Ấn Quang Đại Sư, Lời dạy của đức phật

Các phương pháp niệm Phật (cơ bản và dễ hành) – Đại sư Ấn Quang khai thị

Ấn Quang đại sư

Hữu tình phàm phu nghe nói pháp môn Tịnh Ðộ này thì hãy nên tin Sa Bà rất khổ, Tây Phương cực vui, phải tin rằng từ nhiều kiếp đến nay, ta nghiệp chướng sâu nặng, nếu chẳng nhờ vào Phật lực khó lòng xuất ly; phải tin hễ cầu vãng sanh thì đời này sẽ quyết định được vãng sanh, phải tin niệm Phật quyết định là được Phật từ bi nhiếp thọ. Do tin như vậy, kiên định nhất tâm nguyện lìa Sa Bà như tù nhân muốn thoát khỏi lao ngục, không hề có tâm luyến tiếc. Nguyện sanh Tây Phương như lữ khách mong trở về cố hương, há có ý niệm chần chừ.

Từ đấy, tùy phận, tùy sức chí tâm trì niệm thánh hiệu A Di Ðà Phật chẳng luận là nói năng, im lặng, động, tịnh, đi, đứng, nằm, ngồi, đón khách, tiễn khách, mặc áo, ăn cơm, chăm chắm sao cho Phật chẳng rời tâm, tâm chẳng rời Phật.

1. Nhiếp tâm niệm Phật:

Nếu niệm Phật mà tâm khó quy nhất thì nên nhiếp tâm niệm khẩn thiết sẽ tự có thể quy nhất. Cách để nhiếp tâm không có gì hơn được chí thành, khẩn thiết; tâm chẳng chí thành thì không cách chi nhiếp nổi!

Nếu đã chí thành mà chưa thuần nhất thì nên thường lắng tai nghe, chẳng luận là niệm ra tiếng hay niệm thầm đều phải là niệm phát xuất từ tâm, tiếng phát xuất từ miệng, âm nhập vào tai; tâm và miệng niệm sao cho rành rẽ rõ ràng, tai nghe sao cho rành rẽ, rõ ràng. Nhiếp tâm như thế thì vọng niệm tự dứt.

Nếu như sóng vọng niệm vẫn còn trào dâng thì dùng cách mười niệm nhớ số, dốc toàn bộ tâm lực vào trong từng câu Phật hiệu, tuy vọng niệm có muốn khởi cũng chẳng có sức. Ðây chính là diệu pháp rốt ráo để nhiếp tâm, càng làm thử càng thấy hiệu nghiệm. Lúc niệm Phật thì từ một câu đến mười câu sao cho niệm được phân minh, ghi nhớ phân minh. Niệm mười câu xong lại từ một câu niệm đến mười câu, chẳng được niệm đến câu thứ mười hai hay mười ba. Niệm đến đâu, nhớ đến đấy; chẳng được dùng chuỗi để nhớ mà phải dụng tâm nhớ.

Nếu thấy niệm suốt mười câu là khó thì chia thành hai hơi: từ câu một đến câu năm và từ câu thứ sáu đến câu thứ mười.

Nếu vẫn chẳng đủ sức thì từ câu một niệm đến câu thứ ba, từ câu thứ tư niệm đến câu thứ sáu, từ câu thứ bảy niệm đến câu thứ mười, tức là ba hơi. Niệm đến mức rõ ràng, ghi nhớ phân minh, nghe cho rõ ràng, vọng niệm không còn chỗ để bén chân thì nhất tâm bất loạn lâu ngày sẽ tự đạt được.

Nhưng lúc làm lụng nếu khó nhớ số thì cứ khẩn thiết mà niệm xuông. Làm xong việc, lại nhiếp tâm nhớ số thì cái tâm lông bông, lăng xăng sẽ tụ về chuyên chú nơi nhất cảnh Phật hiệu.

Nhiếp tâm niệm Phật chắc chắn chẳng phải là chuyện dễ dàng, nhưng trong các pháp nhiếp tâm thì chỉ có mỗi cách xoay trở lại nghe tiếng niệm thật là bậc nhất.

2. Niệm thầm và lặng lẽ lắng nghe hồng danh Phật:

Niệm Phật bằng cách truy đảnh dễ mắc bịnh. Niệm lớn tiếng, nhỏ tiếng, kim cang trì hay niệm thầm tùy theo tinh thần của mình mà vận dụng cho phù hợp; chớ nên chấp chết vào một cách để đến nỗi bị bệnh ư?

Niệm theo hơi thở chẳng bằng lặng lẽ lắng nghe vì nếu chẳng khéo niệm theo hơi thở sẽ bị bịnh, lặng lẽ lắng nghe chẳng bị mắc bịnh.

3. Niệm Phật thì đừng nên dùng pháp quán tâm mà hãy dùng pháp nhiếp tâm.

Trong kinh Lăng Nghiêm, Bồ Tát Ðại Thế Chí dạy: “Nhiếp cả sáu căn, tịnh niệm tiếp nối, đắc tam ma địa; ấy là bậc nhất”.

Lúc niệm Phật, cái niệm trong tâm (ý căn) cần phải rõ ràng, phân minh, câu niệm nơi miệng (thiệt căn) phải phân minh, rõ ràng; tai (nhĩ căn) phải nghe sao cho rõ ràng, phân minh. Ba căn: tai, miệng, lưỡi, căn nào cũng dốc hết vào câu Phật hiệu thì mắt chẳng thể lườm Ðông, nguýt Tây, mũi chẳng thể ngửi các mùi hương khác, thân chẳng thể lười biếng, giải đãi. Ðấy là “nhiếp cả sáu căn”.

Nhiếp cả sáu căn thì dù chưa thể hoàn toàn hết vọng niệm nhưng so với kẻ chẳng nhiếp sáu căn thì tâm thanh tịnh hơn rất nhiều. Vì thế gọi là “tịnh niệm”.

Nếu có thể giữ cho tịnh niệm thường liên tục, chẳng có lúc gián đoạn thì tâm sẽ tự có thể quy về một chỗ, cạn thì đắc Nhất Tâm, sâu thì đắc tam muội.

Nếu thật có thể nhiếp cả sáu căn mà niệm thì nghiệp chướng quyết định tiêu trừ, căn lành tăng trưởng, chẳng cần phải quán tâm mà tâm tự thanh tịnh, minh bạch, đâu lại đến nỗi mắc phải căn bịnh tâm hỏa nóng nảy?

Quán tâm là cách tu quán căn bản của bên Giáo, chẳng thích hợp với căn cơ người niệm Phật. “Nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối” mới là pháp thâm diệu thích hợp với hết thảy các căn cơ: thượng, trung, hạ, hoặc thánh hoặc phàm.

Cần phải biết là việc “nhiếp trọn” đó chuyên chú nơi cái nghe, tức là niệm thầm trong tâm cũng phải nghe vì trong tâm khởi niệm là đã có thanh tướng. Tự tai mình nghe tiếng của chính tâm mình, nhưng phải sao cho rành rẽ, rõ ràng, sao cho thật sự nghe được từng chữ, từng câu rõ ràng thì lục căn mới quy về một chỗ.

So với tu những các pháp quán khác thì cách tu này ổn thỏa, thích đáng nhất, ít tốn sức nhất nhưng lại khế lý, khế cơ nhất.

Tuy niệm Phật quý ở chỗ tâm niệm, nhưng chẳng thể bỏ miệng tụng vì ba thứ: thân, khẩu, ý hỗ trợ nhau. Nếu tâm có thể ức niệm, nhưng thân chẳng lễ kính, miệng chẳng trì tụng thì cũng khó được lợi ích. Vì thế, kinh Ðại Tập có dạy: “Ðại niệm thấy đại Phật, tiểu niệm thấy tiểu Phật”. Cổ đức bảo niệm Phật lớn tiếng thấy thân Phật lớn, niệm nhỏ tiếng thấy thân Phật nhỏ!

Phàm phu đầy dẫy triền phược tâm lắm hôn trầm, tán loạn, nếu chẳng nhờ vào sức lễ, tụng của thân, miệng mà muốn đắc Nhất Tâm thì không có cách nào được!

Được gắn thẻ ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *