Nghiên cứu giáo lý, nghe kinh phải có tâm nhẫn nại, có nghi vấn thì có thể tồn nghi, cổ đức có nói: “Tiểu nghi có tiểu ngộ, đại nghi có đại ngộ”, đó gọi là nghi tình, chẳng phải là hoài nghi. Nếu đối với lời trong kinh bạn chẳng thể lý giải, khởi hoài nghi thì là sai lầm. Hoài nghi là gì? Bạn chẳng tin tưởng, bạn chẳng thể tiếp nhận. Nghi là chướng ngại lớn nhất của Bồ Tát, Bồ Tát nói ở đây là Bồ Tát đạo, chướng ngại lớn nhất cho sự tu hành của Bồ Tát. Vậy thì phải làm sao? Có nghi vẫn phải tin, tôi vẫn kiền thành tin tưởng. Phật nói Lý này quá sâu, chẳng phải là cảnh giới của tôi, chẳng phải trí huệ nông cạn hiện giờ của tôi có thể hiểu nổi. Tôi tin điều này, tin lời Phật dạy chẳng sai, hết lòng tiếp tục nỗ lực tu học chẳng gián đoạn, đợi đến một ngày nào đó khai trí huệ xong, vấn đề này sẽ được giải quyết. Nghi tình nhỏ, trí huệ mở mang được mấy phần thì vấn đề sẽ được giải đáp; nghi tình lớn, trí huệ cần phải mở đến một mức độ nào đó thì bạn mới có thể hiểu được. Đây tức là tiểu nghi có tiểu ngộ, đại nghi có đại ngộ. Nếu bạn hoài nghi, chẳng tin tưởng, chẳng tiếp nhận thì bạn vĩnh viễn sẽ chẳng có chỗ ngộ. Thế nên nghĩa thú sâu xa và cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn nói trong kinh thì có nghi tình là chính xác vậy, nhất định phải y chiếu lý luận, phương pháp của Phật dạy trong kinh mà hết lòng tu học. Phật pháp từ thỉ đến chung đều là dạy người ta khai trí huệ, đó gọi là phá mê khai ngộ. Làm sao khai trí huệ?
Trí huệ khai thông từ trong thiền định. Trong Tịnh Độ Tông chúng ta, tuy chẳng dùng danh từ thiền định này, Tịnh Tông dùng “nhất tâm bất loạn, tâm chẳng điên đảo”, tám chữ này chính là thiền định, mục đích của người niệm Phật tu tập là ở chỗ này.
(Lược Trích Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh Giảng Ký
– Chủ giảng: Hòa thượng Tịnh Không. Quyển Thượng.
PHẨM THỨ SÁU: NHƯ LAI TÁN THÁN: – Tập 19-Tr -459)