“Vì sao Phật lại nói rất nhiều kinh luận như vậy? Chỉ cần nói bộ kinh này là được rồi, vì sao phải nói nhiều như thế, khiến chúng ta ngày nay hoa mắt, rối ren không biết làm thế nào mới đúng. Đây là nguyên nhân gì? Trong này có đạo lý. Bởi vì căn tánh của chúng sanh không đồng, không phải tất cả mọi người đều có thể tiếp nhận pháp môn này. Thực tế mà nói, bất luận bộ kinh luận nào, bất luận một pháp môn nào cũng vô phương bảo mọi người cùng tiếp nhận. Do đó, Phật mới tùy thuận căn tánh của chúng sanh. Bạn thích pháp môn nào thì Ngài sẽ giảng pháp môn đó cho bạn. Cho nên ứng cơ thuyết pháp. Căn cơ của chúng sanh vô lượng vô biên thì Phật cũng giảng vô lượng vô biên pháp môn. Trong Tứ Hoằng Thệ Nguyện nói: “Pháp môn vô lượng thệ nguyện học” là đạo lý như vậy. Phật nói rất nhiều pháp nhưng bạn phải biết, mặc dù rất nhiều pháp nhưng đến cuối đều quy về một pháp, “vạn pháp quy nhất”, như vậy mới là đạo lý chính xác, cho nên nói “thù đồ đồng quy” (khác đường lối mà cùng đến một mục đích).
Chữ “Nhất” đây là gì? “Nhất” chính là thế giới Cực Lạc, tức là Tây Phương Tịnh Độ. Điều này chúng ta có thể nhìn thấy rất rõ ràng. Vô lượng pháp môn đồng quy về thế giới Hoa Tạng. Hoa Tạng giống như biển cả, sau khi đến thế giới Hoa Tạng, hai vị Bồ-tát Văn-thù, Phổ Hiền dùng Thập Đại Nguyện Vương dẫn về Cực Lạc. Chúng ta mới tưởng tượng, mới lĩnh hội được thì ra thế giới Tây Phương đại khái là trung tâm của Hoa Tạng, là tinh hoa của Hoa Tạng, cho nên Bồ-tát của thế giới Hoa Tạng đều phải đến thế giới Cực Lạc để gặp Phật A Di Đà, đến nơi đó để tu học. Cho thấy đây quả thật là Đại Thừa trong Đại Thừa, liễu nghĩa trong liễu nghĩa, thù thắng không gì sánh bằng. Vậy nếu chúng ta tu học từ con đường khác, từ pháp môn khác, đến cuối cùng thì tới thế giới Hoa Tạng, rồi lại theo Bồ-tát Phổ Hiền đến thế giới Tây Phương Cực Lạc. Như vậy phải tu bao lâu? Trong kinh Hoa Nghiêm, Phật nói lời chân thật với chúng ta: “Không phải ba đại A Tăng Kỳ kiếp mà là vô lượng đại kiếp”, thời gian này vô cùng dài. Vì sao phải mất thời gian dài như vậy? Bởi vì họ có tiến có thối. Thực tế mà nói, tiến thì ít, thối thì nhiều, họ có thối chuyển. Cho nên thời kiếp này vô cùng dài lâu. Pháp môn Tịnh Độ thì dễ dàng, trong một đời nhất định thành tựu, không cần phải mất thời gian rất dài như vậy.
Trong kinh Di-đà nói: “Hoặc một ngày, hoặc hai ngày cho đến hoặc bảy ngày” thì thành công. Cổ Đức nói với chúng ta: Người lợi căn một ngày thì thành tựu, người độn căn bảy ngày cũng có thể thành tựu. Điều này so với ba đại A Tăng Kỳ kiếp, vô lượng A Tăng Kỳ kiếp thì thật không thể so sánh được. Vậy chúng ta muốn hỏi: Thời gian này vừa ngắn, vừa nhanh, nhưng so với người tu ba đại A Tăng Kỳ kiếp thì rốt cuộc người nào thành tựu được quả báo cao hơn? Nếu sự thành tựu trong bảy ngày không thể cao bằng sự thành tựu của người tu ba đại A Tăng Kỳ kiếp, vậy thì pháp môn này cũng không thù thắng lắm, cũng không kỳ diệu đặc biệt lắm. Nhưng Phật trong kinh nói với chúng ta: Y theo pháp môn này tu học thì họ thành tựu còn cao hơn, còn thù thắng hơn so với người tu ba đại A Tăng Kỳ kiếp, tu vô lượng A Tăng Kỳ kiếp. Điều này không thể nghĩ bàn. Cho nên, pháp môn này gọi là “nan tín chi pháp” (pháp khó tin). Trong nhà Phật có rất nhiều vị đại Pháp Sư, đại thiện tri thức, đại cư sĩ không tin tưởng. Điều này cũng không lấy gì làm lạ. Vì sao? Vì còn rất nhiều vị A-la-hán, Bích-chi-Phật, rất nhiều vị Bồ-tát cũng không tin, là pháp khó tin mà. Phật nói pháp môn này là “duy Phật dữ Phật phương năng cứu cánh” (chỉ có Phật với Phật mới hiểu được rốt ráo). Khi thành Phật rồi họ mới tin, mới không còn lời gì để nói, mới hoàn toàn hiểu rõ. Thật ra Đẳng Giác Bồ-tát nếu không được Phật lực gia trì thì họ cũng không thể hiểu rõ được. Thế mà chuyện lạ này lại xảy ra. Vì sao chúng ta có thể tin tưởng pháp môn khó tin này? Điều này rất kỳ lạ. Giảng pháp môn này cho bạn, bạn không tin, đó là điều rất bình thường, không kỳ lạ. Nếu bạn tin thì mới là kỳ lạ, điều này không phải là bình thường. Bạn sở dĩ có thể tin, trong kinh này Phật cũng đã nói rất rõ ràng, là do thiện căn phước đức nhân duyên của bạn trong vô lượng kiếp tu hành ở đời trước đến lúc này đã thành thục. Đây là công đức của chính bạn, đồng thời, hiện tại bạn được bổn nguyện của mười phương tất cả chư Phật Như Lai gia trì, đây là tha lực. Pháp môn này gọi là Pháp môn Nhị Lực. Cho nên chúng ta nghe được bộ kinh điển này, nghe được danh hiệu của Phật, có thể sanh tâm hoan hỷ, có thể lý giải được, chịu phát nguyện niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Đây tức là đã được sự gia trì của tất cả chư Phật Như Lai, thật sự không thể nghĩ bàn. Chúng ta nhất định phải tin sâu không nghi.”
Trích từ bài giảng kinh Vô Lượng Thọ lần thứ 9 do pháp sư Tịnh Không chủ giảng năm 1994.