Dù hành giả chọn cách niệm Phật nào mà trong lúc miệng niệm Phật, tâm nhớ nghĩ, quán tưởng về Phật thì được gọi là Định tâm niệm Phật. Còn miệng thì niệm Phật mà tâm cứ suy nghĩ vẫn vương đâu đâu thì gọi là Tán tâm niệm Phật. Sự lợi ích của định tâm niệm Phật rất lớn, còn tán tâm niệm Phật tuy vẫn có công đức nhưng sự thù thắng nguyện trì danh hiệu Phật, thật khó lòng ngày một ngày hai đạt đến sự chuyên nhất trong ba nghiệp. Cần phải trải qua thời gian hành trì, lúc đầu tuy còn tán tâm trong lúc niệm nhưng những chủng tử Phật, những tướng hảo của Phật được gieo vào tàng thức, theo năm tháng huân tập được nhiều lên, công phu tu tập của hành giả trở nên thuần thục, nên những mầm móng Phật, những hảo tướng Phật trong hành giả lúc nào cũng khởi kiện, khiến cho loạn tâm hóa thành Định tâm niệm Phật. Điều cần yếu là hành giả phải kiên tâm bền chí, lúc đầu tuy còn nhiều loạn tâm, nhưng cứ kiên tâm niệm Phật, lâu ngày trở thành thói quen, đi đứng nằm ngồi lúc nào cũng niệm, cũng tưởng nhớ đến Phật, nhất định tâm hành giả sẽ đạt đến trạng thái nhất tâm bất loạn. Đừng ngại loạn tâm mà chỉ sợ lòng mình không bền mà thôi! Ngài Vĩnh Minh Diên Thọ dạy : “Phải dùng tâm thành kính mà niệm Phật liên tục, lúc nào cũng phải giữ tâm trong chánh niệm. Như người bị tử tội sắp đem hành hình, hay người bị mắc nạn nước lửa bức bách, ở trong cảnh thập tử nhất sinh, phải lớn tiếng gọi người lớn cứu mình mới mong thoát nạn”.
Người tu Tịnh Độ phải coi việc niệm Phật gắn liền với tính mạng của mình, không được lãng quên giây phút nào cả. Dù bận công việc, khi đã làm xong, nên trở về ngay với việc niệm Phật. Coi việc niệm Phật là công việc hệ trọng hàng đấu, những việc khác không đáng kể. Ngày nào còn sống, còn thở ra thở vào thì ngày ấy chí thành, chí thiết mà niệm Phật, niệm cho đến khi mãn báo thân này mới mong đạt được nhất tâm bất loạn. Lúc lâm chung nương vào nguyện lực của chư Phật và chư vị Bồ tát mà đới nghiệp vãng sanh Tây phương Cực Lạc, đạt ngôi bất thối.
Trích Chân Thật Niệm Phật Cực Lạc Hiện Tiền
Thích Thiện Phụng