Nếu không có tín nguyện thì dù có trì danh hiệu đến mức gió thổi không lọt, mưa tạt chẳng ướt, giống hệt như tường đồng, vách sắt, cũng không lẽ nào được vãng sanh. Người tu tịnh nghiệp chẳng thể không biết điều này.
Chúng ta phải hiểu rõ đoạn này: Tín tâm nếu lúc có, lúc không, có lúc tợ hồ tin, có lúc lại hoài nghi, nguyện chẳng khẩn thiết. Nguyện chẳng khẩn thiết là vì lẽ nào? Không buông danh văn, lợi dưỡng, ngũ dục, lục trần của thế gian này xuống được! Tín nguyện kiên cố thì bất cứ sự gì trong thế gian cũng buông xuống được, chẳng phải đến lúc mạng chung mới buông xuống, mà buông ngay trong hiện tại. Chúng ta phải hiểu lý sự này, những việc trong hiện tại có cần phải làm hay không? Phải làm chứ! Trong thế gian này, tuy chúng ta hòa quang đồng trần cùng hết thảy chúng sanh, những việc gì nên làm chúng ta đều tích cực nỗ lực làm, nhưng trong tâm không vướng mắc! Trong mười hai thời, một câu Phật hiệu trong tâm niệm niệm không quên.
Thực sự đầy đủ tín nguyện trì danh, cổ đức gọi phương pháp niệm Phật như vậy là “bất hồi hướng pháp môn”. Vì sao gọi là “bất hồi hướng?” Không dùng đến hồi hướng! Mục đích của một câu A Di Đà Phật đối với ta là để cầu sanh về Tịnh Độ, cho nên niệm niệm đều là hồi hướng, trì danh và hồi hướng hợp thành một. Chúng ta chẳng cầu bất cứ gì dù thế gian hay xuất thế gian, ta chỉ có một niềm cầu nguyện là cầu sanh về Tịnh Độ, thân cận Di Đà, nguyện vọng như vậy đó. Bởi thế, gọi là “bất hồi hướng pháp môn”.
Bậc thiện tri thức trong Niệm Phật Đường thường dạy chúng ta hồi hướng để làm gì? Để nhắc nhở quý vị, sợ quý vị quên mất, nhằm ý nghĩa này! Hồi hướng, phát nguyện không phải là nói với Phật mà là để thường tự nhắc nhở chính mình, phải biết chính mình niệm Phật để làm gì? Tu hành để làm gì? Ta đoạn ác tu thiện để làm gì? Ăn chay, niệm Phật để làm gì? Bố thí, cúng dường để làm gì? Quyết định chẳng cầu danh văn, lợi dưỡng thế gian, quyết định chẳng cầu phước báo nhân thiên, chỉ cầu vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, chỉ cầu sớm có ngày thấy được A Di Đà Phật. Bởi thế, pháp môn này gọi là “bất hồi hướng pháp môn”. Dành trọn thời gian niệm kệ hồi hướng để niệm Phật hiệu, tín – nguyện – giải – hạnh của ta (hạnh bao gồm cả hồi hướng) đều gộp trong một câu Phật hiệu. Đó gọi là thuần tịnh, thuần thiện. Tâm địa thanh tịnh, thân, tâm, thế giới, hết thảy đều buông xuống.
Vậy thì nếu tín nguyện có vấn đề, bán tín, bán nghi, có lúc muốn về Tây Phương Cực Lạc thế giới, có lúc không muốn đi, có tâm thái như vậy thì niệm Phật “túng tương danh hiệu, trì chí phong xuy bất nhập, vũ đả bất thấp, như đồng tường thiết bích tương tự” (Dẫu chấp trì danh hiệu đến mức gió thổi chẳng lọt, mưa tạt không ướt, giống hệt như tường đồng vách sắt), mấy câu này hình dung: Dù quý vị niệm một câu Phật hiệu rất giỏi, cổ đại đức nói một ngày niệm mười vạn tiếng hay niệm hai mươi vạn tiếng, tâm – miệng chẳng tương ứng, cho nên rách toạc cổ họng cũng uổng công. Vì sao? “Diệc vô đắc sanh chi lý” (cũng chẳng có lẽ nào được vãng sanh). Quý vị chẳng thể vãng sanh vì quý vị niệm Phật mà tâm và miệng chẳng tương ứng, tâm là gì? “Tâm” chỉ cho tín và nguyện. Quý vị không có tín, chẳng có nguyện. Tin chẳng chân thành, nguyện chẳng thiết tha thì niệm Phật chẳng thể vãng sanh. Niệm Phật như thế nào mới có thể vãng sanh? Niệm Phật thế nào sẽ chẳng thể vãng sanh? “Tu Tịnh nghiệp giả, bất khả bất tri dã” (Người tu Tịnh nghiệp chẳng thể không biết vậy). Chúng ta phải nghiêm túc suy nghĩ, nhất định phải loại trừ những nhân tố khiến cho mình chẳng được vãng sanh, phải sửa đổi, nhất định phải thực sự đáp ứng những điều kiện để được vãng sanh.
PHÁP SƯ TỊNH KHÔNG