Mấu chốt của việc niệm Phật để đi đến Nhất Tâm chính là phải làm cho được Tịnh Niệm Liên Tục. ở đây, chúng ta phải biết rằng, Tịnh Niệm Liên Tục không nhất thiết lúc nào cũng phải dán câu Phật hiệu nơi cửa miệng không ngơi nghỉ. Chỉ những người có được cái phước phần hưởng sự thanh nhàn, thì mới có thể làm được giữ cho câu Phật hiệu không rời miệng.
Còn chúng ta hiện nay, thì công việc và trách nhiệm với gia đình, và xã hội vô cùng bận rộn, làm sao có thể đem câu Phật hiệu suốt ngày dán ở trên miệng được, đây là điều không thể làm được.
Điều này không quan trọng, ta không thể giữ mãi câu Phật hiệu nơi cửa miệng cũng không sao cả. Nhưng bắt buộc trong tâm ta phải có. Cái niệm nhớ Phật ở trong tâm nhất định không thể để gián đoạn mất đi. Nếu không thì không thể thành tựu Nhất Tâm, đối với việc vãng sanh Cực Lạc thì càng khó thêm khó.
Đối với 2 chữ “Nhớ Phật” này, chúng ta cũng cần phải hiểu cho rõ ràng minh bạch. Đây là chẳng phải bảo ta, suốt ngày cứ nhớ đến cái tượng của Phật A Di Đà, hoặc là tưởng đến tên của A Di Đà Phật, cách nghĩ này sẽ là cách nhớ nghĩ về Phật một cách chết cứng.
Trong việc nhớ Phật, ta phải nghĩ đến Phật đã phát tâm cứu độ chúng sanh như thế nào ? Nghĩ đến Phật tu hành như thế nào ? Nghĩ đến Phật trong xử sự đã đối người, tiếp vật như thế nào ? Nghĩ Phật làm sao để đoạn phiền não, làm sao để thành Phật đạo ? Nghĩ Phật đã dùng cách nào để giúp đỡ tất cả chúng sanh ?
Chúng ta phải thường thường nghĩ đến những việc này, và phải thường thường noi gương Ngài. Đây chính là cách học Phật sống động nhất, thật sự mang lại lợi ích lớn lao cho chúng ta.
Nên biết, học Phật tức là học theo những công hạnh của Phật. Chứ chẳng phải học Phật là đem danh hiệu của Phật ra niệm một cách cứng nhắc, mà chẳng biết gì về Phật, về công đức, về hạnh nguyện của Phật.
Chúng ta thấy được, có rất nhiều người niệm Phật được vài ba năm, nhưng chẳng thấy mình đạt được bất cứ thành tựu nào cả, phiền não ngày càng chất chồng, tâm nghi ngờ ngày càng thêm lớn, hoàn cảnh sống chẳng chút thay đổi, thì liền nản lòng cho là Pháp môn Tịnh Độ không linh, rồi thì nản lòng bỏ đi ý nguyện học Phật.
Điều này thật đáng tiếc! Nguyên nhân do đâu ?
Đây là do họ chỉ đem câu Phật hiệu, ngày ngày niệm trên hình thức một cách cứng nhắc mà thôi, trong tâm có nhớ đến Phật hay không ? Hoàn toàn không có!
Do trong tâm không nhớ Phật, nên họ niệm không ra một Đức Phật A Di Đà với đầy đủ đức hạnh từ bi viên mãn, dẫn đến họ càng niệm Phật càng thấy bế tắc, rồi nản lòng. Nguyên nhân chính là ở chổ này.
Niệm Phật, điều này thật quá dễ, ai cũng đều làm được, đến ngay đứa trẻ lên 3 cũng biết niệm. Nhưng niệm làm sao để cho hình ảnh Đức Phật A Di Đà với đầy đủ đức hạnh: Trí tuệ, thanh tịnh, bình đẳng, từ bi, ngày càng lớn dần lên trong tâm ta, thì mới là biết niệm, là chân thật niệm.
Tôi vẫn thường hay nói trong các buổi giảng Kinh Vô Lượng Thọ, chúng ta phải đem lý luận, phương pháp, cảnh giới ở trong Kinh Vô Lượng Thọ biến thành cuộc sống, hành vi thực tế của chính mình.
Một câu Phật hiệu chúng ta niệm ra đó bao gồm tất cả tâm nguyện, giải, hành của A Di Đà Phật một cách tròn đầy.
Cho nên, chẳng phải bảo chúng ta chết cứng trong danh hiệu, mà từng niệm từng niệm phải rõ ràng, từng niệm từng niệm phải minh bạch.
Chúng ta làm người cách nào, A Di Đà Phật chính là gương mẫu cho chúng ta noi theo. Chúng ta có thể làm cho mình cùng A Di Đà Phật thành một khuôn, một mẫu, đây là cách niệm Phật chân chánh nhất.
HT. Ân Sư
A Di Đà Phật xin thường niệm