Thánh nhân dạy người đi là con đường chánh, cái mà bạn đã đạt được, đã hưởng thụ được, cho dù không thể hưởng thụ một trăm phần trăm trong mạng của bạn, có lẽ sự hưởng thụ đã có trong mạng có thể là bảy – tám mươi phần trăm. Nếu như hoàn toàn tin tưởng vào giáo huấn của Thánh Hiền, hoàn toàn làm theo, không những bạn có thể hưởng được một trăm phần trăm, mà còn có thể tăng thêm. Điều này chư vị đọc “Liễu Phàm Tứ Huấn” thì sẽ hiểu được. Bạn nên nghiêm túc mà đọc kỹ, thì bạn sẽ hiểu được. Thế xuất thế gian pháp đều không ra khỏi định luật của nhân quả báo ứng, Phật pháp cũng không thể ra khỏi. Cho nên, Ấn Quang Đại Sư dạy chúng ta: “Đôn luân tận phận, nhàn tà tồn thành”.
Tám chữ này quá tuyệt vời. Tám chữ này đầy đủ để giáo hóa tất cả chúng sanh chín ngàn năm thời Mạt Pháp của Thế Tôn, bất luận là tại gia hay xuất gia. Đây thật sự là tổng cương lĩnh, tổng nguyên tắc. “Đôn” có ý nghĩa là gì? Thành khẩn, chân thành. “Mục” là hòa mục. Dùng tâm chân thành của bản thân đối với mọi người, tất cả việc, tất cả vật, cùng với tất cả người, việc và vật sống chung hòa thuận, thì cả thế giới này vĩnh viễn sẽ không có xung đột, thế giới hòa bình, vũ trụ hòa bình, có thể thực tiễn, không phải là không thể thực tiễn. Thực tiễn ở chỗ nào? Thực tiễn từ chính bản thân của chúng ta. Bạn muốn tất cả mọi người đều có thể làm được, điều đó Phật Bồ Tát thần tiên cũng làm không được. Cho nên chỗ uyên bác nhất của Phật pháp, chúng ta khâm phục đến sát đất, đó là Phật pháp không mong cầu người khác, đối với người không yêu cầu, mà chỉ yêu cầu chính mình. Cách dạy bảo này cao siêu, thế xuất thế gian chúng tôi không tìm thấy được. Người nào là Phật Bồ Tát, người nào là thiện tri thức? Ngoại trừ ta ra, thì tất cả chúng sanh đều là chư Phật Như Lai, đều là Phật Bồ Tát, đều là thiện tri thức. Mỗi một người, việc của họ làm đều là dạy cho chúng ta. Điều thiện mà họ đã làm cùng với điều nói trong Kinh điển là như pháp, thì ta phải học theo họ, họ đã làm tấm gương cho chúng ta xem. Việc mà họ đã làm là bất thiện, đi ngược lại với điều này, họ đến nói với ta cái này không thể học. Đều là thầy của ta. Thiện có thiện báo, ác có ác báo, họ thị hiện cái quả báo đó cho chúng ta xem.
Lần trước tôi đi đến Hàng Châu. Hàng Châu chúng ta đều biết mộ của Nhạc Phi chôn ở Tây Hồ. Chúng tôi lúc còn nhỏ có đọc được ở trong sách, bức tượng đồng của hai vợ chồng Tần Cối đang quỳ trước mộ của Nhạc Phi. Mọi người đến trước mộ phần của Nhạc Vương cúi người lễ ba lễ, còn đối với bức tượng đồng này thì nhổ vào một bãi nước bọt, người ác. Vợ chồng của Tần Cối là thầy giáo của chúng ta, là thiện tri thức, họ quì ở chỗ đó là dạy cho chúng ta tuyệt đối đừng học theo họ, họ có phải là thầy giáo không? Nhạc Phi là dạy cho chúng ta mặt tốt, Tần Cối dạy cho chúng ta tránh điều xấu, cả hai đều là thầy giáo tốt. Lúc tôi còn trẻ, vẫn chưa có học Phật, tôi đã hiểu được đạo lí này. Có những đồng nghiệp cấp trên đang ngồi tán gẫu, nói đến Tần Cối, tôi nói với họ rằng Tần Cối hiện giờ đang ở trên trời hưởng phước. Mắt của họ trừng lên, con người ác độc này xuống địa ngục thì có, làm sao mà lên trời hưởng phước được? Tôi nói ông ấy đã làm một việc lớn như vậy, anh có biết hay không? Ông ta đã làm chuyện gì? Ngày ngày ông ta ở đó dạy cho mọi người đừng làm người gian, đừng có làm việc xấu, anh nghĩ xem ông ấy đã dạy được bao nhiêu người rồi, công đức này các anh làm sao mà có thể tính đếm được? Cho nên người thiện người ác, cảnh thuận cảnh nghịch, cái nào cũng đều là thiện tri thức, cái nào cũng là chỗ học của Bồ Tát, là Bồ Đề đạo tràng. Vấn đề là bạn biết hay không biết? Trí huệ của chúng ta mở ở chỗ nào? Đức hạnh của chúng ta xây dựng ở chỗ nào? Chính là ở những chỗ này. Chúng ta học được rồi, hàng ngày xem, hàng ngày nghe, ngày ngày tiếp xúc, học biết rồi. Người thiện thị hiện cho chúng ta học, chúng ta nhất định phải học cho tốt. Các hiện tượng ác thị hiện ra, chúng ta đều gọi họ là thị hiện, họ thật sự không phải là ác, họ thật sự là bản tánh thiện, họ chỉ là diễn kịch thôi, một bên là diễn vai thiện, một bên là diễn vai ác. Chúng ta dụng cái tâm này để nhìn thế gian này, để nhìn tất cả mọi người, thì tâm của chúng ta sẽ bình thôi. Chúng ta ở trong cảnh giới thời thời khắc khắc đều đang học hỏi. Họ đang biểu diễn, chúng ta không thể nói đây là người thiện, đây là người ác, không nên có cái tâm phân biệt này. Tâm của chúng ta là bình đẳng, đều là người tốt, đều là Phật, đều là Bồ Tát. Giống như diễn kịch vậy, họ đến biểu diễn, diễn cho mỗi một mình ta xem, độ cho mỗi mình ta, chỉ mỗi mình ta là học trò, cả thảy đều là lão sư. Không những các vị này là lão sư, mà núi sông đất đai, cây cỏ hoa lá, hữu tình và vô tình cả thảy đều là lão sư, sáu trần thuyết pháp.
Thế gian này của chúng ta cùng với Thế giới Cực Lạc có gì khác nhau? Không khác nhau, vấn đề là do bạn có biết hay không biết? Bạn có thể ở trong cảnh giới đó mà sanh tâm hoan hỉ, thường sanh trí huệ, không sanh phiền não, con đường bạn đi là Bồ Tát đạo. Gặp được thiện duyên, cảnh giới tốt thì sanh tâm hoan hỉ, trong tâm hoan hỉ thì sanh tham luyến, phiền não sẽ khởi lên, bạn bị đọa lạc rồi. Ở trong nghịch cảnh ác duyên, bạn sanh tâm sân nhuế, không vui vẻ, bạn lại đọa lạc rồi. Bất luận là ở cảnh duyên nào, đường bạn đi là tam đồ ác đạo, bạn sai rồi. Cảnh giới ở bên ngoài không có thiện ác, vấn đề là bạn có biết hay không. Người mà biết được thì đi theo đạo Bồ Đề, niệm niệm thành tựu trí huệ, thành tựu đức hạnh, thành tựu tướng hảo. Người mà không biết, bất luận ở cảnh giới nào bạn cũng sanh phiền não, đường bạn đi là địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, bạn đi con đường này. Đây là tham sân si. Chư vị nhất định phải nhớ kỹ, tham là đường ngạ quỷ, sân là đường địa ngục, ngu si là đường súc sanh, làm sao mà bạn có thể đi con đường này được chứ? Trái ngược với tham sân si chính là giới định tuệ. Giới định tuệ là Bồ Đề đạo, con đường thành đạo. Đều ở chỗ chúng ta có biết hay không. Cho nên, đừng có chọn sai đường.
(Trích: Kinh Vô Lượng Thọ giảng lần thứ 10, tập 269)