Hòa Thượng Tịnh Không, Lời dạy của đức phật

Dạy người tiếc phước

Biết tiếc phước - đó cũng là cách để sống lâu!
Ấn Quang Đại sư cả đời dạy người tiếc phước. Bất luận là gặp người nào thì Ngài cũng thường hay nhắc nhở. Khi ăn cơm thì ăn hết thật sạch sẽ, một hột cơm cũng không bỏ thừa, không lãng phí, đó là tiếc phước. Khi mình ăn cơm thì phải nghĩ đến người khác, trong thiên hạ vẫn còn biết bao nhiêu người hoạn nạn không có cơm ăn. Mặc áo thì mặc cho sạch sẽ, gọn gàng chỉnh tề, đó là tiếc phước. Quần áo mặc bị rách rồi thì cũng không sao, có thể vá lại. Hễ giặt sạch sẽ, có thể che thân, có thể giữ ấm cơ thể là được rồi. Trong thế gian chúng sanh khổ nạn không có quần áo để mặc vẫn còn rất nhiều, niệm niệm đều nghĩ đến hết thảy chúng sanh. Hơn nữa còn tận tâm tận lực giúp đỡ hết thảy chúng sanh. Thường hay giữ cái tâm như vậy là tâm thiện. Trong đời sống hằng ngày không thể không lưu ý.
Người chân thật tu hành thì một mảnh giấy cũng không được lãng phí, vật chất có được là không dễ dàng. Tuy rằng ngày nay khoa học kỹ thuật phát triển nhưng vẫn phải kiêng dè, không được lãng phí, có thể tiết kiệm được thì tận hết khả năng mà tiết kiệm. Bạn sẽ có dư phước hưởng không hết. Nếu mặc tình lãng phí thì chẳng bao lâu bạn sẽ hưởng hết phước báo của bạn. Sau khi hưởng hết phước báo mà vẫn còn thọ mạng thì bạn cũng phải chết. Vì sao vậy? Vì phước đã hết rồi. Lộc hết thì người chết. Giả sử bạn có thọ mạng 100 năm nhưng mới 60 tuổi mà bạn đã hưởng hết phước báo rồi, vậy thì bạn phải chết lúc 60 tuổi. Nếu như bạn có thọ mạng là 60 tuổi, bạn cả một đời tiếc phước, khi đủ 60 tuổi mà phước báo của bạn vẫn chưa hưởng hết thì thọ mạng của bạn sẽ được kéo dài cho đến khi hưởng hết phước báo.
Thật ra mà nói, người hiện nay cái mà họ hưởng thụ đó đều là dư phước của đời trước. Trong đời này họ chỉ hưởng phước, họ không tu phước. Người thế gian hiện nay chẳng mấy ai coi trọng cái đạo lý này, nói với họ chưa chắc họ chịu tin. Người học Phật thường thường tiếp xúc với kinh giáo của Thánh nhân, cơ hội được nghe chân tướng sự thật của những lý luận này tương đối nhiều. Vì sao họ không chuyển đổi lại được? Vì họ bị ảnh hưởng của hoàn cảnh xã hội, đại đa số mọi người không tin, cho rằng những gì Phật Bồ-tát nói chưa chắc là thật. Chúng ta thấy có rất nhiều người mang theo thái độ hoài nghi để học Phật. Tuy họ nghe được rõ ràng, minh bạch rồi nhưng khi cảnh giới hiện tiền thì họ vẫn thuận theo cảnh giới mà bị xoay chuyển, không thể quay đầu trở lại. Phật thường nói “quay đầu là bờ”. Họ không thể quay đầu lại cho nên “tuổi thọ hết thì phải chết”. Sau khi họ chết rồi vẫn còn dư ương. Cái dư ương này là trầm luân trong địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh tam ác đạo. Ác đạo vào thì dễ mà ra thì rất khó.
Trích; Thái Thượng Cảm Ứng Thiên (Tập 7)
Hòa Thượng Tịnh Không giảng
Được gắn thẻ ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *