“Tôn thánh kính thiện, nhân từ bác ái”, đây là hai câu kinh văn. Cảnh Hưng nói: “Thánh thông Phật tăng, thiện là pháp thế xuất thế, là của báu vô thượng, nên phải kính, ở đây tức là Tam Bảo”. Tối tôn quý trong thế xuất thế gian được gọi là quí giá, cũng không qua Tam bảo. Tâm tôn kính của người bây giờ hoàn toàn biến mất, xã hội ngày nay tôn và kính này là hữu danh vô thực, nó là nguồn gốc của hết thảy thiện pháp thế xuất thế gian. Hai chữ này không còn nữa, cũng chính là nói thiện pháp bị đoạn tuyệt. Thiện không có, đương nhiên ác sanh khởi. Bởi thế mới nói pháp ác hiện tại rất hưng thịnh. Thiện chiêu cảm lấy kiết tường hòa thuận, nhân từ; ác chiêu cảm lấy thiên tai thống khổ, trong kinh này gọi là đau đớn thiêu đốt.
Chúng ta sanh trong xã hội hiện nay, đọc đoạn kinh văn này cảm khái rất sâu sắc! Thế giới này vì sao biến thành như vậy? Thế giới này còn có thể trở lại bình thường chăng? Trong thiên hạ biết bao người đều có nghi hoặc này, lãnh đạo cao cấp cũng không ngoại lệ. Hầu như lòng tin đối với sự an định hòa bình đều không có. Nguyên nhân này rốt cuộc là do đâu? Vì sao ngày xưa xã hội tốt như vậy, cõi nước của Chư Phật Bồ Tát rốt đẹp đến thế, chúng ta có nỗ lực tư duy quan sát chăng? Bình tĩnh nỗ lực tư duy quan sát quý vị sẽ thấy, nguyên nhân đầu tiên của mọi sự tốt đẹp trong thời thạnh thế là dạy học, thế giới Cực Lạc của Phật Bồ Tát, cũng dựa vào dạy học mà thành tựu.
Xã hội hiện tại của chúng ta không còn truyền thống dạy học này, rất nhiều trường học đang dạy, nhưng là dạy kỹ thuật, dạy tri thức. Không dạy luân lý đạo đức, không dạy trí tuệ biết làm người. Nói các khác, giáo dục của thánh hiền, giáo dục tương ưng với bản tánh không còn. Dùng danh từ Phật pháp để nói, giáo dục hiện tại là ngoài tâm cầu pháp, trong Đạo Phật gọi ngoài tâm cầu pháp là ngoại đạo. Ngoại đạo nhiễu loạn, không thể khôi phục bình thường. Đây chính là nguyên nhân động loạn của xã hội ngày nay, là nguồn gốc thiên tai trên địa cầu.
Nếu chúng ta thật sự hiểu, thật sự minh bạch, vậy xin hỏi xã hội có thể khôi phục bình thường chăng? Địa cầu có thể khôi phục bình thường chăng? Đáp án là khẳng định, chỉ cần quý vị dạy học, vì sao vậy? Vì khi con người thật sự học được, họ mới minh bạch, mới giác ngộ, mới chịu quay đầu, đạo lý chính là như vậy. Nếu như không nỗ lực dạy, không siêng năng học. Người dạy không nỗ lực dạy, người học không siêng năng học, nhất định không thể tránh khỏi thiên tai. Quý vị muốn hỏi do nguyên nhân gì? Đây là định luật của quả báo, nhân thiện chiêu cảm quả thiện, nhân ác nhất định chiêu cảm ác báo. Nghiệp nhân quả báo không sai chút nào, khoa học cũng không cách nào thoát khỏi.
Người nỗ lực dạy, như Khổng tử, như Đức Phật. Những gì các ngài dạy các ngài đều đã thực hành, mà còn thực hành rất triệt để, thực hành vô cùng rốt ráo, vì sao vậy? Vì viên mãn tương ưng với tánh đức. Người học phải siêng năng học tập, phải nỗ lực hành trì tất cả những gì mình học được, như vậy mới khởi tác dụng cảm ứng, mới có thể khôi phục xã hội nhiễu nhương này trở lại bình thường. Thời loạn khôi phục hòa bình, những thiên tai trên địa cầu, những biến dị trong trời đất cũng khôi phục bình thường, vì sao vậy? Vì cảnh tùy tâm chuyển. Chúng ta có thể thực hiện hết những giáo huấn trong kinh Phật.
Cho nên điều cấp thiết đầu tiên, chúng ta có tâm tôn thánh kính thiện chăng? Cổ nhân chúng ta nói: “tôn thiên tín tổ”, nhà nào không tin tổ tông? Mỗi gia đình trung lưu trong dân gian đều có ngôi nhà, quý vị xem gian nhà chính giữa, ngày xưa gian nhà giữa là phòng chính, ở giữa thờ tổ tiên. Người học Phật thờ Phật, còn người không tin Phật đều thờ bài vị tổ tiên, đây là kính tổ, con người không thể quên gốc. Quý vị kính tổ, giáo huấn của tổ tông có thể không nghe chăng? Giáo huấn của tổ tông ở đâu? Ngày xưa mỗi gia đình đều có từ đường, mỗi từ đường đều có gia phổ, trong gia phổ có gia huấn, có gia quy. Đó là tổ tông lưu lại cho đời sau, hy vọng hậu nhân từ đời này qua đời khác tuân thủ, như vậy là kính tổ.
Người bây giờ như thế nào? Khinh mạn thánh hiền, bất kính tổ tông, cuồng vọng tự đại, cho rằng năng lực bản thân vượt qua tổ tông rất nhiều: “tổ tông có gì đáng để tôn kính đâu? Thánh hiền đều là gạt người”. Quan niệm này, cắm rễ kiên cố ở trong vọng tâm, nên con người bây giờ không dễ dạy.
Rất nhiều gia trưởng gặp tôi đều nói, bây giờ con cái khó dạy. Trẻ con thật sự khó dạy ư? Nếu nói thật thì quý vị không biết dạy, không phải khó dạy, vì sao quý vị không biết dạy? Vì quý vị không làm được, thử nghĩ lại xem quý vị đối với cha mẹ mình như thế nào? Quý vị nghe cha mẹ dạy bảo chăng? Nếu không nghe cha mẹ dạy bảo, con cái quý vị nghe lời mình chăng? Báo ứng tuần hoàn, đây là nhân quả báo ứng.
Ngày xưa làm người lớn không như vậy, làm người lớn bất luận có được học hay không_đây là phong tục tập quán của quê hương chúng tôi, đọc sách hay không không quan trọng, quan trọng là biết cách làm người. Từ nhỏ cha mẹ đã làm gương, làm mô phạm cho chúng ta, chúng ta xem họ xử sự đối nhân tiếp vật như thế nào, ngày ngày thấy, tự nhiên sẽ học theo. Điều căn bản nhất là gì? Chính là hai chữ thành kính, ở trong chân thành, bên ngoài cung kính. Khúc Lễ thiên đầu tiên trong Lễ Ký, câu thứ nhất là “vô bất kính”, cung kính hết thảy. Con người từ nhỏ đã học được, trong đời này, suốt cả đời này, đối đãi với tất cả người sự vật đều rất thành kính, trong thành ngoài kính. Họ học được, đây là căn bản. Người bây giờ không có, người bây giờ ngạo mạn tự đại, đối với mọi người không có chút khiêm nhường nào, tự cho mình hơn người. Thế giới này làm sao an định hòa bình được? Địa cầu này làm sao không có thiên tai? Đây là vấn đề nghiêm trọng nhất của nền giáo dục hiện nay. Không có thành kính không thể dạy, học sinh không tiếp thu được, quý vị dạy chỉ uổng công, họ không đạt được lợi ích.
Tổ sư Ấn Quang thường nói: “Một phần thành kính được một phần lợi ích”. Họ không có thành kính, quý vị dạy khô hơi rát cổ, họ cũng không đạt được lợi ích gì, thời gian dài còn cho là quý vị nói nhiều: “Nói những điều vô dụng, không thiết thực”. Họ phê bình như thế. Còn như dạy thành kính, họ hỏi lại quý vị: “Xã hội bây giờ có ai thành kính? Người thành kính thiệt thòi, người thành kính dễ bị ức hiếp.” Họ cho rằng như thế nào mới đúng? Cho rằng đấu tranh là đúng, tự tư tự lợi là đúng, tổn người lợi mình là đúng. Những khái niệm này được học từ nhỏ, từ mẫu giáo đã dạy, dạy cạnh tranh: “Quý vị phải hơn, không được thua người khác”. Từ nhỏ đã phải cố sức tranh giành như thế, tranh suốt đời, sau cùng đọa vào địa ngục A tỳ, đây là kết quả của đấu tranh, quả báo sau cùng là địa ngục A tỳ.
Nhẫn nhường chịu thiệt, cổ nhân thường nói, chịu thiệt là phước. Lúc nào cũng nhường nhịn, không tranh với người khác, nơi trở về sau cùng của họ là cõi trời, không giống nhau. Cổ nhân nói: “Thiệt thòi là phước”, câu nói này vô cùng chính xác, người chịu thiệt thòi đến thiên đường, người không chịu thiệt vào địa ngục. Người không chịu thiệt, những gì hiện tại đạt được là phước báo nhỏ nhoi, ích lợi nhỏ nhoi, thời gian hưởng thụ rất ngắn. Người chịu thiệt hiện tại rất khổ, nhưng thời gian chịu khổ không dài, tương lai thời gian hưởng phước ở cõi trời rất dài. Đây đều là sự thật, nhưng người bây giờ không tin, nói nó là mê tín, là thứ gạt người của thời đại phong kiến. Cho nên giáo dục của thánh hiền, giáo dục của Phật Bồ Tát, khó mà đột phá được cửa ải hiện thực này. Người thật sự có chí hiếu học, trước tiên cần phải nuôi dưỡng nhẫn nại của chính mình. Người khác không chịu làm, bản thân chúng ta làm, chúng ta phải kiên trì. Bất luận trong hoàn cảnh hiểm trở khó khăn nào, đều kiên định không thay đổi, phải cắn chặt răng mà tiếp tục làm.
Thế giới này đến khi nào mới có an định hòa bình? Chúng ta dự tính khoảng ba bốn đời sau, thời đại chúng ta dù có gắng vất vả thế nào cũng không thấy được kết quả, có thể lưu lại vài hạt giống đã là không tệ.
(Trích: Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa, tập 537)