Hai vấn đề lớn trong kinh Kim Cang, thứ nhất là “vân hà hàng phục kỳ tâm” (hàng phục cái tâm như thế nào). Chúng ta suốt ngày từ sáng đến tối suy nghĩ loạn xạ, vọng niệm tơi bời, dùng phương pháp nào để hàng phục ý niệm? “Ưng vân hà trụ” (nên trụ như thế nào), tâm chúng ta nên trụ vào đâu? Hai vấn đề lớn này chính là tổng cương lãnh tu học trong Phật pháp. Tâm chúng ta nên ở yên tại chỗ nào? Quý vị thấy người thế gian đặt cái tâm nơi đâu? Đặt trong tiếng tăm, lợi dưỡng! Tâm họ trụ trong tiếng tăm, lợi dưỡng! Nói cách khác, tâm họ suốt ngày từ sáng đến tối vướng mắc trong tiếng tăm, lợi dưỡng, vướng mắc bởi những thứ ấy, vướng mắc gọi là “trụ”.
Cái tâm của chúng ta nên vướng mắc điều gì? Chúng tôi dùng ngay lời này để giảng chắc mọi người dễ hiểu hơn. Quý vị vướng mắc trong tiếng tăm, lợi dưỡng thế gian, thứ gì cũng đều là giả. Đó là gì vậy? Tri kiến luân hồi, là tri kiến sanh tử luân hồi. Quý vị vướng mắc trong sanh tử luân hồi, làm thế nào để thoát khỏi luân hồi? Chúng ta lấy hai câu hỏi ấy từ kinh Kim Cang và dùng kinh A Di Đà để giải đáp thì sẽ dễ thực hiện. Tâm quý vị nên trụ vào đâu? Hãy nên trụ vào Tây Phương Cực Lạc thế giới.
Dùng phương pháp nào để hàng phục cái tâm? Dùng một câu A Di Đà Phật để hàng phục cái tâm! Bất luận niệm nào khởi lên, lập tức chuyển biến, chuyển đổi nó thành A Di Đà Phật, quý vị sẽ đại công cáo thành. Thiện niệm, ác niệm, tham niệm, sân niệm, bất luận ý niệm nào, chỉ cần nó khởi lên, ngay lập tức chuyển thành A Di Đà Phật. Nếu quý vị niệm Phật như vậy, công phu sẽ đắc lực. Bằng phương pháp niệm Phật này, quý vị niệm không lâu, nhất định mọi mối lo sẽ đều ngưng. Do vậy, quý vị phải biết niệm! Phương pháp này hay hơn Thiền, mà cũng hay hơn Mật.
Khi tôi giảng Tâm Kinh đã từng nói một câu A Di Đà Phật là đại thần chú vô thượng, là đại minh chú, là chú không có gì sánh bằng, tôi nói rất rõ ràng! Hiểu một câu A Di Đà Phật: Thiền, Giáo, Mật thảy đều bao gồm trong ấy. Một câu A Di Đà Phật là pháp môn Đại Tổng Trì. Nếu quý vị không nắm vững điều này, quý vị sẽ chẳng nắm được những thứ cành lá, khổ chẳng kham nói nổi! Mong giải quyết vấn đề chẳng phải là chuyện dễ dàng! Nhưng phải niệm một câu A Di Đà Phật rất khá, mức độ thấp nhất là phải đau đáu đổ công nghiên cứu cặn kẽ, thảo luận tường tận bộ Sớ Sao Diễn Nghĩa này, công phu bỏ ra ấy trọn chẳng luống uổng.
Chúng tôi dự định giảng bộ kinh này ba năm mới viên mãn, đại khái phải giảng ba trăm năm mươi lượt, tuyệt đối chẳng lãng phí thời gian ấy. Do vậy, chúng ta một mặt nghiên cứu thảo luận, một mặt mọi người cùng tu một chỗ, giải và hạnh cùng tiến, các đồng tu dự hội đều có phước!
Chúng ta sanh nhằm thời Mạt Pháp, trong kinh, đức Phật đã dạy rất minh bạch: “Thời kỳ Mạt Pháp, Tịnh nghiệp thành tựu”. Có thể chọn lựa pháp môn này, thâm nhập một môn, thì chính là bậc thượng thiện, chính là “chư thượng thiện nhân” như trong kinh này đã nói. Quý vị có thể chết sạch lòng mong ngóng, so đo, kiên quyết chọn lựa pháp môn này, quý vị là bậc thượng thiện, có trí huệ. Phải là thượng căn lợi trí thì mới biết chọn lựa pháp môn này. Dẫu tiếp xúc các pháp môn khác, vẫn chẳng kinh, chẳng sợ, như như bất động, vì sao? Tiếp xúc hết thảy pháp môn đều biến những pháp môn ấy thành A Di Đà Phật, trọn chẳng dao động!
(Sớ: Nay nhờ vào sức trì danh, chánh niệm vừa dấy lên, những ý tưởng tạp loạn tự trừ).
Quý vị nhất định phải biết dụng công. Vọng niệm vừa khởi lên, vọng niệm đương nhiên là có, chẳng thể nào không có. Nếu quý vị không có vọng niệm thì đã sớm thành Phật rồi, chẳng phải là phàm phu nữa! Quý vị có vọng niệm, phải ghi nhớ, quyết định là phàm phu. Không có vọng niệm sẽ là thánh nhân. Quý vị phải dùng một câu Phật hiệu để trừ khử vọng niệm!
Do vậy, khi niệm Phật mà có vọng niệm dấy lên, khi ấy phải làm sao? Phải dốc hết tinh thần vào câu Phật hiệu, tức là quý vị phải chú ý câu Phật hiệu, đừng quan tâm tới vọng niệm, tự nhiên vọng niệm sẽ không còn nữa!
Vọng niệm khởi lên mà quý vị đặc biệt quan tâm tới vọng niệm thì sẽ quên mất câu Phật hiệu, vậy là hỏng rồi! Vọng niệm ngày càng nhiều, Phật hiệu ngày càng ít. Vì sao? Quý vị lo bận tâm tới vọng niệm. Khi ấy, biết dụng công hay không chính là quý vị có thể chuyên chú nơi Phật hiệu, chẳng quan tâm đến vọng niệm thì quý vị biết dụng công. Công phu đắc lực, vọng niệm tự nhiên chẳng còn nữa.
Đừng mong trừ vọng niệm, mong trừ khử vọng niệm là tăng thêm một vọng niệm. Vọng niệm đã nhiều rồi, ta còn muốn trừ vọng niệm thì “muốn trừ vọng niệm” là tăng thêm một vọng niệm nữa, chắc chắn chẳng trừ được vọng niệm! Do vậy, căn bản là đừng quan tâm tới vọng niệm, toàn bộ tinh thần tập trung nơi một câu Phật hiệu; như vậy sẽ thật sự trừ được vọng niệm.
Tiếp theo đây, đại sư nêu lên một tỷ dụ.
(Sớ: Ví như sư tử ra khỏi hang, trăm loài thú đều ẩn tăm tích, mặt trời rạng rỡ chiếu màn sương, ngàn khu rừng đều hết màu trắng, đó gọi là “đều ngưng dứt” vậy).
Tỷ dụ điều gì vậy? Phần chú giải giảng:
(Diễn: Chánh niệm được ví như sư tử hay mặt trời rực rỡ).
Sư tử và mặt trời rực rỡ đều sánh ví chánh niệm. Chánh niệm là gì? Sáu chữ “Nam-mô A Di Đà Phật” là chánh niệm.
(Diễn: Vạn mối lo được ví như trăm loài thú hoặc màn sương).
Trăm loài thú và sương đều ví cho “vạn lự” (muôn mối lo, các thứ phiền não), tức là loạn tưởng, suy nghĩ tán loạn. Đây là tỷ dụ một câu A Di Đà Phật vừa mới dấy lên, hết thảy vọng tưởng của quý vị đều bị dứt trừ, công phu ấy thực hiện nơi khởi tâm động niệm, nhất định phải chế phục vọng tưởng.
Hôm nay, trong khi đang niệm Phật, tôi nói với quý vị mấy câu, đặc biệt dẫn phần Tam Phước trong Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh, đấy là cơ sở tu hành, là căn bản tu hành. Mười sáu phép Quán trong Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh được kiến lập trên cơ sở Tam Phước, không có ba điều kiện ấy thì không có cách nào tu Quán được. Cũng thế, niệm Phật mà mong đạt đến nhất tâm bất loạn thì vẫn chẳng lìa khỏi những điều kiện ấy. Điều thứ nhất là “hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng, từ tâm chẳng giết, tu Thập Thiện Nghiệp”. Chúng ta hãy suy nghĩ, chúng ta có làm được điều này hay chưa? Đấy là cơ sở của Nhân Thiên Thừa trong Ngũ Thừa Phật Pháp. Nếu không làm được điều này thì đời sau sẽ chẳng được làm thân người.
Điều thứ hai là “thọ trì Tam Quy, đầy đủ các giới, chẳng phạm oai nghi”. Chúng ta nhìn vào thì đây là pháp căn bản của Thanh Văn Thừa và Duyên Giác Thừa, tức pháp Tiểu Thừa.
Điều thứ ba là “phát Bồ Đề tâm, tin sâu nhân quả, đọc tụng Đại Thừa, khuyến tấn hành giả”. Ngày nay, chúng ta đang đọc tụng Đại Thừa, khuyến tấn hành giả ở nơi này. “Hành giả” là người tu hành, [khuyến tấn hành giả] là khuyên mọi người tu hành, khuyên mọi người hãy phát tâm tự hành, hóa độ người khác, đây là pháp Bồ Tát. Do đây có thể biết: Đại Thừa Phật pháp được kiến lập trên cơ sở Thanh Văn, Duyên Giác và Nhân Thiên Thừa. Một câu Phật hiệu của chúng ta lấy Tam Phước làm cơ sở thì mới có thể thật sự đạt đến “vạn lự hàm hưu”.
A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa!