Hòa Thượng Tịnh Không, Lời dạy của đức phật

Đắc đà-la-ni sẽ nắm được tổng cương lãnh thuyết pháp của hết thảy chư Phật

Tượng Đức Phật
Chúng ta xem đoạn tiếp theo, tức là đoạn Tổng Trì. Tổng Trì là đà-la-ni, tiếng Phạn là Đà-la-ni, dịch sang nghĩa tiếng Hán là Tổng Trì, [hàm ý] bao gồm hết thảy các pháp, nắm giữ hết thảy các nghĩa. Nếu nói thông thường, quý vị nắm được tổng cương lãnh, tổng nguyên tắc, bèn gọi là Tổng Trì. “Cụ túc giả, sở cụ mãn túc, cái vân nhất thiết đà-la-ni môn vô sở bất cụ dã” (“cụ túc” là đầy đủ, trọn vẹn, ý nói: Hết thảy các đà-la-ni, không môn nào chẳng đầy đủ). Tôn giả A Nan đắc Văn Trì đà-la-ni, đắc pháp môn Tổng Trì này, đối với hết thảy các kinh do đức Phật đã nói, dẫu Ngài chưa nghe, nhưng vừa tiếp xúc đều hoàn toàn thông đạt, hiểu rõ. Từ Lục Tổ Đàn Kinh, chúng ta cũng thấy, khi Huệ Năng đại sư khai ngộ cũng đạt được [Tổng Trì]. Chúng ta biết: Huệ Năng đại sư chưa từng đi học, không biết chữ, hai mươi bốn tuổi khai ngộ, hòa thượng Ngũ Tổ Nhẫn bèn truyền y bát cho Ngài. Vì sao chúng ta biết Ngài đắc đà-la-ni? Từ những ghi chép trong Đàn Kinh, chúng ta có thể thấy. Khi Ngài lánh nạn, trên đường qua thôn Tào Hầu, gặp tỳ-kheo-ni Vô Tận Tạng. Đó là lúc Ngài vừa mới nhận được y bát, Ngài bèn trốn đi, giữa đường gặp tỳ-kheo-ni Vô Tận Tạng. Vị tỳ-kheo-ni này thọ trì kinh Đại Niết Bàn, cũng là hằng ngày đọc tụng, thâm nhập một môn, huân tu lâu dài! Cổ nhân khó có; vì thế, người hiện thời chẳng bằng cổ nhân, từ chỗ này, ta thấy được thiện căn của cổ nhân, ni sư thật sự hành! Kinh Đại Niết Bàn phân lượng rất lớn, hiện thời từ Đại Tạng Kinh, quý vị có thể thấy kinh ấy có hai bản dịch, một bản gồm ba mươi sáu cuốn, bản kia gồm bốn mươi cuốn. Do vậy, kinh rất dài, nhưng bà ta niệm hằng ngày. Thuở ấy, Huệ Năng đại sư mang thân phận cư sĩ, chưa xuất gia, người bên ngoài đều chẳng nhận biết Ngài. Ni sư niệm kinh ở đó, Ngài ở bên cạnh nghe. Sau khi niệm một đoạn, bà ta ngừng lại, Huệ Năng đại sư liền giảng cho tỳ-kheo-ni Vô Tận Tạng đại ý của đoạn kinh văn Ngài vừa nghe niệm. Bà ta nghe xong, hết sức kinh ngạc, Ngài giảng hay quá, bèn cầm kinh bổn hướng về Ngài thỉnh giáo. Huệ Năng đại sư nói: “Ta không biết chữ”. Bà ta hỏi: “Ngài không biết chữ, vì sao giảng hay dường ấy?” Ngài đáp: “Chuyện này chẳng liên quan đến biết chữ hay không biết chữ”. Đắc đà-la-ni, sẽ nắm được tổng cương lãnh thuyết pháp của hết thảy chư Phật, nên bất luận kinh giáo gì, Ngài vừa nghe liền hiểu toàn bộ. Không chỉ là hiểu Phật pháp, mà pháp thế gian thứ gì cũng đều hiểu rõ, chẳng có gì Ngài không hiểu. Vì đó là tự tánh của quý vị, trí huệ Bát Nhã trong tự tánh của quý vị khởi tác dụng, đạo lý là như vậy đó!
Pháp môn Đại Tổng Trì, hết thảy chúng sanh ai nấy đều có. Chỉ vì chúng ta đang mê, cũng có thể nói là lục căn của chúng ta tiếp xúc cảnh giới sáu trần, lập tức tiếp theo sẽ là khởi tâm động niệm, phân biệt, chấp trước, cùng nhau dấy lên. Vì vậy, trí huệ và đức tướng trong tự tánh đều không thể hiện tiền. Trong kinh Đại Thừa, đức Phật đã giảng rất rõ ràng, rất dễ hiểu, phàm phu thành Phật phải mất bao lâu? Trong một niệm! Một niệm giác, phàm phu bèn thành Phật. Một niệm mê, quý vị bèn thành phàm phu, chuyện là như vậy đấy! Giác là gì? Buông xuống liền giác. Buông khởi tâm động niệm, phân biệt, chấp trước xuống liền giác, quý vị và hết thảy chư Phật chẳng khác gì nhau! Vì sao không chịu buông xuống? Chúng ta thường nói là “nghiệp chướng”, phiền não tập khí quá nặng! Câu nói ấy đúng lắm, nghe hợp lý! Chúng ta mê đã lâu, mê quá sâu, đức Phật chỉ điểm rạch ròi, nhưng chúng ta chẳng có năng lực quay đầu. Muốn quay đầu, nhưng không quay về được!
TỊNH ĐỘ ĐẠI KINH GIẢI DIỄN NGHĨA TẬP 123
PHÁP SƯ TỊNH KHÔNG
Được gắn thẻ , , , ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *