“Nhĩ thời”, đây là chỉ Bồ Tát Đại Thế Chí, nói nhân duyên sở dĩ ngài đạt đạo, chính là Niệm Phật Viên Thông Chương. Sau khi nói xong, lúc này đến lượt Bồ Tát Quán Thế Âm. “Quán Thế Âm Bồ Tát tức tùng tọa khởi”. Bây giờ ở đây, chúng ta chỉ giới thiệu sơ lược với chư vị về đức hiệu của Bồ Tát. “Quán” của Quán Âm nghĩa là quán chiếu, “âm” là âm thanh. Âm thanh không gọi nghe mà gọi là quán. Ý này tức là nói rõ, chúng ta tiếp xúc với thanh trần, không dùng nhĩ thức mà dùng tánh nghe, đây tức là quán chiếu. Do đó hai chữ quán chiếu này, tuyệt đối đừng ngộ nhận, chỉ là nhãn căn đối với sắc trần, đây là quán chiếu. Vậy quý vị đã giải thích ý nghĩa này một cách rất hẹp, rất nhỏ bé. Lục căn đối với lục trần đều gọi là quán chiếu, chỉ cần xả thức dùng căn, dùng căn gọi là quán chiếu. Đây là dùng căn, là dùng tánh trong căn, chứ không phải dùng thức trong căn, cần hiểu đạo lý này.
Bởi vậy 24 vị Bồ Tát ở trước, bất luận họ tu từ căn hay tu từ trần, tu từ thức, cho đến tu từ thất đại. Họ có thể tu đến lăng nghiêm đại định, minh tâm kiến tánh, tất cả đều là dùng công phu quán chiếu. Đến đoạn này, Bồ Tát Quán Thế Âm mới điểm ra cho chúng ta. Cho nên chương 25 Viên Thông, 24 chương trước đều nói giản lược. Chương này nói rất tường tận, kinh văn cũng rất dài, có thể thấy được tính quan trọng của nó.
Hai chữ Quán Âm là viên ngộ, viên ứng với đức hiệu. Viên chính là bổn viên, cho nên gọi là viên ngộ. Hay nói cách khác, quý vị vốn không hề mê. Giống như trong hội Hoa Nghiêm Viên giác, Đức Phật nói với chúng ta rằng: “Tất cả chúng sanh vốn thành Phật”. Vốn, viên ngộ tức là vốn ngộ, vốn cảm ứng Quán Âm này. Do đây có thể biết, danh hiệu này là hiệu tánh đức của mỗi chúng ta, là hiệu tánh đức của chính mình. Tức mỗi người đều là Bồ Tát Quán Âm, người người đều là Phật Quán Thế Âm, ai không phải!
Tuy nói phải, nhưng hiện tại tánh đức của chúng ta không hiển lộ. Tánh đức không hiển lộ là mê, sau khi mê không thể hiển thị ra. Ngày nay chúng ta cần, là làm sao khiến tánh đức vốn có của chúng ta có thể hiển hiện ra, đây là việc lớn quan trọng nhất khi học Phật.
Bởi vậy, học Phật không giống với tất cả các học thuật của thế gian, vì sao vậy? Vì mục tiêu khác nhau, cho nên phương pháp của nó cũng khác nhau. Nếu người học Phật, cũng dùng phương pháp của thế gian làm học vấn, vậy là sai, kết quả đạt được là học thuật của thế gian. Như lời của đại sư Thanh Lương, gọi là tăng trưởng tà kiến. Chúng ta suy nghĩ tường tận xem, lời đại sư Thanh Lương có đạo lý chăng? Mục đích học Phật là minh tâm kiến tánh, chứ không phải muốn ta hiểu được những gì, biết được những gì, và có thể nói ra được những gì, không phải vậy. Đây đều không phải mục đích của nó, mục đích là minh tâm kiến tánh. Cho nên mục tiêu này khác với mục tiêu học vấn của thế gian, đương nhiên phương pháp cũng không giống nhau. Bởi vậy, câu đầu tiên từ trên danh hiệu đã hiển lộ ra, là khiến ta phải ngộ, khiến ta phải tương ưng. Ưng chính là tương ưng, tương ưng tiếng Phạn gọi là du già, du già nghĩa là tương ưng.
Cảnh giới trong Kinh Lăng Nghiêm là lý sự vô ngại, sự sự vô ngại, cho nên đây là xưng hô của tánh đức.
( Kinh Thủ Lăng Nghiêm Quán Thế Âm Bồ Tát Nhĩ Căn Viên Thông Chương – Tập 1- Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư )