Hòa Thượng Tịnh Không, Lời dạy của đức phật

Làm sao giải thoát? Buông xả. Giải thoát chính là tự tại

Tượng Đức Phật cầm hoa
Nói thật, để đối diện với sự biến hóa của nghiệp nhân quả báo, bạn phải có trí huệ, phải có năng lực, phải có phương tiện thiện xảo. Những điều này đều phải dựa vào việc tu học lúc bình thường mà rèn luyện, mới có thể thành tựu. Điều quan trọng nhất là trước tiên phải tu bản thân cho tốt, thành tựu pháp thân, Bát nhã, giải thoát của mình, sau đó mới có thể giúp đỡ tất cả chúng sanh khổ nạn. Ở trong lục đạo đều là chúng sanh khổ nạn. Không phải nói họ gặp phải tai nạn thì đây là khổ nạn. Trước khi chưa gặp tai nạn thì chúng ta phải phòng bị, tai nạn đến rồi thì không kịp nữa. Đạo phòng bị chính là phải chứng được pháp thân, Bát Nhã, giải thoát. Đây là sự phòng bị cứu cánh nhất, viên mãn nhất. Ba cái này liên kết với nhau, nhưng mà có độ khó của nó. Chứng pháp thân khó, khai trí huệ cũng khó. So sánh ba cái thì Bát nhã và giải thoát là tương đối dễ dàng. Thật sự có thể được một chút giải thoát là công phu đã đắc lực rồi. Làm sao giải thoát? Buông xả. Giải thoát chính là tự tại. Bạn không buông xả thì bạn có khổ có nạn. Buông xả rồi thì không còn bị khổ nạn nữa, cho dù gặp phải cũng giống như chẳng có gì. Ai chịu buông xả? Chỉ có người thông đạt hiểu rõ đối với những đạo lý chân tướng sự thật này mới chịu buông xả. Cho nên, học Phật muốn biết công phu của họ thì xem mức độ buông xả của họ, họ buông xả được bao nhiêu. Đây là công phu chân thật. Buông xả giúp bạn khai trí huệ, giúp bạn thấy rõ. Đến khi thấy rõ, buông xả triệt để thì pháp thân hiện tiền ngay. Chúng ta ngày nay nói “nhìn thấu, buông xả”; nhìn thấu vẫn chưa đủ, buông xả cũng không đủ, cho nên vẫn gặp phải biết bao tai nạn, ở trong đời sống thường ngày không tự tại.
Ngạn ngữ có câu: “Việc bất như ý chiếm tám chín phần mười”. Tại sao bất như ý vậy? Tại sao chư Phật Bồ Tát các Ngài được như ý, một việc bất như ý các Ngài cũng không có? Chúng ta thì “việc bất như ý thường đa số”, nguyên nhân do đâu vậy? Tìm cho ra nguyên nhân và tiêu trừ hết nguyên nhân thì mọi việc như ý thôi. Chư Phật Bồ Tát thông minh, trong quá trình tu học, các Ngài biết tìm. Tìm ra, đây gọi là khai ngộ. Tiêu trừ nó, đây gọi là tu hành, là công phu. Chúng ta phải hiểu, phải học, phải chăm chỉ nỗ lực mà làm, hóa giải cái tai nạn này. Cho dù không thể hóa giải hoàn toàn, nhưng cũng khiến tai nạn này rút ngắn về mặt thời gian, giảm nhẹ về mức độ. Điều này có thể làm được. Người làm càng nhiều thì sức mạnh này sẽ càng lớn. Tại sao chúng ta làm như vậy sẽ có loại hiệu quả này? Trong Kinh Phật nói: “Tất cả pháp từ tâm tưởng sanh”, đây là căn cứ lý luận. Hoa Nghiêm nói: “Hư không pháp giới, nhất thiết chúng sanh, duy tâm sở hiện, duy thức sở biến”, đây là lý luận cơ bản. Tương ưng với lý luận này, chúng ta sẽ sinh tín tâm. Chúng ta đoạn ác tu thiện, thật sự có thể giúp đỡ tất cả chúng sanh, người khác đoạn ác tu thiện cũng có thể giúp đỡ bản thân chúng ta, cho nên làm một cuộc chuyển đổi từ trên tâm địa. Tâm chuyển đổi rồi thì hoàn cảnh của chúng ta sẽ chuyển đổi. Thế giới Hoa Tạng, Thế giới Cực Lạc, người ở bên đó tâm tốt, cho nên cảm được quả báo vô cùng thù thắng. Chúng sanh của thế giới này mê hoặc điên đảo, tâm địa bất thiện, nên chiêu cảm biết bao tai nạn biến cố. Đạo lý là như vậy.
TÔN SƯ TỊNH KHÔNG CHỦ GIẢNG
TRÍCH THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN,TẬP 56
Được gắn thẻ , , ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *