Đọc Kinh phải có thời gian nhất định. Nếu công việc quá bận rộn, quý vị tìm thời gian rảnh rỗi, dùng thời gian ấy để đọc Kinh. Nếu trong gia đình quý vị, nay quý vị là một người đã học Phật, nhưng người trong nhà vẫn chưa hiểu Phật pháp, vẫn chưa học Phật, mỗi ngày quý vị niệm Kinh, người trong nhà trông thấy chẳng hoan hỷ, lúc đó phải tu như thế nào? Kinh chẳng thể không đọc, lại chẳng muốn bị người khác chán ghét, tự độ, độ tha mà! Vậy thì ta tự hỏi, vì sao khi ta đọc báo, người trong nhà chẳng chán ghét quý vị? Lúc quý vị xem tiểu thuyết, người nhà cũng chẳng chán ghét quý vị? Vì sao hễ quý vị niệm Kinh, người nhà bèn chán ghét? Vì quý vị niệm Kinh đọc ra tiếng, họ nghe thấy, bực bội! Quý vị đọc báo chẳng có âm thanh, xem tiểu thuyết cũng chẳng có âm thanh, ta bèn hiểu rõ, lúc đọc Kinh bèn giống như cách đọc tiểu thuyết, đừng phát ra tiếng, phải hiểu đạo lý này.
Vì sao? Thông thường, chẳng có một ai không thích hoàn cảnh yên tĩnh, sợ ồn ào. Nhất là ở ngoại quốc, nếu tiểu Phật đường của chúng ta tạo dựng trong khu dân cư, quý vị gõ mõ, đánh dẫn khánh ở đó, hàng xóm sát vách sẽ gọi điện thoại tới sở cảnh sát. Khi đó, cảnh sát tới ngay: “Trong nhà quý vị đang làm chuyện gì vậy? Làm phiền hàng xóm là không được rồi!” Vì thế, học Phật, điều khẩn yếu nhất là gia đình hòa thuận, cả nhà vui vẻ, đừng khiến cho kẻ khác chán ghét, điều này hết sức trọng yếu. Sau khi đã học Phật, phải vận dụng những điều Phật đã giáo huấn vào gia đình, chẳng thể nói chúng ta học Phật, rất nhiều lễ tiết và nghi thức trong Phật môn, trong Phật đường mọi người đều biết, nhưng về nhà bèn quên sạch. Nhất định phải đem những thứ trong Phật đường, Phật đường là lớp học, phải đem những thứ đã học trong lớp về nhà. Đem về đến nhà, đem vào cuộc sống, biết dùng trong cuộc sống, đó là dạy quý vị phải Giác, phải Chánh, tư tưởng lẫn kiến giải đều phải chính xác.
Trích từ bài giảng A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa tập 140 do pháp sư Tịnh Không chủ giảng.