Vào thời nhà Thanh, tại thôn Lý Gia có một vị nông phụ, mỗi ngày hai lần sáng chiều đi đưa cơm ra đồng, luôn nhìn thấy một người con gái trẻ hớt ha hớt hải đi theo chị ta. Chị ta hỏi những người nông dân khác rằng họ có nhìn thấy người con gái kia hay không, thì mọi người đều nói không thấy. Người nông phụ này vì thế mà sinh tâm sợ hãi, cả ngày phấp phỏng lo âu.
Về sau, cô gái kia lại lần lần từng bước bám theo người nông phụ về tới tận nhà, nhưng lại không đi vào phòng, chỉ là quyến luyến, quẩn quanh ở trong vườn hoặc nơi góc tường. Khi vị nông phụ ấy tiến lại gần thì cô gái kia liền bước bước lùi về phía sau. Nếu vị nông phụ đi về chỗ cũ, thì cô gái kia lại nhích lại gần một chút, cứ như vậy, luôn giữ một khoảng cách không xa không gần. Vị nông phụ nhận thấy con ma nữ này nhất định là oan gia đối đầu với mình.
Có một ngày, người nông phụ mạnh dạn lấy hết can đảm, đứng từ xa hỏi cô gái kia rằng: “Cô có chuyện gì cứ thẳng thắn nói ra, đừng cứ mãi không xa không gần bám theo ta như thế!”
Cô gái kia nói:
“Kiếp trước chị và tôi đều là thê thiếp trong một gia đình phú quý. Chị ghen ghét đố kỵ vì tôi được chủ nhân yêu thương sủng ái hơn, liền vu hãm đổ oan cho tôi cùng người khác tư thông, trộm cắp. Chủ nhân đã cả tin những lời sàm bậy thêu dệt của chị, đưa tôi đi giam cầm, khiến tôi uất ức, phiền muộn mà chết.
Nay tôi là đến tìm chị để đòi mạng. Khốn nỗi kiếp này chị phụng dưỡng mẹ chồng hiếu nghĩa đến nơi đến chốn, luôn có Thần linh âm thầm bảo vệ, khiến tôi không cách nào đến gần chị được. Cho nên ngày ngày tôi bám theo chị, mong tìm cơ hội ra tay, nhưng tôi đã xem xét kỹ lưỡng, xem ra khả năng báo thù không lớn.
Nếu chị có thể mời hòa thượng tới lập đạo tràng siêu độ, khiến tôi sớm ngày được chuyển thế thác sinh, thì oán thù giữa chúng ta coi như đã được giải trừ xong”.
Người nông phụ nói: “Nhà ta gia cảnh bần hàn, tiền đâu để lập đạo tràng cho cô đây”.
Ma nữ nói: “Đúng là gia cảnh chị bần cùng, điều này không hề giả. Thế thì nếu như chị có thể thành tâm thành kính, niệm Phật một vạn tiếng, như thế tôi cũng có thể được siêu độ”.
Người nông phụ hỏi: “Chỉ niệm Phật thôi, làm sao có thể siêu độ được quỷ hồn chứ?”
Ma nữ nói:
“Người bình thường niệm phật, bởi vì tâm tư tạp loạn, tự nhiên khó tác động cảm ứng tới Phật. Cần phải niệm như đang ở trước Phật, nỗ lực trấn nhiếp các loại tâm tán loạn. Nếu là trung thần hiếu tử (trung thần: quần thần, bề tôi trung thành; hiếu tử: bề con hiếu thảo với cha mẹ), lòng thành của họ đã làm cảm động Thần Phật. Một tiếng niệm Phật của những người ấy, âm thanh vọng khắp tam giới. Cho nên công đức, uy lực niệm Phật của họ và việc tụng kinh bái sám là như nhau.
Chị là một người phụ nữ hiếu thuận, tôi tin rằng, nếu chị thành tâm niệm Phật, tự khắc có thể cảm ứng tới Phật”.
Vậy là người nông phụ tin lời của ma nữ, bèn phát tâm thành kính niệm Phật hiệu, mỗi một tiếng niệm, ma nữa liền quay về hướng Tây cúi đầu bái lạy. Người nông phụ niệm tới một vạn tiếng, ma nữ kia cũng liền biến mất, cô ta đã được siêu độ mà rời đi.
Câu chuyện này thường được người trong thôn Lý Gia truyền kể lại qua nhiều đời sau. Có thể thấy “trung thần hiếu tử”, bậc trung thần và những người con hiếu thuận với cha mẹ, công đức của những người ấy rất nhiều, Quỷ Thần đều coi trọng.
(“Duyệt vi thảo đường bút ký” – Kỷ Hiểu Lam triều đại nhà Thanh)
— Hội Quán A Di Đà —
Hoan nghênh coppy đăng tải, chia sẻ rộng rãi kết thiện duyên