Giới luật của nhà Phật vô cùng quan trọng. Đại đức cổ xưa đã đem tất cả kinh mà cả đời Thích Ca Mâu Ni Phật giảng, phân làm tam học giới – định – tuệ, giới là quy củ, giữ quy củ là đắc thiền định. Đạo Phật dẫn dắt chúng ta, không có việc khác, đều là tu thiền định; rời khỏi thiền định thì không phải Phật pháp. Thiền định khởi tác dụng, thì trí tuệ mở ra, trí tuệ, đức tướng của mỗi một người vốn có giống với Phật thì hiện tiền. Cho nên nói: Nhân giới đắc định, nhân định khai tuệ. Do đó, có thể biết, trí tuệ mới là mục tiêu thật sự của việc tu học Phật pháp. Giới là quy củ, người không thể không giữ quy củ, quy củ là căn bản.
Giới, trong nhà Nho nói chính là lễ tiết, nhân nghĩa lễ trí tín, tứ duy bát đức trong nhà Nho nói, những điều này đều là đức hạnh căn bản làm người phải có đủ. “Lễ lạc” mà nhà Nho Trung Quốc nói là phương pháp dạy học tâm hạnh chuẩn mực: “Lễ” dùng để ràng buộc thân thể chúng ta, cử chỉ hành động, lời nói nụ cười của chúng ta đều phải hợp lễ, lễ là tiêu chuẩn của hành vi. “Lạc” dùng để điều tâm, điều dưỡng tính tình, hỷ nộ ai lạc phải trong đó, đừng quá mức. Trong nhà Phật cũng không ngoại lệ, đối với “lễ lạc” cũng hết sức xem trọng. “Giới” thì tương đương với “Lễ”, “Phạn Bối” (tiếng tụng kinh) thì tương đương với “Lạc”. Nếu như “Lễ lạc” đã mất đi rồi, thì công cụ dạy học không còn nữa, công hiệu giáo dục cũng không đạt được rồi.
Thời Phật tại thế, tại sao người thế gian tôn kính Ngài như vậy? Ngay cả là người thời nay, nhắc đến Thích Ca Mâu Ni Phật, cũng vô cùng tôn kính như xưa. Đây là sự cảm hóa của đức hạnh, đức hạnh thì hiển thị trong giới học. Sự hành trì của Phật, không phải là cố làm ra vẻ, mà là một cách hết sức tự nhiên. Giới luật là thân của Phật, thiền là tâm của Phật, giáo là ngôn ngữ của Phật. Thích Ca Mâu Ni Phật giáo hóa chúng sanh dùng thân giáo, dùng ngôn giáo, lão Hòa thượng Hải Hiền dạy người cũng là thân hành ngôn giáo.
Lão Hòa thượng Hải Hiền không biết chữ, cho nên tâm địa thanh thanh tịnh, không có tạp niệm, không có vọng tưởng. Sư phụ của Ngài dạy Ngài niệm một câu “Nam Mô A Di Đà Phật”, một câu Phật hiệu này là thượng thượng thiền, là tổng cương yếu của Như Lai giáo học. Sư phụ căn dặn Ngài phải luôn niệm, đây chính là giới luật cho Ngài, Ngài thật sự thọ trì, không chuyển hướng, tiếp tục niệm mãi. Công việc mà lão Hòa thượng Hải Hiền một đời làm là việc tay chân nặng nhọc; Đại sư Lục tổ Huệ Năng tám tháng trong đạo tràng của Ngũ tổ, Ngũ tổ phân công việc cho Ngài là giã gạo bổ củi, cũng là việc tay chân nặng nhọc: Công phu mà các Ngài dùng là như nhau, đều là đang tu thiền định.
Đại sư Huệ Năng là định tâm ở chỗ không khởi tâm, không động niệm, đây không phải người bình thường có thể làm được; công phu mà lão Hòa thượng Hải Hiền dụng là một câu Phật hiệu, ở trong tất cả thời, tất cả xứ, tất cả cảnh duyên, tâm định trên câu Phật hiệu.
Lão Hòa thượng Hải Hiền hết sức xem trọng trì giới. Ngài thường nói: “Không được phép khai trai phá giới.” Mẹ của Ngài sau khi sống 27 năm trên núi với Ngài, đề xuất muốn trở về sống ở quê nhà, lão Hòa thượng bèn đưa mẹ cùng trở về quê hương. Trong thời gian “Văn Cách” ở đội lao động sản xuất, lão Hòa thượng không có cách nào khác, chỉ có thể ăn rau cạnh nồi trong lúc ăn tập thể, lần này lão Hòa thượng đưa mẹ trở về quê, tự mình mang theo một cái nồi, bởi vì Ngài và mẹ đều ăn chay. Ngài giải thích: “Chúng ta sao có thể ăn cơm người ta? Không được phép khai trai phá giới.” Luật là hành môn. Học giới luật chính là học đời sống của Thích Ca Mâu Ni Phật, học tập oai nghi, cử chỉ của Phật. Lão Hòa thượng Hải Hiền có thể trong cuộc sống của Ngài, vì người nhân thế thị hiện đầy đủ uy nghi.
Buổi chiều phục thiên (tháng nóng nhất mùa hè) năm 2011, Hòa thượng Hải Hiền đã 111 tuổi, một mình cuốc cỏ ở trong ruộng ngô hơi nóng hừng hực. Pháp sư Ấn Chí đau lòng cho sư phụ, ở phía dưới lầu cửa của tháp lâm (quần thể mộ tháp) trải hộp giấy bao bì cỡ lớn, tính làm giường chiếu khi cần, sau đó Pháp sư kéo lão Hòa thượng đi qua, mời Ngài nghỉ ngơi một tí. Lão Hòa thượng nằm xuống nghỉ ngơi theo tư thế nằm kiết tường. Phật Đà quy định chúng xuất gia lúc nằm xuống nghỉ ngơi, bắt buộc giữ kiểu nằm sườn phải, cách nằm kiểu này cũng gọi là ngủ kiết tường. Lão Hòa thượng đi đứng ngồi nằm không mất uy nghi, lúc nào cũng phải làm đến vô cùng hoàn hảo.
Lão Hòa thượng Hải Hiền không những tự mình giới luật tinh nghiêm mà còn dùng giới khuyên nhủ các đệ tử của Ngài. Năm 2009, lúc đó lão Hòa thượng Hải Hiền sống ở chùa Thiên Phật. Một lần, Pháp sư Diệu Liễu sau khi đưa cơm cho lão Hòa thượng xong, rồi tự mình ngồi xổm bên cạnh Ngài, bê bát cơm cũng bắt đầu ăn. Lão Hòa thượng nhìn thấy Pháp sư Diệu Liễu ngồi xổm trên đất ăn cơm, tỏ ra hết sức nghiêm khắc nói với Pháp sư: “Đừng ngồi xổm trên đất ăn! Người xuất gia nhất định phải giữ giới, phải chú ý oai nghi, làm kiểu mẫu tốt cho trời người, không giữ giới không ai thích.”
Lão Hòa thượng còn dùng giới luật khuyến khích đại chúng. Giới luật không chỉ vẻn vẹn là chỉ ngũ giới, thập giới, tỳ kheo giới, Bồ Tát giới, mà càng quan trọng hơn là quy ước sống chung, cũng chính là nói, mọi người trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày với nhau đều phải có quy củ, và nên tuân thủ quy củ này. Trong ngôi chùa nhỏ của Ngài, phải có thể chịu khổ, còn phải giữ giới, mới có thể sống chung với Ngài. Một ngày Trung Thu năm 2012, mấy vị cư sĩ bên ngoài đến chùa Lai Phật. Họ đến tự viện, bèn đến đảnh lễ lão Hòa thượng, song thỉnh cầu lão Hòa thượng nói mấy câu với mọi người. Lão Hòa thượng ngồi ở đó, vừa tiếp tục chẻ củi, vừa nói rằng: “Không có gì để khai thị, chăm chỉ niệm Phật! Trên đời không có việc gì khó, chỉ sợ tâm không chuyên.” Mọi người nghe xong rất hoan hỷ, đều vỗ tay. Lão Hòa thượng nhấn thêm giọng nói: “Thật sự
không có việc gì khó đâu!”
Tiếp sau, lão Hòa thượng bèn hỏi thăm họ từ đâu đến, sau khi nghe đại chúng trả lời từng câu một, lão Hòa thượng cười mà nói rằng: “Tôi đây là miếu nhỏ, ăn là ăn cực, mặc là mặc vá. Chư vị đến đây có thể phải chịu khổ, có thể chịu khổ mới có thể hết khổ. Chư vị không đến, tôi không trách, đến rồi thì phải giữ giới của tôi. Đi đến đâu phải giữ quy củ nơi đó.” Lão Hòa thượng dạy mọi người phải chăm chỉ niệm Phật, trì giới niệm Phật, thân hành của chính Ngài vẫn là trì giới niệm Phật.
Năm 2005, lão Hòa thượng Hải Hiền đã 105 tuổi, vì trang sức kim thân cho nhục thân của sư đệ Pháp sư Hải Khánh mà đi xa đến Quảng Châu, có một nhà thư pháp thấy lão Hòa thượng đã quá 100 tuổi, thân thể lại khỏe mạnh như ngày nào, không cần người chăm sóc, mà còn tư duy nhanh nhạy, rất bội phục Ngài, bèn thỉnh giáo Ngài đạo dưỡng sinh, lão Hòa thượng trả lời ông ấy một cách đơn giản: “Trì giới niệm Phật.”
