Họ nói, hiện nay có người đề xướng “Pháp môn bổn nguyện” đã hại không ít người. Trước đây còn tinh tấn niệm Phật, hiện nay không những không niệm nữa, mà còn nói lão pháp sư Tịnh Không đã hại họ uổng phí mấy năm công phu, và nói, chỉ cần vừa phát nguyện là Phật A Di Đà đã chuẩn bị xong vé máy bay cho họ rồi, lâm chung mười niệm là có thể lên phía trước cầm được vé máy bay, liền có thể bay đến thế giới Cực Lạc.
Lời nói này, tôi không biết các bạn có tin hay không, nhưng lời nói này là không chính xác!
“Bổn nguyện niệm Phật” là tổ sư đại đức xưa nay đề xướng, điều này không sai, nhưng người hiện nay không hiểu ý của tổ sư, đã xuyên tạc dụng ý của tổ sư. Trước đây có lợi ích, hiện nay không những không có lợi ích, ngược lại còn có hại. “Bổn nguyện” là nguyện thứ 18 trong 48 nguyện. Chúng tôi trong lúc giảng kinh đã giảng rồi, đặc biệt giảng tường tận. Trong 48 nguyện, mỗi một nguyện đều bao hàm 47 nguyện khác, nếu như thiếu đi một nguyện thì bổn nguyện của nó sẽ không viên mãn. Đây là đại đức xưa nay nói. Bốn mươi tám nguyện là lấy nguyện thứ 18 làm hạt nhân. Nguyện 18 từ đâu mà có vậy? Là từ tổ hợp 47 nguyện khác mà ra, do đó thiếu đi một nguyện đều không được, phải hiểu rõ đạo lý này.
Bộ kinh Vô Lượng Thọ từ đâu mà có vậy? Bộ kinh Vô Lượng Thọ chính là nói rõ cụ thể 48 nguyện, tuyệt đối không phải chỉ cần duy có nguyện thứ 18, những nguyện khác đều không cần, vậy là hỏng rồi. Giống như trong một căn nhà, cột nhà là quan trọng nhất. Nếu nói, tôi chỉ cần cột nhà, những cái khác đều không cần, vậy có thể được xem là ngôi nhà không? Có thể thọ dụng được không? Giống như một con người vậy, bộ não là quan trọng nhất, chỉ cần bộ não, những cái khác đều không cần, bạn thử nghĩ xem đây là người gì? Há không nghe trong kinh Hoa Nghiêm đã nói: “Một tức tất cả, tất cả tức một” sao? “Tất cả”, tỉ như nói toàn bộ cơ thể con người, đây là tất cả; đầu, mắt, não, tủy, bất kỳ một bộ phận nào, đây là “một” ở trong “tất cả”. Một không thể lìa tất cả, “tất cả tức là một, một tức là tất cả”.
Chúng tôi thường hay nói với mọi người, một câu danh hiệu A Di Đà Phật này, công đức danh hiệu không thể nghĩ bàn. Tại sao vậy? Một câu danh hiệu này chính là 48 nguyện viên mãn. Bốn mươi tám nguyện viên mãn chính là toàn thể kinh Vô Lượng Thọ. Mở rộng thêm đến tất cả kinh giáo mà chư Phật Như Lai đã nói, đều không lìa một câu Phật hiệu này. Công đức Phật hiệu không thể nghĩ bàn, nhưng không thể chỉ nắm lấy một cái cục bộ này, toàn thể không cần nữa, đây là chắc chắn sai lầm. Chúng ta học Phật nhất định phải thật sự hiểu cho rõ ràng.
“Bổn nguyện” là gì vậy? Chân thật thông đạt toàn bộ kinh luận Tịnh Độ rồi, nắm lấy cương lĩnh này, vậy là đúng. Không phải nói, tôi chỉ cần nắm lấy cái cương này, lưới không cần nữa. Ví như bắt cá, dây viền lưới gọi là cương, tôi nắm lấy cái cương này rồi, lưới không cần có, vậy thì bắt được gì? Cương nắm lấy rồi, phía dưới toàn bộ là lưới đều nắm lấy. Họ đã hiểu sai bổn nguyện này rồi, chỉ nắm lấy cương, mà không có lưới. Các bạn muốn vẽ tranh biếm họa, vẽ ra rất thú vị, họ bắt cá chỉ nắm lấy cương, phía dưới không có lưới. Cổ nhân đề xướng bổn nguyện niệm Phật, họ nắm lấy cương, phía dưới là lưới. Quí vị hãy nghĩ tỉ mỉ ý nghĩa này. Họ đề xướng bổn nguyện, đáng tiếc họ không hiểu được cái gì là “bổn nguyện”. Cho nên, kinh không thể không đọc, không thể không thâm nhập nghiên cứu. Vãng sanh Tây Phương Cực Lạc đâu có dễ dàng như vậy, đâu có hời hợt như vậy? Tâm của bạn với tâm của Phật không giống nhau, hành vi của bạn không giống với hành vi của Phật thì niệm Phật cũng không thể vãng sanh. Đối với họ, bất kể tâm và hành vi của ta và Phật khác nhau như thế nào, chỉ cần niệm một tiếng “A Di Đà Phật” liền có thể vãng sanh rồi. Đây là lừa mình dối người, chắc chắn không có cái đạo lý này.
(Trích lục: Phật Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh giảng giải – tập 55)
Chủ giảng: Hoà Thượng Tịnh không