Nó tượng trưng cho những ý này. Hương tượng trưng cho tín. Người Trung Quốc rất coi trọng tín. Cổ nhân nói “nhân vô tín tắc bất lập”, người nếu như không có chữ tín, trong xã hội sẽ không có chỗ cho anh ta. Coi chữ tín vô cùng quan trọng. Nhưng hiện tại nhân, nghĩa, lễ, trí, tín mọi người đều không cần nữa. Xã hội này loạn rồi, nói nghiêm trọng hơn tí nữa, người hiện tại bỏ mất nhân tính. Nhân tính là gì? Cổ nhân Trung Quốc nói rất hay “nhân chi sơ, tánh bổn thiện”. Chúng ta làm cho bổn thiện mất tiêu rồi. Khởi tâm động niệm đều là bất thiện, trái ngược với bổn thiện. Bổn thiện là gì? Bổn thiện là ngũ luân, ngũ thường. Ngũ luân là điều người Trung Quốc mấy ngàn năm nay, ngay phụ nữ ở nông thôn cũng hiểu được, đều dùng điều này để dạy trẻ con.
“Phụ tử hữu thân”, thân ái. Thân ái từ nơi này mà phát sanh, làm như thế nào để phát huy phần thân ái này lớn lao thêm. Yêu thương anh chị em quí vị, thương yêu bạn bè thân thích quí vị, yêu thương bà con xóm làng, mở rộng đến yêu thương xã hội, yêu thương dân tộc, yêu thương nước nhà, yêu thương nhân loại. “Phàm là người đều nên yêu thương”. Giáo dục của Trung Quốc từ đây mà bén rễ, từ nơi gốc này mà sinh ra.
“Phu phụ hữu biệt”. “biệt” này nghĩa là gì? vợ chồng hợp thành một gia đình, hai người có nhiệm vụ khác nhau. Trong gia đình điều này quan trọng nhất là: một là cuộc sống vật chất, hai là cuộc sống tinh thần. Ngày xưa cuộc sống vật chất do người đàn ông gánh vác, họ mưu sinh nuôi gia đình. Cuộc sống tinh thần do người phụ nữ đảm nhiệm. Tương phu giáo tử, trong nhà quí vị có đời sau hay không, đời sau không phải nói con cái nhiều, đời sau là nói trong số con cháu đó có người kế thừa gia đạo, kế thừa gia nghiệp hay không. Nếu như không có người kế thừa thì nhà này một đời là hết. Đời đời đều có người hiền, gia đạo này sẽ không suy!
Dân tộc Trung Quốc lớn như vậy, gia đạo kéo dài mãi cho đến ngày nay mà không suy chỉ có một nhà là Khổng Tử. Khổng gia đến ngày nay mới thực sự trở thành bình dân. Qua các đời đế vương đều có phong thưởng, tôn sư trọng đạo, không có đế vương nào không tôn trọng Phu Tử, Ông tượng trưng “sư đạo”. Trung Quốc coi trọng nhất: đầu tiên là tổ tiên, hiếu dưỡng cha mẹ; thứ hai chính là thầy giáo, phụng sự sư trưởng. Tinh thần lập quốc mấy ngàn năm của Trung Quốc chính là hiếu kính, hiếu thân tôn sư. Chúng ta xây dựng gia đình trên đạo đức. Điều này không thể không biết. Chỉ vì một hai trăm năm lại đây sơ suất mất luân lý đạo đức, điều này chúng ta không thể không biết. Thiên tính của con người là con người có lương tâm, con người phải biết đạo đức. Đạo đức là “tứ duy bát đức”, kết hợp lại chỉ có mười hai chữ: “hiểu để trung tín, lễ nghi liêm sĩ, nhân ái hòa bình”. Đây là tinh thần lập quốc mấy ngàn năm của Trung Quốc. Là hạt nhân của gia đình, xã hội, quốc gia, ý tưởng thúc đẩy giáo dục. Hiện nay sơ suất rồi, không coi trọng nữa, xã hội biến động rồi, không những xã hội biến động, còn dẫn theo thiên tai trên trái đất. Những thứ này có liên quan đến nhân tính không? Có.
