Như trong Kinh Bát Nhã nói: “Chiếu kiến ngũ uẩn giai không”. Chiếu kiến, ngày nay chúng ta không thấy ngũ uẩn giai không, vì sao vậy? Vì chúng ta dùng phân biệt thấy, chứ không phải chiếu kiến. Chúng ta là vọng tưởng thấy, cho nên không thấy được tướng chân thật của ngũ uẩn. Đây là chúng ta không khai ngộ, không thể kiến tánh, gốc của bệnh là đây. Đây là nói đến cương lĩnh tu học của nhất thừa liễu nghĩa.
Pháp môn của Bồ Tát Quan Âm, sở dĩ có thể khế hợp với căn tánh chúng sanh ở cõi Ta bà. Bồ Tát Văn Thù nói rất hay: “Ta bà chân giáo thể, thanh tịnh tại âm văn”. Chúng sanh ở thế giới Ta bà, không phải nói thiểu số, mà nói đại đa số nhĩ căn sắc bén nhất. Quý vị bảo họ nhìn, họ nhìn không rõ ràng, nhưng họ có thể nghe rõ ràng, nhĩ căn sắc bén nhất.
Phương pháp tu hành của Bồ Tát Quán Thế Âm, chính là ngài dùng nhĩ căn. Chúng sanh ở thế giới Ta bà nhĩ căn sắc bén nhất, đúng tương ưng với ngài, đây nghĩa là viên ứng. Nhưng phương pháp ngài Quán Thế Âm dùng, không giống chúng ta. Chúng ta dùng nhĩ thức để nghe âm thanh, vì thế mê hoặc điên đảo. Bồ Tát Quán Thế Âm dùng tánh nghe, dùng tánh nghe gọi là quán chiếu. Thức là mê, quán là ngộ, vì thế trong này có mê ngộ không đồng.
Ở đây chúng ta nói rõ về ý nghĩa của văn, quý vị thấy người xưa tạo chữ viết. Chữ văn, trong chữ môn là chữ nhĩ, quý vị thử suy nghĩ nghĩa này, lỗ tai giống như cánh cửa vậy. Âm thanh vào đến lỗ tai, đây gọi là văn. Cho thấy, ý nghĩa chủ yếu của văn, là nhĩ căn tiếp xúc với thanh trần, tiếp xúc âm thanh, đây gọi là văn, là nói về tiếp xúc.
Chúng ta nói về nghe, nghe là gì? Nghe chính là nhĩ thức, nhĩ thức khởi tác dụng. Tuy nghe rõ ràng, thức là mê ám, mê vào trong thanh trần. Chỉ biết sự của nó, không đạt lý của nó, đây là phàm phu. Bồ Tát không như vậy, nhĩ căn của Bồ Tát vừa tiếp xúc âm thanh, nghe này như thế nào? Ngài không dùng nhĩ thức, ngài dùng tánh nghe. Dùng tánh nghe nghe tất cả âm thanh, không những là mọi sự thông đạt, tuyệt đối không có sai lầm, mà còn đạt lý. Lý là gì? Lý là hết thảy lý thể của muôn sự muôn vật. Tuy có ở phương diện sự tướng, nhưng về lý thể là thanh tịnh tịch diệt. Cho nên vừa tiếp xúc, ngài lập tức thấu triệt tánh tướng không hai, tánh tướng nhất như. Nếu chúng ta nói từ phương diện sắc tướng, tướng và vô tướng không hai. Từ âm thanh mà nói, có thanh và vô thanh không hai. Do đó, ngài thấu triệt hoàn toàn, trong tất cả cảnh giới tuyệt đối không chấp thủ.
_()_Hoan nghênh chia sẻ, rộng kết pháp duyên _()_
_()_Xin Thường Niệm: Nam Mô A Di Đà Phật
Kinh Thủ Lăng Nghiêm Quán Thế Âm Bồ Tát Nhĩ Căn Viên Thông Chương – Tập 1 – Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư )