Hòa Thượng Tịnh Không, Lời dạy của đức phật

Con người với súc sanh cầm thú khác nhau ở chỗ con người có trí tuệ

Nhờ xây cầu yểu mạng thành thọ mạng không con sanh được con
Cổ Thánh tiên Hiền bất luận là giáo học của thế pháp hay Phật pháp, trước tiên chính là dạy chúng ta có năng lực phân biệt cái gì là thật, cái gì là giả, cái gì là tà, cái gì là chánh, cái gì là phải, cái gì là quấy, cái gì là thiện, cái gì là ác, thậm chí đến cái gì là lợi, cái gì là hại. Nếu như đối với những thứ này không có năng lực phân biệt, đó chính là ngu muội đến tột đỉnh. Người xưa thường nói, con người với súc sanh cầm thú khác nhau ở chỗ con người có trí tuệ, có thể phân biệt, còn súc sanh thì không thể phân biệt những việc này.
Trong chú giải viết rất hay. Đoạn này số lượng tuy không nhiều, thế nhưng rất quan trọng. “Người quân tử chân chính có đủ đạo đức nhân nghĩa thì có đủ trí tuệ, phân biệt được tốt xấu, nhận định đúng đắn về thị phi đúng sai”. Mấy câu nói này rất là quan trọng. Người đi học ở thế gian, người đi học thời trước không phải là để cầu lấy công danh, mà “đi học chí ở Thánh Hiền”, đi học là vì muốn làm Thánh nhân, làm Hiền nhân, làm quân tử. Đây là mục đích đi học của chúng ta. Thánh Hiền, quân tử là ý nghĩa gì? Định nghĩa của chữ “Thánh” này là, đối với chân tướng vũ trụ nhân sanh triệt để tường tận, giác ngộ rồi, con người này gọi là Thánh nhân. Tường tận chưa đủ thấu triệt, chưa đủ triệt để thì chính là Hiền nhân quân tử. Hay nói cách khác, đi học chính là vì để rõ lý, rõ lý thì có thể phân biệt đúng sai tà chánh, không nhất định phải làm quan. Người chân thật tường tận đạo lý, người thấu hiểu đúng sai, bất luận trải qua đời sống như thế nào, cho dù là làm ăn xin, họ cũng là Thánh nhân, họ cũng có được sự hưởng thụ được cao nhất của đời người. Đây là chân thật, không phải là giả. Thích-ca Mâu-ni Phật thị hiện ra chính là người ăn xin, mỗi ngày ra ngoài xin ăn, đi ngang cửa nhà người khất thực. Ngài là đại Thánh, đời sống của Ngài chân thật tràn đầy hạnh phúc, người thế gian chúng ta làm gì hiểu được? Người thế gian ngu si, không có trí huệ, không thể phân biệt đúng sai tà chánh, cho nên người thế gian mê hoặc trong danh lợi, mê ở trong năm dục sáu trần. Trong Kinh Phật nói không sai, họ tiếp nhận là “khổ, lạc, ưu, hỉ”, thân có khổ vui, tâm có mừng lo. Khổ nhiều vui ít, lo nhiều mừng ít, đây là đời sống của chúng sanh. Đời sống của Thánh Hiền quân tử là thân không có khổ vui, tâm không có lo mừng, đó gọi là đại lạc, gọi là chân lạc, trong Kinh Phật chúng ta gọi là Cực Lạc. Ai có thể thể hội được? Những Thánh Hiền quân tử giáo hóa chúng sanh ở thế gian, thân phận của các Ngài, phương thức của các Ngài ngàn vạn khác biệt.
Ở Trung Quốc, ngày trước chúng ta đi học có biết đến Vũ Huấn, đó là một người ăn mày, là một Thánh nhân. Ông dùng thân phận của người ăn mày để giáo hóa chúng sanh, dạy bảo thế nhân đoạn ác tu thiện, dạy bảo thế nhân phải tiếp nhận giáo huấn của Thánh Hiền. Cho nên, trong câu nói: “Người quân tử chân chính có đủ đạo đức nhân nghĩa”, xã hội có thể an định, có thể phồn vinh, chúng sanh có thể hòa thuận cùng sinh sống với nhau, có thể tôn trọng lẫn nhau, kính yêu lẫn nhau, hợp tác lẫn nhau, trong đây then chốt thiết yếu chính là nhân nghĩa đạo đức. Ai đến dạy, ai làm ra mô phạm? Thánh Hiền nhân đến dạy, quân tử phải làm tấm gương, làm mô phạm, hay nói cách khác, phải đề xướng nhân nghĩa.
TÔN SƯ TỊNH KHÔNG CHỦ GIẢNG TRÍCH THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN,TẬP 60
Được gắn thẻ , , ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *