Kinh Phạm Võng nói: “Đệ tử Phật không được tự mình giết, bảo người giết, dùng phương tiện giết, khen ngợi việc giết, thấy giết lòng vui theo. Không dùng bất kỳ phương pháp nào, ngay cả đọc chú, để giết hại. Không được tạo nhân giết hại, duyên giết hại, phương pháp giết hại, nghiệp giết hại. Cho đến hễ chúng sinh nào có mạng sống, thì không được cố ý giết hại. “Tự mình giết” tức là chính mình thực hiện hành động kết liễu mạng sống của chúng sinh; bao gồm cả hành động tự sát. “Bảo người giết” tuy là không tự tay giết hại nhưng bảo người khác thực hiện hành động sát sinh, hoặc sai người thay mình đến nơi khác để sát sinh. Như vậy tội “tự mình giết” và “bảo người giết” đều nặng như nhau.
– Hỏi: Một người bà con của tôi là bác sĩ phụ khoa, nếu một sản phụ gặp khó khăn về kinh tế hoặc đã có con cái đông đúc v.v. thì bác sĩ đó có nên giúp người đó phá thai không?
– Đáp: Nếu bạn là bác sĩ và có bệnh nhân hỏi bạn có nên phá thai không, bạn cần phải khuyên họ chớ nên phá thai. Đừng bao giờ nói rằng: “Nếu gặp khó khăn về kinh tế thì đem đứa nhỏ phá bỏ đi”. Nếu bạn khuyên người đó phá thai thì bị phạm vào giới “bảo người giết”.
Khoảng 30 năm về trước, tôi xem trên báo có bài viết về việc các y tá trẻ không dám trực ca đêm tại một bệnh viện phụ sản. Bởi vì trong phòng thủ thuật đình chỉ thai nghén ở tầng hai vào ban đêm thường hay vọng lại tiếng khóc của trẻ sơ sinh. Nhưng do gia cảnh khó khăn, nên cô y tá ấy tình nguyện làm ca đêm để có thêm thu nhập. Dù phòng giải phẫu ở tầng hai của bệnh viện lúc về đêm vắng người thường hay vang vọng rõ ràng tiếng trẻ con khóc, cô cũng chẳng lấy làm lạ mà cứ tiếp tục công việc trực ca đêm của mình.
– Có một hôm, lúc cô chuẩn bị giao ca vào sáng sớm thì có một sản phụ sắp sửa lâm bồn đến bệnh viện, người sản phụ trông vẻ rất lo âu. Khi cô trở lại trực đêm tối hôm đó thì biết tin sản phụ kia đã qua đời vì sinh khó. Không may, cha của đứa bé không đến bệnh viện nên đứa bé được đặt trong phòng dưỡng nhi. Cô chẳng biết do nhân duyên gì, tự nhiên đặc biệt ân cần chăm sóc đứa bé; có lẽ là do thương hại đứa bé bị mất mẹ! Cô chăm sóc đứa bé vài hôm thì cha của đứa bé đến nhận con về. Ngay đêm đó khi cô y tá bất chợt ngủ gục, trong mơ, cô thấy bà mẹ sinh khó kia đến và nói với cô: “Cám ơn cô đã giúp tôi săn sóc cho đứa bé nhiều ngày qua. Tôi sẽ phụ giúp cô chăm sóc các em bé khác”. Kể từ đêm hôm đó, khi cô đến trực ca đêm, phòng giải phẫu tầng hai không còn tiếng khóc của trẻ sơ sinh vang vọng lại nữa!
– Qua câu chuyện này, bạn có tin rằng các thai nhi chưa sinh ra đời có tính linh hay không? Nếu đem bào thai cắt ra khỏi cơ thể người mẹ, thì tính linh của bào thai đi đâu? Những hương linh thai nhi sẽ tồn tại dưới dạng tâm thức năng lượng, tần sóng rung động yếu ớt, lang thang vô định không nơi bám víu che chở, vô cùng tội nghiệp? Họ sẽ ôm mối oán thù để đòi những người cùng mang món nợ sinh mạng này với họ.
– Hỏi: Nếu vợ phá thai thì chồng có phải chịu quả báo không?
– Đáp: Phá thai không chỉ tiêu diệt một sự sống, mà còn hủy hoại cả thân tâm người mẹ, vì đó là một vết thương lòng không gì có thể hàn gắn bù đắp được; người cha càng không thể chối cãi trách nhiệm vả suốt cả đời mang nặng mối ân hận vì tội lỗi này.
– Tôi có gặp một người đàn ông bị mắc bệnh ung thư, hy vọng nương vào Phật lực và Bồ Tát cứu giúp ông. Khi được hỏi: “Ông có từng giết người không?”, ông nói: “Tuyệt đối không có! Ngoại trừ khi tôi uống rượu say lái xe, vô ý đụng chết người mà không biết”. Nhưng khi hỏi kỹ hơn thì ông mới nhớ ra vợ mình đã từng phá thai. Cho nên, những sinh mạng này đến để đòi nợ ông! Ông cũng nói với tôi rằng bản thân rất chú trọng sức khỏe, mỗi ngày đều vận động để gìn giữ sức khỏe, nhưng chẳng biết tại sao lại có thể mắc chứng bệnh ung thư.
– Bạn trì giới thì có công đức của việc trì giới; phá giới thì có nghiệp báo của việc phá giới. Nói theo lý nhân quả, dù có hay không có thọ giới, nhân quả đều tồn tại. Việc phá thai là sai lầm. Tôi đã từng thấy giữa những bài vị siêu độ, có mười mấy bài vị thai nhi chưa ra đời cùng có chung một bà mẹ cầu siêu cho chúng, khiến tâm tôi lo sợ cho bậc cha mẹ đó đã mắc nợ quá nhiều sinh mạng! Con người hiện đại vô minh chẳng biết nên tạo thành tầng tầng lớp lớp vô minh trong đời vị lai, giống như quả cầu tuyết càng lăn càng lớn thêm!
– Hỏi: Vậy có cách nào để hóa giải nỗi oán hận của hương linh các thai nhi không?
– Đáp: Trong “Kinh Lăng Nghiêm”, Đức Phật dạy: “Nếu dùng tài vật, hoặc công sức lao lực bồi thường đủ thì nợ sẽ tự chấm dứt. Nếu như giữa lúc trả nợ đó lại giết hại thân mạng hoặc ăn thịt lẫn nhau thì như thế mãi cho đến trải qua vô số kiếp, giống như bánh xe xoay chuyển lúc lên cao lúc xuống thấp, xoay chiều đổi liên tục chẳng ngưng nghỉ. Trừ phi tu Xa Ma Tha hoặc đến khi Phật ra đời, nếu không mối nợ đó sẽ chẳng thể dừng”. Giữa chúng sinh với nhau nếu có nợ về phương diện tiền bạc, thì dầu là sinh thân người hoặc thân súc sinh, hoặc ở đời này hoặc đời sau, hoặc là dùng tiền vật, hoặc dùng công sức lao lực, phải trả sòng phẳng cho nhau. Nợ trả đủ rồi, nghiệp báo như vậy đối với nhau đều chấm dứt.
– Thế nhưng nếu như là món nợ mạng sống thì sao? Lúc kết oán lẫn nhau thì hoặc đem đối phương giết hại hoặc ăn thịt đối phương. Anh ăn thịt của tôi, thì tôi sẽ giết thân mạng anh; tôi ăn thịt anh, thì anh lại sẽ giết thân tôi; giống như bánh xe lăn mãi chẳng có lúc ngừng. Chỉ đến lúc đó đôi bên đều rõ thấu hiểu lẫn nhau rồi, không tạo thêm nghiệp nữa, như thế mới chấm dứt được món nợ.
– Nếu không thì món nợ máu sâu như biển cả này, rất khó nguôi ngoai. Bạn hãy suy nghĩ mà xem, một sinh mạng chưa kịp ra đời thì đã thành những hương linh chết oan uổng. Những hương linh này rất khó hòa giải, bởi vậy cần phải gặp người có đạo hạnh, không tham tài lợi, mới có thể siêu độ cho họ được. Đồng thời, cha mẹ cần phải luôn thành tâm sám hối, nỗ lực làm thêm nhiều thiện hạnh tích lũy công đức, và niệm hồng danh Phật thường xuyên để hồi hướng cho thai nhi.
(Nguyên tác: “Thai nhi vô tội – Innocent Little Ghosts”)
(Hòa thượng Tuyên Hóa)