Hòa Thượng Tịnh Không, Lời dạy của đức phật

Côn trùng thảo mộc, do bất khả thương

HT Tịnh Không
Cảm Ứng Thiên, câu thứ hai mươi ba: “Côn trùng thảo mộc, do bất khả thương”.
Hai câu nói này chính là nói yêu thương tất cả mọi vật, từ bi bình đẳng. “Côn” có nghĩa là nhiều, cũng chính là nói tất cả những loài côn trùng bò sát lớn nhỏ. Động vật nhỏ còn không muốn làm tổn hại, huống chi động vật lớn, đây là thật sự nuôi dưỡng tâm từ bi của chúng ta. Trong ba loại bố thí thì đây là thuộc về bố thí vô úy. Quả báo của bố thí vô úy là khỏe mạnh, trường thọ. Người Trung Quốc nói trong ngũ phúc có hai loại quả báo này. Cho nên chúng ta nhìn thấy “quả” thì phải biết tu “nhân” như thế nào. Người thật sự chịu tu nhân, về sau nhất định sẽ có quả báo tốt. Nhân duyên quả báo không mảy may sai chạy.
Bộ sách “Cảm ứng Thiên” này đều là khuyên người tu nhân thiện, đoạn duyên ác. Vô lượng kiếp đến nay, chúng ta khởi tâm động niệm, mọi thứ tạo tác, nói thật ra là thiện ít, ác nhiều. Ở trong Kinh luận, Phật nói với chúng ta phiền não là đứng đầu, trong “Bách Pháp Minh Môn Luận” quy nạp lại nói, có 26 loại phiền não lớn, chỉ có 11 loại thiện pháp, chứng tỏ tập khí ác của chúng ta quả thật nghiêm trọng hơn so với tập khí thiện rất nhiều. Đối với động vật nhỏ như muỗi, kiến, khi nhìn thấy, chúng ta đã vô ý giết hại chúng hoàn toàn không có lý do. Nguyên nhân gì vậy? Do tập khí ác. Cho nên thánh nhân thế xuất thế gian dạy chúng ta bồi dưỡng tâm từ bi, bắt đầu bồi dưỡng từ đâu vậy? Yêu quý mạng sống của động vật nhỏ.
Người học Phật biết, chúng cũng là một thân mạng. Cái thân mà chúng đang thọ là do nghiệp bất thiện của chúng trong đời quá khứ, nên chúng mới thọ cái thân nhỏ như vậy. Chúng ta trong đời quá khứ, không biết bao nhiêu lần thọ thân giống như chúng vậy. Thân tướng những động vật nhỏ hơn nữa, chúng vẫn có một thần thức thì làm sao có thể sát hại chúng được? Không những không được sát hại, mà khiến chúng sinh phiền não thì chúng ta cũng có lỗi lầm. Ngay cả động vật nhỏ này cũng có thức, thì sao có thể dùng tâm ác đối với người ta? Phật nói cho chúng ta biết, động vật càng nhỏ thì càng đần độn, ngu si; động vật lớn thì tánh linh cao một chút, cũng chính là tương đối thông minh một chút. Đây là cách nói thông thường, nhưng trên thực tế, nếu chúng ta tư duy thật kỹ, cách nói này rất khó đứng vững được. Bởi vì chúng ta quan sát thấy kiến cũng rất thông minh, tổ chức xã hội của chúng rất chặt chẽ, có kiến chúa, chúng cũng biết phân công, có thể thấy, chúng hoàn toàn không phải rất ngu xuẩn. Những côn trùng biết bay như ong mật, chúng cũng có tổ chức, có xã hội của chúng, sao có thể nói chúng hoàn toàn là ngu si?
Những chân tướng sự thật này, chúng ta hãy quan sát thật kỹ. Các nhà động vật học trên thế giới chuyên nghiên cứu động vật, sự quan sát của họ tinh tế, tỉ mỉ hơn người bình thường, họ nghiên cứu động thái đời sống của chúng, từ trong động thái đời sống có thể thể hội được tâm cảnh của chúng. Cho nên nhất định không nên cho rằng giết chúng có lẽ chẳng có quan hệ gì, chúng rất ngu si, không biết trả thù. Ý nghĩ này của chúng ta là sai rồi. Trong sách xưa có ghi chép, một bạn nhỏ cứu đàn kiến khi bị nước nhấn chìm, đem đàn kiến này lên bờ, kiến biết báo ơn. Qua đó có thể thấy được, chúng có tánh linh. Chúng ta từ chỗ này liền có thể thể hội được, chúng biết báo ơn, nếu bạn giết hại chúng thì chúng cũng biết báo oán.
Động vật nhỏ như vậy đều có tánh linh, đều biết báo ơn, báo oán, huống chi là động vật lớn? Cho nên Phật ở trong “Kinh Lăng Nghiêm” khuyên mọi người không nên ăn thịt chúng sanh. Trong Kinh Phật lại nói rất rõ ràng, nguồn gốc chiến tranh của thế gian chính là ăn thịt chúng sanh, oan oan tương báo, không bao giờ dứt. Nhưng mà ngày nay người thế gian, ai tin những lời này? Chúng ta khuyên người khác, người ta nói chúng ta là mê tín, họ châm biếm chúng ta, vậy còn cách gì bây giờ! Thế Tôn năm xưa còn tại thế, phương thức sống là đi bát. Đi bát thì không nên tạo thêm phiền phức cho người ta. Nói thực ra, Thế Tôn cả đời đều không muốn thêm một mảy may phiền phức nào cho người khác. Chúng ta nhìn thấy trong Kinh, tất cả tùy duyên, hằng thuận chúng sanh, tùy hỷ công đức.
Cho nên đi bát người ta cho cái gì thì ăn cái nấy, quyết định không có phân biệt, không có chấp trước. Cho nên người ta cho thịt thì ăn thịt, cho cái gì ăn cái nấy, quyết không phải đề xướng ăn thịt. Chúng ta phải hiểu rõ đạo lý này, đó là “Từ bi làm gốc, phương tiện làm cửa”, không cần phải bảo người ta làm riêng đồ chay cho người xuất gia, vậy thì thêm một lần phiền phức, đạo lý là như vậy. Trong “Kinh Lăng Nghiêm” khuyên người ăn chay. Khi Lương Vũ Đế đọc đến Kinh văn này thì cảm động rất sâu, bản thân ông liền ăn chay trường. Ông là hộ pháp lớn của cửa Phật, toàn tâm toàn lực hộ trì Phật pháp, cho nên bản thân ông ăn chay trường, ông cũng khuyên bảo người xuất gia nên ăn chay trường, cho nên Phật giáo Trung Quốc ăn chay là do Lương Vũ Đế đề xướng. Đề xướng này là chính xác, thuận theo lời dạy của Phật Đà. Chúng ta biết, Phật giáo trên toàn thế giới, chỉ có Phật giáo Trung Quốc là ăn chay, Phật giáo nơi khác đều không có ăn chay. Đây là thuận theo lời giáo giới của Phật. Chúng ta phải thể hội được.
Dù cho động vật nhỏ đi nữa, chúng cũng hoàn toàn giống như một con người, chúng bất hạnh luân hồi với cái thân tướng như vậy. Chúng ta nhất định không được xem chúng nhỏ yếu mà ức hiếp chúng, đó là ý nghĩ sai lầm, hành động sai lầm. Ở trong chú giải nói rất rõ ràng, không những những động vật nhỏ này có linh tánh mà chúng cũng có Phật tánh. Phật ở trong Kinh nói: “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh”. Đã có Phật tánh thì đều được xem là Phật, chúng ta sao có thể hại Phật, sao có thể giết Phật chứ? Bản thân chúng ta tu hành muốn thành Phật, mà còn muốn đi hại Phật, giết Phật, vậy chúng ta làm sao có thể thành Phật được? Cho nên Phật chế định giới luật, điều thứ nhất là “không sát sanh”, ý nghĩa này quá sâu, quá rộng. Nếu như không đọc tụng Đại thừa, không hiểu sau nghĩa thú thì giới điều “không sát sanh” này rất khó thể hội. Thật sự làm được “không sát sanh”, thử hỏi xem những động vật nhỏ này có còn làm tổn thương bạn không? Không còn! Có thể thấy chúng có trí tuệ, có thể lựa chọn.
Trong “Cao Tăng Truyện”, quí vị biết Ấn Quang Đại Sư ở thời cận đại, động vật nhỏ không làm tổn thương Ngài. Bất kể Ngài đến nơi nào, căn phòng Ngài ở, bạn đi tìm muỗi, ruồi, bọ nhẩy, kiến, một con cũng không thể tìm ra được. Bình thường thì rất nhiều, khi Ngài vừa đến nơi đó ở là không còn nữa, những động vật nhỏ này dời nhà rồi, nhà Phật nói là dời đơn. Tại sao Lão pháp sư có thể có cảm ứng như vậy, còn chúng ta không có? Đây là điều đáng để chúng ta suy nghĩ kỹ, chúng ta cần suy nghĩ nhiều. Đây là đạo lý gì vậy? Chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, từ bi. Tâm chân thành thì trên có thể cảm động chư Phật Bồ Tát, dưới có thể cảm động trời đất quỷ thần. Ngay cả quỷ thần ở cõi ngạ quỷ cũng có thể cảm động, huống chi những động vật nhỏ của đường súc sanh này, đều nhận được cảm động. Đây là điều chúng ta cần phải biết.
(Trích: Thái Thượng Cảm Ứng Thiên giảng giải, tập 32)
Được gắn thẻ , ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *