Chư Phật Bồ Tát nhất định ủng hộ sự hòa thuận của gia đình, tương thân tương ái, hợp tác giúp đỡ lẫn nhau, thành tựu việc tốt của người chứ không thành tựu việc ác của người. Bất luận là tôn giáo nào đều vô cùng xem trọng gia đình. Phật pháp dạy chúng ta khoa mục căn bản để tu hành chính là “hiếu thân tôn sư”. Hầu như tất cả các vị Thánh Hiền trong các tôn giáo khi dạy người đều không ngoại lệ, đều bắt đầu dạy từ hiếu kính. Nhà Phật nói “hiếu thân tôn sư”, đã đưa hiếu thân đặt ở vị trí đầu tiên, đặt tôn sư ở vị trí thứ hai. Các tôn giáo khác đặt phụng thờ Thánh Thần ở vị trí đầu tiên, còn hiếu thân lại đặt ở vị trí thứ hai, không có tôn giáo nào là không coi trọng điều này. Đây chính là điểm khác biệt giữa đạo Phật và các tôn giáo khác.
Phật pháp là sư đạo, sư đạo nhất định phải được xây dựng trên nền tảng của hiếu đạo, nếu không có hiếu, không có hiếu thảo cha mẹ thì sẽ không thể có sự tôn kính sư trưởng. Điều này rất hợp logic. Chúng ta thường nói là “hợp với đạo trời, hợp với lòng người”. Thế nhưng trong các tôn giáo khác thường phụng thờ một vị Thánh Thần, khẳng định vạn vật do Thần tạo ra, Thần thống trị tất cả mọi thứ, do vậy họ đặt sự kính ngưỡng Thần Thánh lên vị trí hàng đầu, hết thảy đều nương nhờ vào Thần Thánh. Điều này trong Phật pháp gọi là “pháp môn tha lực”. Sự tu hành chứng quả của Phật pháp là dựa vào tự lực, không dựa vào tha lực, duy chỉ có độc nhất trong Tịnh tông và Mật tông thì có pháp môn nhị lực. Nhị lực tức là dựa vào chính mình và dựa vào tha lực. Tuy gọi là nhị lực nhưng trong nhị lực thì vẫn lấy tự lực làm đầu. Điều này so với các tôn giáo khác thì quan niệm không tương đồng. Đó chính là bản thân phải chăm chỉ nỗ lực tu hành như lý như pháp thì mới được oai thần của Phật Bồ Tát gia trì. Nếu bản thân bạn không chịu dụng công mà muốn được oai thần của Phật Bồ Tát gia trì là không thể có. Điều này chúng ta hiện tại suy nghĩ kỹ càng thấy hợp tình hợp lý.
Bản thân chúng ta có một phần công phu thì Phật sẽ gia trì cho chúng ta một phần, chúng ta có hai phần công phu thì Phật sẽ gia trì hai phần, chúng ta có mười phần công phu thì sự gia trì của Phật sẽ là mười phần. Điều này thực sự là hợp tình, hợp lý, hợp pháp chứ không hoàn toàn dựa dẫm vào Thần Thánh. Ân huệ lớn nhất của Phật Bồ Tát đối với chúng ta chính là giáo huấn, dạy dỗ chúng ta. Ví dụ người thế gian mong cầu tài phú, Đức Phật dạy chúng ta cách thức phát tài, cũng là nói nếu bạn muốn có được tài phú thì Đức Phật dạy cho bạn đạo lý của việc đạt được và đạo lý khiến bạn không thể đạt được, tất cả đều nói rõ cho bạn nghe. Khi thông đạt rõ ràng lý luận này rồi thì trong cuộc sống thường ngày bạn mới chịu chăm chỉ nỗ lực học tập, tu phước và quả báo sẽ hiện tiền. Vì vậy có câu “trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu”, nếu bạn muốn bội thu thì Đức Phật dạy bạn làm thế nào để gieo trồng, bạn sẽ có mùa bội thu.
Đức Phật dạy cho chúng ta chính là như vậy. Trong các tôn giáo thông thường hay nói hoàn toàn dựa vào sự ban tặng của Thánh Thần. Chỉ e là họ hiểu sai ý của Thánh Thần, kỳ thực ý nghĩa việc ban tặng của Thánh Thần cùng với ý nghĩa chân thật mà Phật pháp nói đến là tương đồng. Ở đây chỉ sợ họ hiểu sai ý nghĩa thôi, cho rằng bản thân có thể không cần chăm chỉ, hoàn toàn dựa vào sự ban tặng của Thánh Thần. Tất cả đều nương nhờ vào Thánh Thần, vậy thì đây sẽ là cuộc sống như thế nào? Là sống nhờ vào sự cứu tế qua ngày. Những nhu cầu trong cuộc sống hằng ngày chúng ta đều nhờ vào sự cứu tế của người khác. Còn Đức Phật dạy chúng ta làm thế nào để sinh sống, để sản xuất. Ý nghĩa lời dạy của cổ Thánh tiên Hiền đều không sai, chỉ sợ bản thân chúng ta hiểu sai.
Chúng ta thấy rất nhiều tín đồ của nhiều tôn giáo đã hiểu sai ý của Thánh Thần, chúng ta tự quay đầu nhìn lại, trong nhà Phật cũng có rất nhiều người hiểu sai ý của Phật Bồ Tát. Nguyên nhân này ở đâu vậy? Trong đại kinh đại luận nói: “Nếu không có người giảng giải Phật pháp thì tuy có trí nhưng vẫn không thể hiểu.”. Vấn đề là ở chỗ không có người dạy học. Khi chúng ta đọc kinh thường hay dựa vào tri kiến của phàm phu, dựa vào cách nghĩ của bản thân nên thường hiểu sai, hiểu lệch ý nghĩa của kinh điển. Vì vậy Đức Phật mới nói “Phật pháp vô nhân thuyết, tuy trí mạc năng giải”, đạo lý là ở chỗ này.
– HT. Tịnh Không, Thái Thượng Cảm Ứng Thiên, tập 19, Vọng Tây cư sĩ dịch.