Lời tiên đoán của phương Tây thì nói rất nghiêm trọng, nói rằng ngày tận thế đã đến. Thế nhưng chúng ta không quan tâm đến những lời dự đoán ấy, mà chúng ta hãy tỉ mỉ xem thử xã hội thời nay, chúng ta dùng lý tánh để xem, xem từ chỗ nào? Từ lòng người mà xem, quá đáng sợ! Không thể sánh bằng ba mươi năm trước, lòng người của ba mươi năm trước so với người thời nay thuần hậu, chất phác hơn nhiều. Lòng người thời nay so với lòng người của ba mươi năm trước hoàn toàn là không giống nhau, tự tư tự lợi, tổn người lợi mình.
Người thuở trước cũng có nghĩ lợi mình, nhưng nói chung vẫn không đến nỗi hại người. Người thời nay lại muốn tổn hại người khác, vậy thì làm sao được! Sự động loạn của toàn thế giới, ngay cả khí hậu của địa cầu cũng đã biến đổi, đều không bình thường nữa. Đây là điều mà chúng ta cần phải đề cao cảnh giác. Nếu như không thật sự nỗ lực đoạn ác tu thiện, thành thật niệm Phật, e rằng lúc tai nạn này đến sẽ không có cách gì tránh khỏi, thật sự đáng sợ. Tuy rằng thời gian này rất gần nhưng vẫn còn ba năm, ba năm vẫn còn kịp, nếu như chúng ta thật sự làm được tốt thì vẫn còn kịp.
Bây giờ mà không nỗ lực làm thì không kịp nữa, vì thời gian còn rất ngắn. Cho nên đây là phát Bồ-đề tâm, cảnh giác thứ nhất là thế gian này khổ, biết được Thế giới Tây phương Cực Lạc, chúng ta phải lìa khổ được vui, đây là chân chánh giác ngộ. Giác ngộ thứ hai là phải làm lợi ích cho chúng sanh, phải xả mình vì người.
Chúng ta thử nghĩ xem, điều mà chúng sanh ngày nay cần thiết nhất là gì? Chính là giáo dục của Phật-đà, không gì quan trọng hơn việc này. Cho nên, bên đây chúng ta có mấy vị đồng tu cũng tương đối khó được, họ ở nơi này xây dựng Tịnh Tông Học Hội, hi vọng có thể xây dựng Phật pháp ở nơi đây, thật khó có được! Họ tìm đến tôi, tôi thì tùy duyên, mọi người có cái tâm này thì tôi đến giúp đỡ. Còn nếu như quý vị không có tâm này thì tôi sẽ đến nơi khác, nơi nào có duyên thì tôi sẽ đến nơi đó.
Thế nhưng việc quan trọng nhất là phải bồi dưỡng nhân tài hoằng pháp, vì “người có thể hoằng đạo chứ đạo không thể hoằng người”. Ngày nay kĩ thuật in ấn phát triển, chúng ta đã in ấn được rất nhiều kinh điển, phát đi khắp nơi trên thế giới nhưng tiếc là không có người giảng. Mọi người không những xem không hiểu mà còn hiểu sai đi ý nghĩa, nhất định phải có người giảng. Dó đó ngày nay, việc làm lợi ích chúng sanh lớn nhất không gì vượt hơn việc bồi dưỡng nhân tài giảng kinh, công đức này là công đức bậc nhất, không gì có thể sánh bằng.
Tôi ở đây hy vọng các đồng tu Tịnh Tông Học Hội bên đây hướng đến mục tiêu này mà làm. Tâm lượng phải lớn, không phải vì đạo tràng của mình, không phải vì một địa phương, một quốc gia nào, chúng ta phải vì toàn thế giới. Một quốc gia được tốt nhưng các nơi khác không tốt thì những ngày tháng sinh sống của chúng ta vẫn là rất khó trải qua. Mọi người đều tốt rồi thì đời sống của chúng ta mới trải qua được tốt. Lời xưa của Trung Quốc thường nói: “Một nhà no ấm ngàn nhà oán”.
Bạn là người giàu có, còn người khác thì nghèo khổ, những người nghèo đó sẽ đố kị bạn, oán hận bạn, giờ phút nào cũng muốn hại bạn, cuộc sống của bạn làm sao có thể bình yên được. Khi mọi người đều giàu có rồi thì cuộc sống của chúng ta mới tốt được. Cho nên tầm nhìn phải rộng, phải nhìn cho xa, hi vọng toàn thế giới đều tốt thì chúng ta sẽ tốt. Vậy thì chúng ta phải làm từ đâu? Bắt đầu làm từ việc bồi dưỡng nhân tài hoằng pháp, đây là việc hiếm có khó được.
Người hoằng pháp nhiều rồi, người giảng kinh nhiều rồi, mọi người hiểu được đạo lý của Phật pháp dần dần sẽ giác ngộ, như vậy mới có thể phá mê khai ngộ, mới có thể thể lìa khổ được vui, đây gọi là phát Bồ-đề tâm.
(Trích lục từ bài giảng: Nhận Thức Phật Giáo, tập 03)