Ấn Quang Đại Sư, Lời dạy của đức phật

Niệm Phật thì đừng nên dùng pháp quán tâm mà hãy dùng pháp nhiếp tâm

Niệm Phật thì đừng nên dùng pháp quán tâm mà hãy dùng pháp nhiếp tâm- Đại Sư Ấn Quang
Trong kinh Lăng Nghiêm, Bồ Tát Ðại Thế Chí dạy: “Nhiếp cả sáu căn, tịnh niệm tiếp nối, đắc tam ma địa, ấy là bậc nhất”.
Lúc niệm Phật, cái niệm trong tâm (ý căn) cần phải rõ ràng, phân minh, câu niệm nơi miệng (thiệt căn) phải phân minh, rõ ràng; tai (nhĩ căn) phải nghe sao cho rõ ràng, phân minh. Ba căn: tai, miệng, lưỡi, căn nào cũng dốc hết vào câu Phật hiệu thì mắt chẳng thể lườm Ðông, nguýt Tây, mũi chẳng thể ngửi các mùi hương khác, thân chẳng thể lười biếng, giải đãi. Ðấy là “nhiếp cả sáu căn”.
Nhiếp cả sáu căn thì dù chưa thể hoàn toàn hết vọng niệm nhưng so với kẻ chẳng nhiếp sáu căn thì tâm thanh tịnh hơn rất nhiều. Vì thế gọi là “tịnh niệm”.
Nếu có thể giữ cho tịnh niệm thường liên tục, chẳng có lúc gián đoạn thì tâm sẽ tự có thể quy về một chỗ, cạn thì đắc Nhất Tâm, sâu thì đắc tam muội.
Nếu thật có thể nhiếp cả sáu căn mà niệm thì nghiệp chướng quyết định tiêu trừ, căn lành tăng trưởng, chẳng cần phải quán tâm mà tâm tự thanh tịnh, minh bạch, đâu lại đến nỗi mắc phải căn bịnh tâm hỏa nóng nảy?
Quán tâm là cách tu quán căn bản của bên Giáo, chẳng thích hợp với căn cơ người niệm Phật. “Nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối “mới là pháp thâm diệu thích hợp với hết thảy các căn cơ: thượng, trung, hạ, hoặc thánh hoặc phàm.
Cần phải biết là việc “nhiếp trọn” đó chuyên chú nơi cái nghe, tức là niệm thầm trong tâm cũng phải nghe vì trong tâm khởi niệm là đã có thanh tướng. Tự tai mình nghe tiếng của chính tâm mình, nhưng phải sao cho rành rẽ, rõ ràng, sao cho thật sự nghe được từng chữ, từng câu rõ ràng thì lục căn mới quy về một chỗ.
So với tu những các pháp quán khác thì cách tu này ổn thỏa, thích đáng nhất, ít tốn sức nhất nhưng lại khế lý, khế cơ nhất.
Tuy niệm Phật quý ở chỗ tâm niệm,nhưng chẳng thể bỏ miệng tụng vì ba thứ: thân, khẩu, ý hỗ trợ nhau. Nếu tâm có thể ức niệm, nhưng thân chẳng lễ kính, miệng chẳng trì tụng thì cũng khó được lợi ích. Vì thế, kinh Ðại Tập có dạy: “Ðại niệm thấy đại Phật, tiểu niệm thấy tiểu Phật”. Cổ đức bảo niệm Phật lớn tiếng thấy thân Phật lớn, niệm nhỏ tiếng thấy thân Phật nhỏ!
Phàm phu đầy dẫy triền phược tâm lắm hôn trầm, tán loạn, nếu chẳng nhờ vào sức lễ, tụng của thân, miệng mà muốn đắc Nhất Tâm thì không có cách nào được!
Pháp môn Niệm Phật chú trọng Tín, Nguyện. Có Tín, Nguyện thì dù chưa được Nhất Tâm vẫn được vãng sanh. Dù đắc Nhất Tâm, nhưng thiếu Tín, Nguyện thì cũng chẳng được vãng sanh!
Người đời hay chú trọng vào Nhất Tâm, chẳng đặt nặng Tín, Nguyện. Ðã bỏ mất điều trọng yếu, lúc sống lại chẳng đạt Nhất Tâm, sợ rằng bị trở ngại, chẳng được vãng sanh toàn là vì trái nghịch với điều kiện: tin chơn thành, nguyện thiết tha vậy. Do vậy, càng phải tăng thêm tín nguyện để đạt Nhất Tâm thì mới là suy nghĩ đúng lối.
Nếu vì chẳng đạt được Nhất Tâm nên thường cứ nghĩ mình chẳng thể vãng sanh thì sẽ thành ra ý nghĩ bại hoại. Chẳng thể chẳng biết điều này!
Niệm Phật cốt yếu là để thoát sanh tử, mà đã vì sanh tử thì nên tự sanh tâm nhàm chán nỗi khổ sanh tử, tự sanh tâm ưa thích sự vui nơi Tây Phương. Có như thế thì hai pháp Tín và Nguyện thường được trọn vẹn.
Lại thêm chí thành, khẩn thiết như con nhớ mẹ thì ba pháp: Phật lực, Pháp lực, tự tâm tín nguyện công đức lực hiển hiện trọn vẹn như mặt trời rực rỡ trên không, dù có sương dày, băng đóng tầng tầng thì cũng chẳng bao lâu sẽ biến mất ngay!
Muốn tâm chẳng tham sự việc bên ngoài chỉ chuyên niệm Phật, người chẳng chuyên muốn cho được chuyên, người chẳng thể niệm muốn cho niệm được, người chưa được nhất tâm muốn họ đắc nhất tâm v.v… cũng chẳng có cách nào áo diệu, lạ lùng, đặc biệt chi cả! Cứ lấy một chữ Chết dán chặt lên trán, phủ xuống tận lông mày, tâm thường niệm rằng:
“Tôi tên là… từ vô thỉ cho đến đời hiện tại này đã tạo ác nghiệp vô lượng, vô biên. Giả sử ác nghiệp mà có thể tướng thì mười phương hư không chẳng chứa đựng hết được.
Ðời trước có may mắn chi mà nay được thân người, lại được nghe Phật pháp. Nếu chẳng nhất tâm niệm Phật cầu sanh Tây Phương thì khi một hơi thở không hít vào được nữa, quyết định sẽ phải thọ khổ nơi vạc sôi, lò than, rừng gươm, núi đao nơi địa ngục.
Dù thoát được địa ngục, lại đọa trong ngã quỷ, súc sanh. Dù được làm người thì ngu si tạo nghiệp nên lại đọa lạc, trải qua kiếp số nhiều như vi trần luân hồi sáu nẻo, dù muốn xuất ly vẫn chẳng thể được”.
Niệm được như thế, cầu được như trên thì ngay khi đó sẽ tu tập. Vì thế trong kinh nhắc đi, nhắc lại: “Nghĩ khổ địa ngục, phát Bồ Ðề tâm”. Ðấy chính là điều khai thị tối thiết yếu của đấng Ðại Giác Thế Tôn.
Lúc niệm Phật phải thường nghĩ đến lúc chết phải đọa địa ngục thì chẳng khẩn thiết cũng sẽ tự khẩn thiết, chẳng tương ứng cũng tự tương ứng. Dùng cái tâm sợ khổ để niệm Phật chính là pháp mầu bậc nhất để thoát khổ, đó cũng là pháp mầu tùy duyên tiêu nghiệp bậc nhất.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *