Hòa Thượng Tịnh Không, Lời dạy của đức phật

Kiến tư phiền não biến hiện ra luân hồi lục đạo

Địa Tạng Vương Bồ Tát
Lục đạo từ đâu mà có? Kiến tư phiền não biến hiện ra. Có kiến tư phiền não, liền có hiện tượng luân hồi lục đạo, huyễn tướng này sẽ tồn tại. Nếu chúng ta không còn chấp trước, ý niệm chấp trước đều không còn, lục đạo sẽ không còn, vì nó là giả.
Nên tin vào lời dạy thâm diệu trong kinh Phật, vì sao vậy? Vì mỗi câu mỗi chữ trong kinh Phật là từ trong tự tánh hiển lộ ra. Tâm phàm phu chúng ta hoàn toàn trái với tướng tự tánh. Dùng cách đơn giản nhất mà nói, tâm Phật là chân tâm, tâm phàm phu là vọng tâm. Ở đây chúng ta nhất định phải hiểu, Phật và phàm phu, ai là Phật, ai là phàm phu? Tất cả đều là nói về chính mình. Dùng chân tâm chúng ta chính là Phật, còn dùng vọng tâm chúng ta là phàm phu. Phật là chúng ta, phàm phu cũng là chúng ta. Chân tướng sự thật này, chúng ta không thể không biết.
Phật và phàm phu không có giới hạn, chỉ có mê ngộ bất đồng mà thôi, quý vị nghĩ xem rất thâm sâu phải không? Chúng ta thử xem, lục tổ Huệ Năng của Thiền Tông thời nhà Đường. Ngài không biết chữ, chưa từng đi học. Sau khi khai ngộ, khai ngộ nghĩa là ngài dùng chân tâm không dùng vọng tâm. Tất cả kinh điển đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói trong suốt 49 năm, không có bộ nào đại sư không hiểu. Ngài không biết chữ, không biết xem kinh. Quý vị đem kinh đọc cho ngài nghe, ngài đều hiểu, đều thông suốt. Ngài giảng lại cho quý vị nghe một cách thấu triệt, rất viên mãn, làm cho quý vị được giác ngộ, đây chính là nói nó không thâm sâu! Thâm sâu là do chúng ta đánh mất tự tánh, thấy tự tánh rất thâm sâu.
Đức Thế Tôn trong ngày khai ngộ đầu tiên, ngài đem chân tướng sự thật này nói ra: thật không ngờ tất cả chúng sanh đều có trí tuệ đức tướng của Như Lai, vì vọng tưởng chấp trước mà không thể chứng đắc. Khi ngài khai ngộ đã nói như thế. Đức Thế Tôn khai ngộ năm 30 tuổi, cho thấy điều này mỗi người đều có phần!
Phật giáo là gì? Phật giáo chính là nghiên cứu về chính mình, hiểu rõ ràng minh bạch về mình, dạy học như vậy gọi là Phật giáo. Trong Phật pháp đại thừa nói rất rõ: “ngoài tâm không có pháp, ngoài pháp không có tâm”, tất cả pháp duy tâm sở hiện, duy tâm sở biến. Tâm là chính mình, thức cũng là chính mình. Tâm là chân tâm của mình, thức là vọng tâm của mình, rời chính mình thì không còn Phật pháp. Phật pháp là nói đến chính mình, nói về mình một cách thấu triệt, một cách tuyệt đối. Thật sự đã rõ ràng minh bạch, chúng ta gọi người này là thành Phật. Chưa rõ ràng minh bạch gọi quý vị là Bồ Tát.
“Phật kinh ngữ thâm”, câu này chúng ta phải lý giải ý nghĩa chân thật của nó, nếu quý vị dùng chân tâm nó sẽ không thâm sâu, dùng vọng tâm nó rất thâm sâu, căn bản nghe không hiểu.
Hiện nay Phật giáo suy yếu đến tận cùng, có thể phục hưng chăng? Rất khó, quả thật rất khó, vì sao? Vì tìm không thấy người dùng chân tâm, dùng chân tâm học Phật sẽ không khó. Hiện nay được mấy người dùng chân tâm? Mấy người hiểu được chân tâm? Chân tâm là gì? Trong kinh Phật có câu miêu tả chân tâm này, đó là “chân tâm ly niệm”, không có vọng niệm, đây chính là chân tâm. Chúng ta có thể tìm thấy người không có vọng niệm chăng? Tìm không thấy. Từ sáng đến tối vọng niệm này nối tiếp niệm kia, khi ngủ cũng không ngừng, điều này quả thật phiền phức!
Trong kinh điển đại thừa nói rất hay, vọng niệm có nguồn gốc, có ngọn ngành. Nguồn gốc của khởi tâm động niệm, trong kinh điển đại thừa gọi nó là vô thỉ vô minh. Từ vô thỉ vô minh diễn biến nặng hơn, chính là trần sa phiền não. Trần sa là miêu tả nhiều, rất nhiều, đếm không hết! Trong Kinh Hoa Nghiêm nói là phân biệt, tâm phân biệt là vọng tâm, không phải chân tâm. Diễn biến tiếp đến mức nghiêm trọng nhất, chính là kiến tư phiền não. Trong Kinh Hoa Nghiêm gọi nó là chấp trước. Trong Kinh Hoa Nghiêm nói vọng tưởng phân biệt chấp trước, thông thường giáo lý đại thừa gọi là vô thỉ vô minh. Vô minh phiền não, trần sa phiền não, kiến tư phiền não. Danh xưng không giống nhau nhưng ý nghĩa hoàn toàn tương đồng.
Đức Phật nói nếu có thể buông bỏ được kiến tư phiền não. Cũng có nghĩa là lục căn tiếp xúc với cảnh giới lục trần, mắt thấy sắc, tai nghe âm thanh, mũi ngửi mùi hương, lưỡi nếm vị đều không chấp trước, quý vị đã chứng quả A la hán, vì sao vậy? Buông bỏ chấp trước, chính là đoạn tận kiến tư phiền não. Ba loại phiền não lớn, đoạn tận loại này, đoạn tận loại này lục đạo sẽ không còn. Do đây mà biết, lục đạo từ đâu mà có? Kiến tư phiền não biến hiện ra. Có kiến tư phiền não, liền có hiện tượng luân hồi lục đạo, huyễn tướng này sẽ tồn tại. Nếu chúng ta không còn chấp trước, ý niệm chấp trước đều không còn, lục đạo sẽ không còn, vì nó là giả.
Vĩnh Gia đại sư nói rất hay: “mộng lý minh minh hữu lục thú, giác hậu không không vô đại thiên”. Sau khi kiến tư phiền não đoạn, giống như một người tỉnh lại sau giấc mộng, cảnh trong mộng không còn, nó không phải thật. Quý vị ở trong đó so tính thiệt hơn, là sai lầm. Lục đạo không còn, đã tỉnh lại. Tỉnh lại là cảnh giới gì? Tứ thánh pháp giới. Thánh văn, Duyên giác, Bồ Tát, Phật trong mười pháp giới. Tỉnh lại là cảnh giới này, luân hồi không còn. Tứ thánh pháp giới vẫn ở trong mộng, vẫn không phải là thật. Ở trong đây buông bỏ phân biệt, chẳng những không chấp trước, mà phân biệt cũng không còn, cảnh giới của họ được nâng cao. Phân biệt không còn, ở trong tứ thánh pháp giới địa vị của họ là Bồ Tát, là Phật. Họ không phải Thanh văn, Duyên giác. Thanh văn, Duyên giác không có chấp trước nhưng có phân biệt. Khi đoạn được phân biệt, họ liền nâng cao đến Bồ Tát, đến Phật.
Bồ Tát không có phân biệt nhưng có tập khí phân biệt. Sau khi đoạn hết tập khí phân biệt, họ chính là Phật trong mười pháp giới. Tập khí phân biệt không còn, họ còn có khởi tâm động niệm, chính là vô minh vô thỉ phiền não. Nếu không khởi tâm không động niệm, lục căn ở trong cảnh giới lục trần không khởi tâm không động niệm, mười pháp giới không còn. Mười pháp giới không còn, hiện ra cảnh giới gì? Cảnh nhất chân pháp giới, chính là cõi thật báo trang nghiêm của Chư Phật Như Lai. Cõi thật báo trang nghiêm gọi là nhất chân là đối với mười pháp giới mà nói, vì trong mười pháp giới là vô thường, tất cả hiện tượng đều sanh diệt trong từng sát na. Bồ Tát Di Lặc nói một khảy móng tay có 32 ức một trăm ngàn niệm, ý niệm đó sanh diệt, vô thường. Trong nhất chân pháp giới không có hiện tượng này, nhất chân pháp giới là chân thường, vĩnh viễn không thay đổi. Người ở trong đó không có sanh lão bệnh tử, cây cỏ hoa lá không có sanh trụ dị diệt, sơn hà đại địa không có thành trụ hoại không. Thế nên gọi nó là nhất chân pháp giới, nó không có biến hóa. Người ở trong thế giới đó thọ mạng rất dài, trong kinh thường gọi là vô lượng thọ. Các bậc tổ sư giải thích rằng vô lượng thọ này là vô lượng của hữu lượng, không phải chân vô lượng. Nhưng nói là chân vô lượng cũng có thể chấp nhận được, vì sao? Vì từ vô lượng của hữu lượng, nó trực tiếp thông đến vô lượng của vô lượng. Nó thông suốt, ở giữa không có giới hạn nên nói vô lượng của vô lượng cũng đúng, cũng không nói sai.
Vì sao nói vô lượng của hữu lượng? Vì thời gian của nó là ba đại a tăng kỳ kiếp, hình thành ra sao? Cõi thật báo này hình thành như thế nào? Tập khí vô thỉ vô minh. Vô thỉ vô minh thật sự đoạn tận, không còn nữa, không khởi tâm, không động niệm. Tập khí vẫn còn, tập khí không dễ đoạn. Không có cách nào đoạn tập khí, chỉ cần không chú ý đến nó nữa, thời gian lâu tự nhiên nó sẽ không còn. Cần bao nhiêu thời gian? Ba đại a tăng kỳ kiếp, thật sự không còn. Tập khí không còn, đã đoạn sạch, cõi thật báo cũng không còn. Cõi thật báo không còn, trở thành gì? Trở thành thường tịch quang Tịnh độ, thường tịch quang hiện tiền. Cho nên cõi thường tịch quang và cõi thật báo là kết nối lại, hiện hay không hiện chính là do tập khí. Có tập khí nó sẽ hiện cõi thật báo, hiện cõi báo. Không có tập khí, cõi báo cũng không còn. Điều này chúng ta phải hiểu cho rõ ràng minh bạch.
TỊNH ĐỘ ĐẠI KINH GIẢI DIỄN NGHĨA – Tập 433 __(((卍)))__
Giảng Kinh Vô Lượng Lần Thứ XI – Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
“Một môn thâm nhập, trường kỳ huân tu”, đây là quan niệm lý luận học tập. Phương pháp thì sao “Sách đọc ngàn lần, nghĩa kia tự hiểu”.
Được gắn thẻ , , ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *