Hòa Thượng Tịnh Không, Lời dạy của đức phật

Bắt ý thức chỉ nghĩ tưởng đến mỗi A Di Đà Phật

ĐỨC PHẬT A DI ĐÀ
Đại sư Giao Quang nói cho chúng ta biết:
– ” Bỏ thức dùng căn đó là hạng người nào? Đó là pháp thân Đại Sĩ”.
Còn chúng ta là đều là phàm phu, mà người phàm phu thì đều dùng tư duy tưởng tượng, chúng ta không có cách nào bỏ thức dùng căn. Cho dù là tu quán nhưng trên thực tế vẫn là dùng thức thứ 6, tức là Ý Thức. Vậy thức là gì? Là tình thức, là vọng tưởng, là những tạp niệm tham, sân, si, mạn, nghi…Những thứ này quý vị có bỏ được hay không? Không bỏ được. Cho nên, chỉ có pháp thân Đại Sĩ mới có thể bỏ thức dùng căn, chúng ta nhất định phải hiểu rõ điều này.
Nay chúng ta dùng tư duy, lực lượng của tư duy cũng rất rộng lớn. Trong Kinh Phật nói với chúng ta:
– Tất cả pháp từ tâm tưởng sanh.
Tâm tưởng tức là hiện nay chúng ta dùng tư duy tưởng tượng của ý thức. Thay vì cứ để mặc cho ý thức của mình nghĩ tưởng lung tung, chúng ta sao không tác ý bắt nó chỉ nghĩ tưởng đến mỗi A Di Đà Phật mà thôi? Để làm được điều này, chúng ta cần phải hạ quyết tâm, lập định chí hướng chuyên tưởng A Di Đà Phật. Cách niệm Phật như vậy thì gọi là Chấp Trì Danh Hiệu, đây là thuộc về Sự trì. Trong Sự trì này mà có thể phá được Ngã chấp thì gọi là Sự Nhất Tâm Bất Loạn.
Vì sao cần phải hạ quyết tâm và cần phải lập chí hướng? Vì nếu không ta sẽ rất khó để mà điều khiển được ý thức của mình. Dẫn đến 1 mặt ta cứ tác ý lên ý thức bảo nó niệm Phật, 1 mặt nó không nghe lời vẫn là cứ nghĩ tưởng lung tung, cách này thì không được. Vì sao không được? Vì câu Phật hiệu ta niệm đó có xen tạp vào rất nhiều vọng tưởng, lực lượng của câu Phật hiệu bị giảm đáng kể. Do đó câu Phật hiệu này không đủ sức để đưa ta đi đến Nhất Tâm. Thực tại mà nói thì đại đa số người niệm Phật đều là niệm theo cách này, do không điều nhiếp được ý thức của mình, cho nên mặc dù mọi người niệm Phật đã lâu, cũng rất vất vả mà chẳng thể thu được chút lợi ích nào cả, đạo lý chính là ở chỗ này.
Nếu chúng ta có thể điều nhiếp được ý thức mà niệm Phật, lâu ngày sẽ đi đến công phu niệm Phật thành phiến, cũng tức là Bất Niệm Tự Niệm. Với công phu này, ta đã có thể hàng phục được tập khí phiền não phân biệt chấp chước của chính mình. Suốt ngày từ sáng đến tối, trong tâm chỉ có 1 câu A Di Đà Phật, ngoài trừ câu A Di Đà Phật này ra thì không có bất cứ tạp niệm nào. Thật ra có tạp niệm hay không? Có. Nhưng bởi vì bị 1 câu A Di Đà Phật này đè lên như đá đè cỏ vậy, nhưng chưa nhổ gốc cỏ. Do đó, giai đoạn này gọi là phục phiền não, không phải là đoạn phiền não. Nhưng nếu đi đến Nhất Tâm thì phiền não đã đoạn rồi, như đã nhổ hết gốc cỏ. Cho nên, công phu niệm Phật có sâu hay cạn là ở chỗ này.
Đặc biệt là trong cuộc sống hằng ngày xử thế, đối người, tiếp vật, khởi tâm động niệm cần phải biết dụng công phu. Khi chúng ta gặp thuận cảnh, trong thuận cảnh mà khởi lòng tham, mà sanh tâm vui mừng thì cái tâm này là phiền não, cái tâm này là luân hồi, nếu ta khởi lên ý niệm này thì lập tức niệm A Di Đà Phật, A Di Đà Phật đè nó xuống, đây gọi là dụng công. Khi gặp phải chuyện không vừa ý thì nổi dậy phiền não, hoặc nổi dậy tâm sân giận, thì liền niệm A Di Đà Phật, A Di Đà Phật đem nó đè xuống. Nếu ta thường hay dụng công như thế sẽ khiến cho thất tình ngũ dục của ta đều trở thành 1 câu A Di Đà Phật, thì công phu của ta đã được đắc lực, đây gọi là công phu thành phiến. Công phu niệm Phật như vậy thì có thể vãng sanh vào Phàm Thánh Đồng Cư Độ.
A Di Đà Phật!
– Pháp sư Tịnh Không-
Được gắn thẻ , , ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *