Hòa Thượng Tịnh Không, Lời dạy của đức phật

Bất văn tam đồ khổ nạn chi danh, thượng vô giả thiết, hà huống thật khổ

Tranh Phật Tây Phương - A Mi Đà Phật
🌿 Kinh văn: “Bất văn tam đồ khổ nạn chi danh, thượng vô giả thiết, hà huống thật khổ”.
Câu này là “nguyện trong nước không ác đạo” trong 48 lời nguyện.
Ở chỗ này chúng ta phải nghĩ đến, ba đường ác là quả báo. Có quả thì có nhân. Nhân là gì? Nhân rất là phức tạp. Phật thường nói sự hình thành của quả báo là do vô lượng nhân duyên, trong vô lượng nhân duyên nhất định là có một nghiệp nhân nặng nhất, Phật thường hay dùng điều này để dạy cho chúng ta. Nghiệp nhân của ba đường ác chính là tam độc phiền não tham sân si. Sự chiêu cảm của lòng tham là đường ngạ quỷ, sự chiêu cảm của sân hận là đường địa ngục, sự chiêu cảm của ngu si là đường súc sanh.
🌸 Đã không có ba đường ác thì chúng ta biết những người vãng sanh đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc đã đoạn được tam độc phiền não tham sân si rồi. Làm sao đoạn được? Chúng ta ở trong thế gian này muốn đoạn tam độc phiền não thì rất khó khăn, sanh đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc không cần đoạn nhưng tự nhiên sẽ không còn nữa.
Thí dụ như nói lòng tham, chúng ta ở nơi này tại sao lại có lòng tham? Vì vật chất quá ít nên muốn chiếm lấy, thế là lòng tham liền khởi lên. Ở Thế giới Tây Phương Cực Lạc thì tài nguyên quá phong phú, tất cả có đầy đủ, vậy bạn còn tham cái gì chứ? Muốn cái gì thì thứ đó liền hiện ra, vậy là bạn không còn tham nữa. Giống như thế giới này của chúng ta, ở thế gian này thứ gì là quan trọng nhất đối với chúng ta? Tiền bạc? Tiền bạc cũng không quan trọng lắm, không có tiền cũng không đến nỗi phải chết. Không khí là quan trọng nhất, nhưng có ai mà tham không khí không? Không khí mà không có trong khoảng mười phút thì mạng của bạn cũng chấm dứt rồi. Tại sao lại không tham cái này? Tại sao không đem không khí tích trữ lại, mang theo trên mình một bao? Vì có quá nhiều.
🌸 Vàng bạc bảy báu ở Tây Phương Thế giới cũng giống như không khí của chúng ta, vậy bạn có cần hay không? Vàng bạc ở thế giới này của chúng ta mọi người đều trân quý nó vô cùng, vàng ở bên đó thì dùng để đắp đường đi. Ở đây đá quý thì đem làm đồ trang sức trông rất là đẹp, đá quý ở Thế giới Tây Phương Cực Lạc thì dùng làm vật liệu xây dựng, cho nên các bạn hãy nghĩ xem, có người nào lấy đất đá đắp đường đi đeo lên trên người hay không? Không có chuyện này. Thế giới Tây Phương thì bảy báu nhiều vô cùng, chẳng có ai muốn lấy, khắp nơi đều có. Trong Kinh nói bảy báu, từ bảy này không phải là con số mà là biểu pháp. Bảy là đại biểu cho sự viên mãn. Chúng ta nói bảy chính là đông – nam – tây – bắc – trên – dưới và chính giữa, cho nên nó đại biểu cho sự viên mãn. Vô lượng châu báu tất cả đều có đủ, có thật là quá nhiều, cho nên không có người tham, lòng tham không thể khởi lên.
🌸 Sân giận cũng không có khởi lên. Tại sao lại sân giận? Khi gặp phải chuyện không vừa ý, người không vừa ý thì trong tâm mới sanh lòng sân giận. Thế giới Cực Lạc thì luôn vừa ý, không có cái nào mà không vừa ý, bạn thấy người, thấy việc, thấy vật, càng nhìn thì càng hoan hỷ, cho nên sự sân giận tự nhiên không còn nữa. Đây là chỗ giáo hóa chúng sanh vô cùng cao minh của A Di Đà Phật. Ngài là từ ngoại duyên, khiến cho ngoại duyên ở bên ngoài quyết định không có điều xấu ác, nhất định là không thể lôi kéo bạn được, chủng tử tham sân si ở trong A Lại Da Thức không thể khởi dậy, cho nên sống lâu trong hoàn cảnh như thế này thì tam độc tự nhiên sẽ bị mất đi.
🌸 Bạn sẽ không còn ngu si nữa, ngày ngày đều nghe giảng Kinh giảng pháp, bên cạnh các bạn là chư đại Bồ Tát đều giúp đỡ cho bạn tăng trưởng trí huệ. Bạn nói thử xem, hoàn cảnh như thế này đi tìm ở đâu? Cho nên ở Thế giới Tây Phương Cực Lạc thì việc đoạn trừ tham sân si rất dễ dàng. Tham sân si là cái gốc của phiền não, chỉ cần nhổ được cái gốc này thì những thứ khác như đại tùy phiền não, tiểu tùy phiền não tự nhiên sẽ không còn nữa. Việc đoạn phiền não ở cõi này của chúng ta rất là khổ. Tam độc phiền não tham sân si. Phiền não không đoạn thì không ra khỏi sáu cõi luân hồi. Muốn đoạn tham sân si thì thật là quá khó.
🌸 Từ phương diện này tỉ mỉ mà quan sát, ngoại trừ con đường Thế giới Tây Phương Cực Lạc ra, còn có con đường nào tốt hơn không? Xác thực là không có. Tại sao vậy? Vì trong 84.000 pháp môn, bất kỳ một pháp môn nào cũng đều phải đoạn phiền não, không có nói không đoạn phiền não mà có thể thành tựu. Không đoạn phiền não mà có thể thành tựu thì chỉ có pháp môn này. Cho nên Đại đức xưa nói pháp môn Tịnh Độ là “môn dư đại đạo”. Chữ môn này chính là 84.000 pháp môn. Ngoài 84.000 pháp môn ra có một con đường lớn. Con đường lớn này là pháp khó tin, thật sự là khó tin. Bởi vì bình thường bạn tiếp xúc với tất cả pháp môn, cả thảy đều là phải đoạn phiền não thì mới có thể nâng cao cảnh giới của chính mình, đâu có chuyện không đoạn phiền não mà có thể thành tựu, hơn nữa sự thành tựu lại cao như thế, cho nên đây là pháp khó tin. Mọi người chúng ta đều có thể tin tưởng, đây không phải là chuyện đơn giản.
🌸 Tại sao bạn có thể tin? Là vì thiện căn, phước đức, nhân duyên của nhiều đời nhiều kiếp trong quá khứ. Nếu trong đời quá khứ không phải là bạn đã nhiều đời nhiều kiếp đã tu pháp môn này rồi sao? Ngày nay khi bạn vừa tiếp xúc thì bạn liền tin tưởng ngay. Bạn xem trong thế gian này có bao nhiêu người học Phật? Học các pháp môn khác thì rất nhiều, nhưng họ lại không tin pháp môn Tịnh Độ, đây là do nguyên nhân gì? Thiện căn ít. Điều này trong Kinh đã nói, không thể lấy chút ít thiện căn phước đức nhân duyên mà được sanh về nước kia. Người tu các pháp môn khác ít thiện căn, ít phước đức, cho nên gặp được pháp môn này thì họ chẳng tin, họ cũng chẳng muốn hiểu sâu, họ cũng không gặp được lão sư tốt, họ cũng không gặp được chân thiện tri thức.
🌸 Tu học các pháp môn khác không phải là không tốt, cũng có lợi ích. Sự lợi ích này là gì? Lợi ích là trồng được thiện căn, trong đời này thì không thể thành tựu. Lời nói này là chắc chắn, chẳng có cách nào thành tựu.
Câu này nói với chúng ta, thế giới đó tại sao gọi là Cực Lạc. Vì âm thanh hay danh từ khổ nạn của tất cả chúng sanh ở mười phương thế giới đều không nghe đến.
🌸 A Di Đà Phật.
🌸 Pháp sư Tịnh Không chủ giảng.
Cung kính trích: PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH – Tập 294
Được gắn thẻ , , ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *