Hòa Thượng Tịnh Không, Lời dạy của đức phật

Hai ý nghĩa trọng yếu của việc thờ Phật, thờ Bồ Tát!

Tâm cung kính Phật quang nhiếp thọ
Mấy hôm rồi có đồng học đến hỏi tôi: trong nhà thờ tượng Phật, tượng Bồ Tát, đặt ở vị trí ấy, có người đến nói với ông ta, như thế này cũng chẳng đúng, như thế kia cũng chẳng đúng. Rốt cuộc phải làm thế nào? đó là ma đến nhiễu loạn. Thờ phụng tượng Phật, tượng Bồ Tát, bất luận là ai cũng chắc chắn là cát tường. Thế nhưng cách cúng dường như thế nào thì nhất định phải hiểu. Thờ Phật có hai ý nghĩa trọng yếu!
1) Thứ nhất là thời thời khắc khắc nhắc nhở chính mình phải có tâm cung kính, điều này rất trọng yếu. Tâm cung kính là biểu hiện của Tánh Đức. Trong khóa tụng, quý vị thường đọc “nhất thiết cung kính” (hết thảy cung kính), chúng ta đối với người, đối với sự, đối với vật có phải là chí thành, cung kính hay chăng? Nếu chí thành, cung kính, người ấy là Phật, là Bồ Tát. Phật, Bồ Tát đối với người, đối với vật, đối với sự đều chí thành, cung kính.
Phàm phu khác với Phật, Bồ Tát; phàm phu đối với người, sự, vật chẳng cung kính. Chư Phật, Bồ Tát đối với người, sự, vật cung kính, quyết định là bình đẳng, thanh tịnh, chẳng có cao, thấp, chẳng có ta thích người này, ta cung kính họ một chút, hoặc người kia là bề trên, là thân thích của ta, ta cung kính họ một chút. Kẻ nọ là oan gia đối đầu của ta, ta căm hận hắn, ta còn cung kính hắn hay sao? Đấy là phàm phu! Phật, Bồ Tát không như vậy, Phật, Bồ Tát cung kính hết thảy, chẳng có phân biệt. Do vậy, chúng ta thờ tượng Phật là vì chúng ta cung kính Phật. Do cung kính Phật, bèn lập tức nghĩ: “Ta phải cung kính hết thảy chúng sanh, phải cung kính hết thảy vạn vật”. Chẳng riêng gì Phật pháp nói như thế, mà ngay cả pháp thế gian cũng nói như thế.
Căn bản pháp luân của Phật pháp là kinh Hoa Nghiêm. Kinh Hoa Nghiêm đến phần tổng kết cuối cùng là mười đại cương lãnh tu hành, tức mười đại nguyện vương của Phổ Hiền Bồ Tát. Nguyện thứ nhất là “lễ kính chư Phật”. Đương nhiên chúng ta trông thấy chư Phật phải cung kính, nhưng thấy người khác chẳng phải là Phật thì quý vị đã sai rồi! Kinh dạy: “Nhất thiết chúng sanh bổn lai thành Phật” (Hết thảy chúng sanh vốn sẵn thành Phật). Do vậy, đối với mỗi một chúng sanh, quý vị đều phải cung kính giống như Phật. Đó là ý nghĩa thứ nhất trong việc thờ Phật, đó gọi là chân cúng dường. Có lẽ đâu thờ một bức tượng
Phật chẳng đại cát, đại lợi?
2) Ý nghĩa thứ hai là báo ân. Phật là vị thầy bậc nhất của chúng ta. Chúng ta ngày nay có thể đạt lợi ích thù thắng nơi pháp, chúng ta đừng quên vị thầy căn bản. Do vậy, chúng ta thờ Phật, đừng nên coi Ngài như một vị thần, hãy coi Ngài như một vị thầy, giống như chúng ta thường thờ tổ tiên. Đấy là truy ngược lại nguồn gốc để báo đáp. Vì vậy, thờ Phật có hai ý nghĩa hết sức trọng yếu.
