Làm sao chân chánh giác ngộ, chẳng tạo tội nghiệp, chuyên tạo phước báo thì tiền đồ chúng ta sẽ tươi sáng. Nhất định phải giác ngộ đời người vô cùng ngắn ngủi, đời người rất khổ, khổ thì chúng ta phải cắn răng thật chặt, phải chịu đựng cho rồi. Chịu khổ cũng không tạo nghiệp, tuyệt chẳng vì muốn cải thiện hoàn cảnh sinh hoạt trước mắt mà tạo nên các thứ tội nghiệp, trước mắt nếm được một chút vị ngọt, hậu quả chẳng thể lường nổi, người thông minh chẳng làm chuyện khờ dại này. Khổ báo trước mắt là do đời quá khứ, đời này mình chẳng tu phước nên phải thọ những quả báo này. Phật pháp dạy rất rõ ràng “Muốn biết nhân đời trước, những gì mình thọ đời này chính là nó”, những gì đời này mình thọ là do mình tạo đời trước. Đời trước tu phước, đời này hưởng phước, đời trước chẳng tu phước thì đời này lấy phước ở đâu mà hưởng? [Hiểu vậy thì sẽ] chẳng oán trời, chẳng trách người. “Muốn biết quả đời sau, những gì mình làm đời này chính là nó”, những hành vi mình làm đời này là nhân, đời sau sẽ có quả báo. Nếu việc mình làm đời này vun trồng phước lớn, tạo nhân thù thắng, ngay đời này liền thay đổi hoàn cảnh sinh sống của mình. Liễu Phàm Tứ Huấn là thí dụ rất rõ ràng, những người có thành tựu bằng với Viên Liễu Phàm trong Phật pháp chẳng biết có bao nhiêu mà kể, chẳng có ghi chép nên không biết được, quá nhiều, quá nhiều. Muốn có thể thay đổi hoàn cảnh sinh hoạt hiện tiền của chúng ta, chỉ cần bạn hết lòng nỗ lực, đoạn ác tu thiện, phước này là thật, hơn nữa còn lâu dài, là phước báo chân thật. Nếu dùng thủ đoạn bất chánh để cướp đoạt của cải bất nghĩa mà được phước, thì phước ấy là giả, rất ngắn ngủi. Phước hưởng hết rồi thì ác báo liền hiện ra, đáng sợ vô cùng.
(Lược Trích Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh Giảng Ký
– Chủ giảng: Hòa thượng Tịnh Không.
Quyển Thượng .PHẨM THỨ SÁU: NHƯ LAI TÁN THÁN: – Tập 23-Tr -542 -543)