Trì giới niệm Phật là tổng cương lĩnh của chư Phật Như Lai tự hành hóa tha. Lão Hòa thượng giữ giới luật gì? Tam quy, ngũ giới, thập thiện, lục độ, Ngài giữ vững những điều này, cả đời không có vi phạm, cho nên Ngài có thể đắc định, có thể khai ngộ, có thể tự tại vãng sanh. Tam quy là tổng nguyên tắc, tổng phương hướng, tổng mục tiêu của Phật pháp giáo học. Thứ nhất, “quy y Phật” giác mà không mê. “Quy” là hồi quy, hồi đầu, “y” là nương tựa, “Phật” là giác, ý nghĩa là phải từ trong tất cả mê hoặc điên đảo hồi đầu quay lại nương vào bổn giác
của tự tánh. Cho nên “quy y Phật” tuyệt đối không phải là nương tựa Phật bên ngoài tự tâm, đó gọi là ngoài tâm cầu pháp.
Thứ hai, “quy y Pháp”, chánh mà không tà. Pháp là kinh điển, những điều Phật đã nói, những điều mà Phật đã hành gọi là chánh tri chánh kiến, là tấm gương tốt cho chúng ta, chúng ta từ trong tà tri tà kiến mà quay đầu lại nương theo chánh tri chánh giác, đây là quy y Pháp. Thứ ba, “quy y Tăng”, tịnh mà không nhiễm. “Tăng” đại diện sáu căn thanh tịnh không nhiễm hạt bụi nào, chúng ta từ trong nhiễm ô quay đầu lại, nương theo tâm thanh tịnh. Tam quy là quy y Tam Bảo. Đặc biệt đương lúc nhìn thấy hình tướng Tam Bảo, phải có thể lập tức hồi quang phản chiếu quy về Tam Bảo của tự tánh, đây là đệ tử Phật chân chánh.
Cho nên học Phật là học giác, chánh, tịnh – giác mà không mê, chánh mà không tà, tịnh mà không nhiễm. Phương pháp dùng trong học Phật là trì giới, thiền định và trí tuệ. Phật trước hết dạy người phải trì giới, giới chính là ngũ giới và thập thiện. Ngũ giới là không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không vọng ngữ, không uống rượu. Thập thiện có ba phương diện thân, khẩu, ý: không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm; không vọng ngữ, không lưỡng thiệt, không ác khẩu, không ỷ ngữ; không tham, không sân, không si. Giới và thiện có sai biệt: Thiện là hành thiện, không có tác dụng ràng buộc; giới có tác dụng ràng buộc. Tam quy, ngũ giới, thập thiện là giới luật cơ bản của nhà Phật. Nâng cao hơn nữa, là có lục độ và thập nguyện Phổ Hiền, có thể thành tựu đức hạnh của chúng ta.
Lão Hòa thượng Hải Hiền nói đạo dưỡng sinh của Ngài là “trì giới niệm Phật”. Trì giới là dưỡng thân, niệm Phật là dưỡng tâm: Chúng ta làm tốt ngũ giới, thập thiện mà Phật Pháp nói, chính là dưỡng thân, trong tâm chỉ có A Di Đà Phật, tâm này chính là tốt trong tốt. Ngũ giới cũng chính là ngũ thường mà lão Tổ tông của Trung Quốc đã dạy – nhân, nghĩa, lễ, trí, tín; không sát sanh là nhân, không trộm cắp là nghĩa, không tà dâm là lễ, không vọng ngữ là tín, không uống rượu là trí. Tâm thì sao? Tâm phải thanh tịnh, niệm Phật có thể giúp tâm thanh tịnh, có thể làm cho tâm chuyên nhất, ngoài câu Phật hiệu này ra, không có vọng tưởng, không có tạp niệm, thân tâm thanh tịnh, tự nhiên khỏe mạnh.
Lão Hòa thượng Hải Hiền cả đời không phạm giới, thật đã làm được trì giới niệm Phật. Ngài chịu cực khổ, có thể chịu đựng, nhẫn nhục ba la mật trong lục độ đã làm đến nơi đến chốn. Cả đời lấy giới làm thầy, lấy khổ làm thầy, không tranh với người, không cầu với đời. Không có người chăm sóc Ngài, Ngài tự mình chăm sóc chính mình. Cuộc sống tuy gian khổ, thế nhưng lúc nào đối người tiếp vật Ngài đều là nét mặt rạng rỡ, vui vẻ thân thiện – điều vui mừng này của Ngài là thật, là từ trong nội tâm sanh ra. Ở thế gian này chịu hết đau khổ cũng có thể không khởi tâm động niệm, đây thật là công phu. Lão Hòa thượng Hải Hiền, thật sự là trì giới tinh nghiêm. Ngài không có chấp vào tướng trì giới, nhưng tâm địa Ngài thanh tịnh bình đẳng, đó chính là giới thành tựu.
– Trích sách: Hải Hội Thánh Hiền Lục (Cuộc đời và sự nghiệp của lão Hòa thượng Hải Hiền)