Kế đó, trông thấy tượng Phật bèn hiểu chính mình cũng là Phật. Chúng ta suốt ngày từ sáng đến tối suy nghĩ loạn xạ, đó là cô phụ linh tánh của chính mình, chẳng xứng đáng với chính mình. Chúng ta chẳng suy nghĩ loạn xạ, sẽ là Phật. Chúng ta suy nghĩ tán loạn, bèn là phàm phu. Do vậy thành Phật hay thành phàm phu là do trong một niệm của chính mình. Chính mình chẳng khởi vọng tưởng thì là Phật, Bồ Tát. Thế nhưng chúng ta cũng rất muốn không khởi vọng tưởng, mà vọng tưởng cứ dấy lên mãi, không làm sao được! Đấy là do chính mình có nghiệp chướng, tiêu trừ nghiệp chướng như thế nào? Đấy cũng là một câu hỏi lớn. Có người muốn mau chóng tiêu trừ nghiệp chướng, quý vị có cái tâm ấy, có nguyện vọng ấy, có kẻ thừa cơ nói: “Ông hãy bỏ tiền cất cái miếu ấy, hoặc làm gì đó, nghiệp chướng sẽ tiêu trừ”. Quý vị hãy nghĩ xem, bỏ hết tiền ra, nghiệp chướng có tiêu trừ hay không? Trong hết thảy cảnh giới, ta thật sự một niệm chẳng sanh thì nghiệp chướng tiêu trừ.
Quý vị suốt ngày từ sáng đến tối vẫn khởi vọng tưởng, nghiệp chướng chẳng tiêu trừ! Chẳng những không tiêu trừ, mà quý vị còn thấy nó tăng thêm chẳng ít, vì sao? Muốn làm thêm chuyện tốt, làm công đức, làm công đức bèn lại có chướng ngại, lại có phiền bực! Chẳng phải là quý vị lại tăng thêm cả đống vọng niệm ư? Do vậy, chẳng những nghiệp chướng không tiêu trừ, mà ngược lại còn tăng trưởng chẳng ít nghiệp chướng; đấy cũng là ma đến nhiễu loạn.
Phật pháp dạy quý vị bố thí, bố thí là gì? Là vứt bỏ vọng niệm của chính mình. Quý vị có tiền, tiền là chướng ngại, vì sao? Có tiền bỏ vào ngân hàng lại sợ lợi tức ít, bỏ vào chỗ có tiền lời cao thì sợ chỗ đó sập tiệm, tâm quý vị bất an, vọng niệm nhiều quá, đấy là chướng ngại! Quý vị bỏ sạch hết tiền, chẳng cần đến nữa, thứ gì cũng đều bỏ, trong tâm chẳng có vướng mắc gì, đạo lý là như vậy đó. Bảo quý vị làm chuyện tốt, vẫn nghĩ ngợi: “Ta làm bao nhiêu công đức, ta làm bao nhiêu chuyện tốt”, đấy là trên chướng ngại chồng thêm chướng ngại, nghiệp chướng không tiêu được! Tâm mỗi ngày một thanh tịnh hơn chính là hiện tượng nghiệp chướng tiêu trừ. Tâm mỗi ngày một phiền não hơn, tức là nghiệp chướng tăng thêm. Hiểu nguyên lý và nguyên tắc, sẽ dễ dàng phân biệt Phật và ma. Có tiền quả thật sẽ khởi vọng tưởng thì bố thí vẫn là tốt đẹp hơn. Đấy là sự thật, chẳng giả tí nào!
A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA – QUYỂN II
Liên Trì đại sư chùa Vân Thê soạn sớ sao
Pháp sư Cổ Đức diễn nghĩa
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Giảo duyệt: Minh Tiến – Huệ Trang – Đức Phong
XIN THƯỜNG NIỆM A DI ĐÀ Phật _()_
Được gắn thẻ , , , ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *