Chánh tinh tấn là cố gắng nỗ lực tu tập thiền định, nhất là tọa thiền, dù chưa có kết quả. Nhiều điều vất vả xuất hiện trong giai đoạn này, đau chân, mỏi mệt, kềm chế, loạn tưởng, buồn ngủ, vả mồ hôi, chán nản… Hành giả phải dùng ý chí để vượt qua rất nhiều khó khăn đó. Nhưng nhờ có phước nào đó, nhờ công đức giữ giới kiên trì, nhờ cẩn thận tránh từng lỗi nhỏ, nhờ “thấy được sự nguy hiểm trong từng lỗi nhỏ nhặt”, nên hành giả đủ ý chí để tu tập mãi.
Nhưng cái giá trị của Chánh tinh tấn là phương pháp dụng công thiền định. Có rất nhiều phương pháp tu thiền trên thế giới, trước Phật, đồng thời Phật, sau Phật. Ngay trong đạo Phật, đệ tử tu theo lời Phật dạy, mà cũng xuất hiện nhiều phương pháp mới mẻ khác với lời Phật dạy. Ngay cả người trung thành với lời Phật dạy cũng chưa chắc hiểu đúng lời Phật dạy để dụng công hành trì cho đúng.
Tuy nhiên, nếu ai có lòng tôn kính Phật tuyệt đối, người đó sẽ tự nhiên quyết lòng tìm lại đúng lời Phật dạy, hiểu đúng lời Phật dạy, để dụng công hành trì thật chuẩn xác như ý của Phật đã dạy bảo.
Phật dạy 8 vạn 4 nghìn pháp môn là dạy đủ thứ chuyện trong cuộc sống, nhưng về phương pháp thiền định thì Phật tập trung vào các kỹ thuật pháp môn như sau:
– Quán thân vô thường, từ lúc trẻ khỏe đến lúc già chết, đến lúc thân tan hoại chẳng còn gì.
– Ngồi kiết già bất động nơi thanh tịnh vắng vẻ.
– Cảm giác toàn thân, an trú toàn thân.
– Theo dõi hơi thở ra hơi thở vào, không dằn ép, không cố gắng điều khiển dài ngắn, biết mà không điều khiển.
– Vừa biết hơi thở, vừa cảm giác toàn thân, biết rõ toàn thân, an trú toàn thân.
Với kỹ thuật này, hành giả “chiến đấu” suốt giai đoạn Chánh tinh tấn. Không biết chừng nào sẽ xuất hiện kết quả Tỉnh giác chánh niệm, nhưng cứ kiên trì mãi. Cũng có khi tọa thiền được chút an lạc, nhưng rồi lần khác tâm loạn lại. Có khi ngồi được lâu, có khi ngồi rất ít.
Hành giả phải cố gắng nhớ thân vô thường trong từng phút giây của cuộc sống, chứ chẳng phải chỉ dụng công trong lúc tọa thiền mà thôi. Hành giả phải gây tạo từng chút công đức lành trong cuộc sống mãi để tích lũy Phúc cho dày.
Nguồn trang THIỀN TÔN PHẬT QUANG