“Đi ngang nhớ cởi nón, cúi đầu.” Nội hay vói theo câu đó khi thấy tui dắt xe đi học mỗi ngày hai bận.
Đường đến trường vắt ngang chùa một đoạn, và nội bảo chạy ngang đó nhớ cởi nón xuống và khẻ cúi đầu. Trước sân chùa có tượng Phật Bà Quan Âm … linh lắm.
Không biết linh hiển thế nào nhưng nhà ai có việc gì dù vui buồn ưu hỷ cũng đến thủ thỉ tâm tư với Người. Dù rằng ai có nói gì Người cũng mĩm cười lặng yên.
Hỏi nội chứ sao Ngài Quan Âm phải ra sân mà đứng không ở trong chùa cho oai vệ trang nghiêm. “Cho người ta dễ thấy, cho gần với đời.!”
Thật vậy, nhờ Ngài chịu khó ra sân gần với con đường vắt ngang chùa, nên ai đi qua dù vội cũng kịp cúi đầu, nhìn vội dung nghi bi mẫn ấy của Ngài cũng đủ gieo chút bình an. Trong đó có tụi tui mấy lúc không thuộc bài cũng niệm thầm nhờ Ngài chở che, mấy kì thi cũng đủ bình tĩnh tự tin bởi đi ngang đó nhặt ánh nhìn bình an.
Mấy bà già trở bệnh, trên đường lên nhà thương ngang qua chùa cũng dừng lại chút xíu cho bà già xá xá. Một đời tượng giữa sân, phơi mưa nắng không nói lời nào chỉ mĩm cười và nhìn đời bằng con mắt thương (qua bàn tay của thợ thầy) cũng đủ làm điểm tựa an yên vững chãi cho xóm làng xứ miệt.
Và thật vậy, Bồ Tát Quan Âm linh lắm đa, hiện thân của Ngài khắp nơi nơi xứ xứ. Nhưng không phải bằng hình tướng bạch y, tay trì tịnh bình dương liễu. Tui thấy Ngài hiện thân bằng danh hiệu “Má” mỗi lúc bệnh ngặt nghèo hay tều tuỵ vì đời, tôi niệm Ngài Quan Âm và Má đến bên tui với chén cháo, nắm thuốc. Tui thấy Ngài hiện thân trong màu áo blouse, là người bác sĩ, là anh công nhân, hay chỉ là đứa bé sáng nay theo mẹ đến chùa lễ vía Quan Âm. Mẹ nó vào chùa lễ Phật, nó không vào, nó ngồi xếp lại từng đôi dép ngay thẳng dưới thềm.
Bồ Tát Quan Âm linh hiển lắm, hoá thân của Người sa số dập dìu chẳng từ nan. Ngài luôn nhìn đời với đôi mắt thương, nhưng muốn tìm thấy Ngài mình cũng phải dùng đôi mắt thương để nhìn đời.
Sáng nay, mình có lướt qua hoá thân nào của Ngài không ?!
Chơn Khánh.