Lời dạy của đức phật, Thiền sư Thích Thanh Từ

Lời giáo huấn của sư ông Trúc Lâm

Vô sư trí vi tôn - Sư Ông Trúc Lâm
Này Thiện tri thức, người tiểu căn nghe pháp môn đốn giáo này, ví như là cỏ cây gốc rễ nhỏ, nếu bị mưa to thì đều ngả nghiêng không thể nào tăng trưởng được. Người tiểu căn cũng lại như thế, vốn có trí tuệ Bát Nhã cùng với người đại trí không sai biệt, nhân sao nghe pháp không thể khai ngộ ? Vì do tà kiến chướng nặng, cội gốc phiền não sâu, ví như đám mây lớn che kín mặt trời, không có gió thổi mạnh thì ánh sáng mặt trời không hiện. Trí Bát Nhã cũng không có lớn nhỏ, vì tất cả chúng sanh tự tâm mê ngộ không đồng, tâm mê bên ngoài thấy có tu hành tìm Phật, chưa ngộ được tự tánh tức là tiểu căn. Nếu khai ngộ đốn giáo không thể tu ở bên ngoài, chỉ nơi tâm mình thường khởi chánh kiến, phiền não trần lao thường không bị nhiễm tức là thấy tánh.
Trong đoạn trên Ngài nói có người tiểu căn, người đại căn, người tiểu trí, người đại trí. Tại sao có tiểu trí, đại trí, tiểu căn, đại căn ? Trên tánh Bát Nhã không có sai biệt, nhưng người nghe pháp liền đốn ngộ thì gọi là đại căn, còn người nghe nhưng không đốn ngộ nên gọi là tiểu trí. Sở dĩ nghe Bát Nhã mà không ngộ, không hiểu là vì:
* Một là tà kiến của họ sâu nặng, chấp tà kiến là chấp lệch lạc, nghiêng bên có hoặc nghiêng bên không quá nặng.
* Hai là gốc phiền não của họ sâu dầy, họ hay sân si, đủ các việc lôi thôi…
Ngài thí dụ như có một đám mây đen kịt bao phủ bầu trời vào giữa trưa che kín mặt trời, chúng ta thấy ánh sáng mặt trời mất tiêu, ánh sáng mất là tại mặt trời không có ánh sáng hay tại cái gì ? Mặt trời lúc nào cũng tỏa ánh sáng đầy đủ và công bằng. Nhưng khi mây dầy đen quá thì ánh sáng phải chịu khuất. Khi không thấy ánh sáng là lỗi tại mặt trời hay lỗi tại mây ?
Tất cả mọi người ai cũng có trí tuệ Bát Nhã như là giữa trưa nhất định có mặt trời vậy, nhưng có người nghe pháp liền ngộ, có người nghe mà không ngộ là tại sao ? Giữa trưa mà không mây, khi người ta chỉ mặt trời, nhìn lên liền thấy. Trái lại mây dầy quá, dù chỉ mặt trời cũng không thấy, chỉ thấy bầu trời đen kịt. Đối với trí tuệ của Phật cũng thế, Ngài dùng trí tuệ đó giảng dạy chúng ta hiểu chỗ ngộ, chỗ sở đắc của Ngài để chúng ta theo đó tu hành. Nếu nghe nhưng không hiểu gì cả là tại phiền não của chúng ta quá nhiều, quá sâu; nếu người nào phiền não ít, mỏng thì nghe liền hiểu, mà hiểu thì tu được.
Như thế lỗi không phải tại pháp mà lỗi tại người, pháp thì bình đẳng nhưng tại người phiền não sâu hay cạn. Biết như vậy, chúng ta thấy nếu căn cơ chúng ta kém, phiền não dầy, chúng ta phải nỗ lực sao cho phiền não tan và căn cơ được tăng trưởng, chớ đừng tưởng thật có người đại trí và người tiểu trí, vì trí Bát Nhã là bình đẳng, nhưng do các chủng tử tà kiến và chủng tử phiền não nhiều ít mà thành sai biệt.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *