Được thân người, muốn thành tựu ngay trong đời này, vĩnh viễn không đọa ba đường ác, sự việc này là quá khó. Bản thân chúng ta là một điển hình. Tập khí của chúng ta tại sao nặng như vậy? Vì chúng ta là từ ba đường ác đến. Tập khí này nếu như không đổi, thì sau khi chết lại quay trở lại ba đường ác. Giống như Bồ Tát Địa Tạng đã nói, khó khăn lắm mới giúp bạn đến được cõi người, sao chưa được mấy ngày bạn lại quay trở lại rồi? Ngày tháng nhân gian dường như là rất dài. Quí vị phải biết, một ngày ở cõi ngạ quỷ là một tháng ở nhân gian. Giả dụ từ cõi ngạ quỷ phục hồi được thân người, tính cho bạn sống được 100 tuổi, sau khi chết rồi lại quay về cõi ngạ quỷ. Cõi ngạ quỷ nhìn thấy bạn đi chưa được mấy ngày thì đã quay trở lại rồi. Đây là do sự chênh lệch múi giờ rất lớn.
Chênh lệch múi giờ ở cõi địa ngục sẽ càng lớn hơn. Năm xưa, lão cư sĩ Lý Bĩnh Nam giới thiệu Phật pháp cho sinh viên đại học chuyên khoa. Thầy đã soạn một giáo trình gọi là “Phật Học Khái Yếu Thập Tứ Giảng”, ở trong đây có nói đến cõi địa ngục. Một ngày trong cõi địa ngục là 2.700 năm nhân gian chúng ta.
Giả sử bạn sống được 100 tuổi, khi quay trở lại địa ngục, người ta nói bạn đi còn chưa đến một giờ đồng hồ, sao bạn lại quay vào rồi? Cho nên tam đồ quả thật là khó ra khỏi. Phật ở trong kinh có nêu ví dụ: “Đầu thò đầu thụt”, ví dụ này rất đáng suy ngẫm. Chỉ cần còn ở lục đạo, thì tam đồ là quê nhà. Đến ba đường thiện là giống như đi ra du lịch, thời gian đều rất ngắn ngủi, lập tức liền phải quay về. Cho nên ở trong ác đạo, “đầu thụt” là chìm vào dưới nước rồi; “Đầu thò” thì thỉnh thoảng ngoi đầu lên, hít một hơi không khí, đây gọi là “đầu thò”. Phật dùng những cái này để Miêu tả chân tướng ở trong lục đạo.
Cho nên nói tóm lại, chúng sanh trong lục đạo đều là “kẻ đáng thương hại”. Chúng ta thử xem, tập khí lục đạo nặng cỡ nào! Vẫn đang theo đuổi sự hưởng thụ ngũ dục lục trần, vẫn đang theo đuổi tài, sắc, danh, thực, thùy, đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm. Quan niệm này, nguồn gốc đã có từ lâu, từ vô lượng kiếp huân tập mà thành. Phật hết lòng hết dạ bảo chúng ta dừng lại. Những tư tưởng này là tư tưởng sai lầm, những cách nhìn này là cách nhìn sai lầm. Sống đời sống vật chất quá sung túc rồi thì không muốn xa lìa.
PHÁP SƯ TỊNH KHÔNG.