Trong kinh nói rất hay, “tất cả pháp từ tâm tưởng sanh”, Thế giới Cực Lạc tốt lắm, tốt ở đâu? Ở Thế giới Cực Lạc người người đều lòng dạ lương thiện, thuần tịnh thuần thiện. Cho nên xã hội của họ tốt, xã hội vĩnh viễn an định, nhân dân vĩnh viễn tương thân tương ái. Sông núi đất đai tai nạn gì cũng không có. Đạo lý, A Di Đà Phật dạy rất tốt, A Di Đà Phật ở Thế giới Cực Lạc, ngày ngày giảng kinh dạy học, không có ngày nào gián đoạn. Cư dân của thế giới Cực Lạc, ai ai cũng ngày ngày tiếp thu lời giáo huấn của A Di Đà Phật. Người được dạy rất tốt, Phật Bồ Tát là người được đào tạo ra, Thánh Hiền là được đào tạo ra. Thế giới Cực Lạc, A Di Đà Phật ở khắp pháp giới hư không giới đã nêu cho chúng ta tấm gương tốt nhất. Nếu như cư dân trên trái đất chúng ta cũng giống như ở Thế giới Cực Lạc, lương thiện như vậy, thanh tịnh như vậy, trái đất chúng ta sẽ trở thành Thế giới Cực Lạc. Vì sao vậy? Vì trong kinh Phật nói rất nhiều, là “y báo tùy theo chánh báo mà chuyển”, nếu như dùng cách nói hiện nay thì môi trường vật chất tùy theo ý niệm của chúng ta, mà sinh thay đổi. Ý niệm của chúng ta tốt, môi trường sẽ không có gì là không tốt. Thật là “phong điều vũ thuận, quốc thái dân an, tai hại bất khởi, nhân dân an lạc”. Thật đúng như vậy, không phải là giả dối. Mãi cho đến thời cận đại, ba mươi năm trở lại đây giới khoa học đã phát hiện, phát hiện được ý niệm của con người và núi sông đất đai, cho đến sự vận hành của tinh cầu trên hư không đều có mối liên hệ. Ý niệm của chúng ta thuần chân, quỹ đạo vận hành của tinh cầu trên không trung nó sẽ không nghiêng lệch. Nếu chúng ta tà tâm tà niệm ý nghĩ hành động bất chánh, nó sẽ chạy đến phạm vi nơi này của chúng ta, nó bị ý niệm chúng ta quấy nhiễu, ý niệm này sẽ dao động quấy nhiễu. Nó không ổn định, nó liền bị nghiêng lệch. Ý niệm của con người có năng lượng lớn đến như vậy! Trước đây chúng tôi nhìn thấy trong kinh văn nói đến, chúng tôi không tin, không ngờ ngày nay, nhà khoa học đã chứng minh cho chúng ta rồi.
Cho nên thắp hương là biểu hiện cho niềm tin, biểu hiện cho giới định. Trong nhà nếu như có chỗ thờ Phật, có tượng Phật, không cần nhiều, chỉ một cây hương. Ngày nay nhà ở phần nhiều là chung cư, phải giữ gìn môi trường thanh khiết, không khí trong lành, hương không nên thắp nhiều quá, một cây là tốt rồi, làm cho chúng ta thấy hương, nhìn thấy lò hương liền biết chúng ta phải tu định, phải tu huệ, phải tu giới định. Nhìn thấy hương nhắc nhở chúng ta trong cuộc sống hằng ngày, sự qua lại giữa người và người phải có chữ tín, người khác không chú trọng chữ tín, tôi trọng chữ tín, vậy phải chăng chúng ta chịu thua thiệt? Nói cho quí vị hay, tuyệt đối không có thua thiệt. Nếu như quí vị thực sự hiểu được nhân quả, nói nhân quả thông ba đời, trong định luật của nhân quả người người đều bình đẳng, không có thua thiệt, cũng không bị mắc lừa. Chúng ta lợi dụng người khác, đời sau phải hoàn trả cho họ. Chúng ta chịu thiệt đời sau sẽ được bù đắp. Quí vị thực sự hiểu được, quí vị mới có thể giữ vững luân lí đạo đức, không làm trái với nhân quả. Hà huống mục tiêu cuối cùng của chúng ta là phải vãng sanh Thế giới Cực Lạc. Ngày nay nói là di dân, di dân đến Thế giới Cực Lạc, thân cận Phật A Di Đà. Vì sao vậy? Vì nơi đó là nơi chốn tu hành tốt nhất trong khắp pháp giới hư không giới. Đến nơi đó, điều tốt đẹp đầu tiên là người trường thọ, vô lượng thọ, ở đó có thời gian. Con người không những trường thọ, mà còn không bịnh tật, mãi mãi mạnh khỏe. Phật Thích Ca Mâu Ni giới thiệu nhiều như vậy, nhưng không giới thiệu Thế Giới Tây Phương Cực Lạc có bệnh viện, có bác sĩ, chưa nghe thấy những thứ đó. Người ở đó không mắc bệnh, lại trường thọ, rất có thời gian. Phật A Di Đà là thầy giáo tốt nhất. Chư thượng thiện nhân đều câu hội ở đó. Thượng thiện là ai? Là Đẳng giác Bồ Tát, giống như Văn Thù, Phổ Hiền, Quán Âm, Thế Chí. Những bậc này nhiều lắm, nhiều lắm. Nhiều đồng tham đạo hữu tốt như vậy, nhiều thầy giáo tốt như vậy, họ làm sao mà không thành Phật được! Cho nên vãng sanh chắc chắn sẽ thành Phật. Ở đây nói biểu pháp cúng dường, nhất định phải hiểu được.
Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa Tập 412
Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư
Chuyển ngữ: Liên Hải
Biên tập: Bình Minh
Thời gian: 14.05.2011
Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội_HongKong
Được gắn thẻ , , , , ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *