Ân cha mẹ, ân sư trưởng không thể quên, Phật dạy chúng ta “Trên đền bốn ân nặng”. Bốn ân này là “Ân cha mẹ”, “Ân sư trưởng”; Tam Bảo thuộc phạm vi của sư trưởng, Tam Bảo là thầy của chúng ta, “Ân quốc gia”, “Ân chúng sanh”. Quốc gia bảo vệ chúng ta, làm cho chúng ta an cư lạc nghiệp; chúng sanh, chúng ta không thể xa lìa xã hội, tách rời đại chúng và sinh tồn riêng rẽ. Ẩm thực y phục của chúng ta đều phải nhờ rất nhiều người canh tác, trồng trọt tạo thành, phải thường thường suy nghĩ. Làm sao báo ân? Phải hết lòng học tập, thực sự đoạn phiền não, khai trí huệ, làm Phật, làm Bồ Tát, giống Ðịa Tạng Bồ Tát vậy, được vậy thì mới là “Trên đền bốn ân nặng, Dưới độ ba đường khổ”. Ðịa Tạng Bồ Tát làm gương tốt nhất cho chúng ta, chúng ta phải học tập. Ðịa Tạng học theo Phật, học rất giống, bạn coi phía dưới Ngài nói: Ngã sở phân thân biến mãn bách thiên vạn ức Hằng hà sa thế giới, mỗi nhất thế giới hóa bách thiên vạn ức thân, mỗi nhất thân độ bách thiên vạn ức nhân, lịnh quy kính Tam Bảo, vĩnh ly sanh tử, chí Niết Bàn lạc.
(Các phân thân của con thị hiện ở khắp trăm ngàn vạn ức Hằng hà sa thế giới, trong mỗi thế giới hóa hiện trăm ngàn vạn ức thân, mỗi thân độ trăm ngàn vạn ức người, khiến họ quy kính Tam Bảo, vĩnh viễn xa lìa sanh tử, đến được Niết Bàn an lạc.)
Phật độ hóa chúng sanh cũng phân thân như vậy, độ thoát như vậy, Ðịa Tạng Bồ Tát biểu diễn rất hoàn hảo, chân chánh là học trò giỏi của Phật. Ngài cũng giống như Phật, phân thân đến thế giới nhiều như số cát sông Hằng, chẳng nề cực nhọc, độ thoát vô lượng vô biên chúng sanh. Ba câu cuối này nói về thành tích độ thoát chúng sanh của Ngài.
Thứ nhất là nhất định phải giúp chúng sanh quy y Tam Bảo, kính ngưỡng Tam Bảo, giai đoạn thứ nhất này tiếp dẫn quảng đại chúng sanh. Quy y Tam Bảo chưa hẳn có thể liễu thoát sanh tử, thoát ly tam giới, sự thật này mọi người đều rất rõ ràng. Có bao nhiêu người quy y nhưng chẳng sửa đổi tập khí, tật xấu, chẳng chịu hết lòng tu học. Giai đoạn thứ
nhất, đó là nghiệp chướng nặng nề, họ còn chưa nghĩ đến liễu sanh tử, còn cho rằng sáu nẻo luân hồi cũng khá tốt, chẳng chịu xa lìa sáu nẻo luân hồi, ngu ám. Những người lợi căn đều biết rõ sáu nẻo là khổ, tam giới đều là khổ; “Khổ Khổ, Hoại Khổ, Hành Khổ”, họ biết tam giới đều khổ, hạ quyết tâm phải thoát ly biển khổ, như vậy gọi là xuất tam giới,
vĩnh viễn thoát ly sanh tử. Trong sanh tử có hai loại, người biết được cũng chẳng nhiều: Một là Phần Ðoạn Sanh Tử, thân này của chúng ta, còn một loại gọi là Biến Dịch Sanh Tử, rất ít người biết đến. Ðoạn dứt sanh tử của thân chúng ta, thì siêu việt sáu nẻo luân hồi được, A La Hán và Bích Chi Phật đều làm được. Biến Dịch Sanh Tử thì hơi phiền phức,
mãi cho đến Viên Giáo Ðẳng Giác Bồ Tát vẫn chưa đoạn nổi Biến Dịch Sanh Tử, khi đoạn tận rồi thì mới chứng được Phật quả Viên Giáo. Ðịa Tạng Bồ Tát giúp đến cùng, chẳng phải chỉ giúp bạn một giai đoạn, chẳng thoái tâm giữa đường, một mạch giúp đến cùng.
(Luợc Trích Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh Giảng Ký
– Chủ giảng: Hòa thượng Tịnh Không.
Quyển Thượng Phẩm Thứ Nhì: Phân Thân Tập Hội – Tập 8 – Tập 7-189-190-191)