Giảng kinh, Hòa Thượng Tịnh Không

[Media] Lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam dạy tôi lấy Đại Sư Ấn Quang làm thầy

Lời Dạy Ngắn Hữu Ích Của Pháp Sư Tịnh Không

Chúng ta được xem là có may mắn, vô lượng kiếp đến nay có được chút thiện căn phước đức nhân duyên, gặp được chánh pháp. Nếu bạn muốn tu học có thành tựu, không luận xưa nay trong và ngoài nước, vẫn là một quy củ xưa, nguyên tắc xưa, vĩnh viễn không thể thay đổi, đó chính là thầy giáo. Thích Ca Mâu Ni Phật ở trong “A Nan Vấn Sự Phật Kiết Hung Kinh”, câu thứ nhất liền dạy cho chúng ta “thân cận minh sư, thân cận thiện tri thức”. “Kinh Hoa Nghiêm” sau cùng làm ra một điển phàm cho chúng ta xem, đó là Thiện Tài Đồng Tử tham phỏng thiện hữu (thiện hữu là lão sư), tầm sư học đạo. Chúng ta có thể học Thiện Tài hay không? Không có tư cách! Điều kiện thế nào mới có thể giống như Thiện Tài tầm sư học đạo vậy? Nhà Phật có tiêu chuẩn (ngày trước nhà Nho cũng có tiêu chuẩn), nhất định bạn phải khai ngộ, Năm Mươi Ba Tham là sau khi ngộ rồi khởi tu. Thiện Tài Đồng Tử khai ngộ rồi. Ngài ngộ là cảnh giới gì vậy? Trong Thiền tông Trung Quốc gọi là “đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh”, đây là cảnh giới của Ngài. Lão sư của Ngài là Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát. Văn Thù biểu thị trí tuệ, từ nơi Bồ Tát Văn Thù mà khai trí tuệ, hay nói cách khác, vọng tưởng, phân biệt, chấp trước của Ngài đã đoạn rồi, kiến tư phiền não không còn, trần sa phiền não không còn, vô minh cũng phá một phẩm, đây là Ngài ở dưới hội của Văn Thù Sư Lợi. Văn Thù là lão sư của Ngài, Ngài có sư thừa. Phá một phẩm vô minh, chứng một phần pháp thân, dùng lời hiện tại của chúng ta mà nói là bạn tốt nghiệp rồi, người xưa gọi là xuất sư, bạn có thể rời khỏi lão sư, có thể có tư cách ra bên ngoài tham học. Nếu như bạn có một phẩm vô minh chưa phá thì bạn không có tư cách tham học. Đây là sợ điều gì vậy? Nghe cái này không tệ, nghe cái kia cũng không tệ, tín tâm của bạn liền dao động, tiền đồ của bạn bị hủy mất rồi. Cho nên, lão sư đối đãi học trò, ràng buộc rất là nghiêm khắc.

Ngày trước, tôi trải qua học tập, đã từng nói qua với các bạn rất nhiều lần, cung cấp cho các bạn làm tham khảo, nếu bạn muốn thật có thành tựu thì phải giữ quy củ xưa. Hiện tại thiện tri thức không chỉ là có thể gặp không thể cầu, gặp cũng không thể gặp được, cầu thì không cần phải nghĩ. Ở thời đại này của chúng ta phải làm sao? Đại đức xưa, thiện hữu trước một đời dạy bảo chúng ta, làm đệ tử tư thục của người xưa, biện pháp này thì tốt. Tìm một vị Đại đức xưa làm lão sư. Người đó đã không còn, người không còn mà trước tác của họ còn. Lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam dạy tôi lấy Đại Sư Ấn Quang làm thầy. Đại Sư Ấn Quang là thầy của Lão cư sĩ. Thầy khiêm tốnnói: “Chúng ta là đồng học, chúng ta đều nương theo Đại Sư Ấn Quang”. Làm cách nào để nương theo? Ngày ngày đọc “Văn Sao”, ngày ngày học tập “Văn Sao”. “Văn Sao” là Đại Sư Ấn Quang giáo huấn đối với đại chúng. Chúng ta phát nguyện làm học trò tốt của Đại Sư Ấn Quang, tiếp nhận pháp của Ngài, y giáo phụng hành, đây chính là học trò của Đại Sư Ấn Quang. Đến lúc nào chính mình chân thật có giác ngộ, có kiến địa rồi (kiến địa là có năng lực phân biệt tà chánh, phải quấy, chân vọng của thế xuất thế gian pháp), thì bạn liền có thể đi tham học. Nếu không có năng lực phân biệt thì bạn không thể tham học. Việc này chính mình phải biết. Vì hiện tại không có người ràng buộc bạn, nên chính mình cần phải ràng buộc chính mình. Nếu như không có năng lực, nghe người khác nói chuyện, còn bị cảnh giới bên ngoài dao động, vậy thì làm sao được? Bạn sẽ sanh ra nghi hoặc đối với chính mình đã học, vậy thì có đáng sợ không?

Thí dụ, ngày nay chúng ta học quyển Kinh này, đây là bổn hội tập mới, được hội tập 70 năm trước, Lão cư sĩ Hạ Liên Cư truyền cho học trò của Ngài. Ở Trung Quốc đại lục, tiếp nhận truyền thừa là lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ. Ngoài ra, Ngài còn có một học trò cũng là người tại gia, cư sĩ Hoàng Lô Sơ thân cận Hạ lão nhiều năm, là bạn học với lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ. Trong bạt văn có nhắc đến ông. Về sau ông đến Đài Loan, xuất gia ở Đài Loan, là Pháp sư Luật Hàng. Ở tại Đài Trung, bổn hội tập này chính là Pháp sư Luật Hàng mang đến Đài Loan. Lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam giảng Kinh nói pháp ở Đài Trung, ông đem quyển này tặng cho lão sư Lý. Lão sư Lý vừa xem qua rất là hoan hỉ, vì phía trước có một thiên lời tựa rất dài là do thầy của ông – cư sĩ Mai Quang Hi viết. Cư sĩ Mai Quang Hi là lão sư của cư sĩ Lý Bỉnh Nam, giáo lý của lão sư Lý là học với Ngài. Lão sư Lý cũng có mấy vị lão sư, Tịnh Độ là Đại Sư Ấn Quang truyền, cho nên có một cội nguồn như vậy, có truyền thừa của thầy. Mai lão và Hạ lão là bạn học, duyên của hai vị này rất sâu, quan hệ rất là tốt, tuổi tác cũng gần bằng nhau. Lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ nói với tôi: “Cuối đời, Mai Quang Hi bái cư sĩ Hạ Liên làm thầy”. Sự việc này rất ít người biết được. Mai Quang Hi là cậu của cư sĩ Hoàng Niệm Tổ. Cuối đời có thể bái bạn học làm thầy, nếu không phải là bội phục đến sát đất thì làm sao có thể làm được? Không phải người thông thường! Các Ngài đã truyền thừa bộ Đại Kinh này. Cho nên, Lý lão sư sau khi tiếp nhận được quyển Kinh này thì lập tức liền khai giảng ở Đài Trung, đồng thời chính ông cũng viết ra mi chú (chúng ta đều in nó ra, các vị xem thấy quyển mi chú này viết vào năm 1950, năm nay vừa đúng 50 năm).

– HT. Tịnh Không, Kinh Vô Lượng Thọ 10, tập 157, Vọng Tây cư sĩ dịch.

 

Được gắn thẻ ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *