Chúng ta hiện tại mỗi một vị đồng tu đều rất là ngưỡng mộ trí tuệ của Phật Bồ Tát, ngưỡng mộ tướng hảo của Phật Bồ Tát. Phật đích thực dạy bảo chúng ta, chúng ta phải có thể nghe hiểu, phải có thể lý giải, phải có thể tin tưởng, phải có thể y giáo phụng hành. Y giáo phụng hành là gì? Nỗ lực đi chuyển cảnh giới. Chúng ta mê được quá lâu rồi, mê được quá sâu rồi, chuyển cảnh giới làm gì mà dễ dàng như vậy? Thế nhưng không thể không chuyển, nếu không chuyển thì bạn không thể thành tựu, bạn vẫn cứ là phải luân hồi sáu cõi. Sáu cõi luân hồi là quá đáng sợ, chúng ta không thể không biết.
Việc lớn thứ nhất là khai mở trí tuệ. Trí tuệ từ chỗ nào mà khai mở? Từ tâm thanh tịnh mà khai mở. Làm thế nào được tâm thanh tịnh? Buông xả duyên lự thì tâm của bạn mới được thanh tịnh. Chúng ta có thể chân thật buông xả hay không? Vào thời xưa, hoàn cảnh tu học tốt, mê hoặc ngoài thân ít, cho nên tương đối dễ dàng thành tựu. Hiện tại chúng ta học Phật, thực tế mà nói là đại nạn, tâm của chúng ta không thể định lại. Nếu như chúng ta hơi lưu ý một chút thì chúng ta liền sẽ phát hiện. Người xưa đã nói: “Phụ bất phụ, tử bất tử”. Xã hội này ngày nay là như vậy. Tiên sinh Phương Đông Mỹ năm xưa nói với tôi (lời nói này là sắp gần 50 năm trước, đã nửa thế kỷ rồi, khi tôi học triết học với lão sư Ngài, muốn đến trường học để nghe bài giảng của thầy): “Trường học ngày nay, tiên sinh không giống tiên sinh, học trò không giống học trò”. Ngay lúc đó, tôi nghe lời nói này rất không dễ gì thể hội được ý nghĩa này, nhưng hiện tại tôi hoàn toàn tường tận. Hiện tại cả thảy xã hội, chân thật là tiên sinh không giống tiên sinh, học trò không giống học trò. Chúng ta muốn học gì đó, rốt cuộc theo học với ai thì không biết được, vậy bạn còn có thể học ra được hay sao? Bạn nói: “Tôi theo vị thầy này học”, điều này thì chưa thấy được, người khác nói vài câu thì bạn nghe lời họ, lập tức liền đi theo họ, bội sư phản đạo. Thế nhưng cái tội danh này không nên gán cho bạn, vì sao vậy? Bạn vốn dĩ không hề xem người đó là thầy giáo thì làm gì có bội thầy phản đạo chứ? Bạn vốn dĩ không có thầy, bạn cũng không có đạo. Người bội thầy phản đạo, họ còn có thầy, họ còn có đạo, còn hiện tại là bạn căn bản ngay thầy và đạo đều không có, vậy thì bạn bội cái gì, phản cái gì? Cho nên nói, bội thầy phản đạo đó là tôn trọng họ, đề cao họ, cho dù bất cứ người nào nói cũng đều nghe.
– HT. Tịnh Không, Kinh Vô Lượng Thọ 10, tập 157, Vọng Tây cư sĩ dịch.